GS Phạm Duy Hiển: Với điện hạt nhân, phải nói cho đúng!
Wednesday, September 25, 2013 22:55
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
Đất Việt - “Trước mắt, việc khởi công nhà máy ĐHN đầu tiên năm 2014 coi như hỏng? Muốn khởi công phải có tài liệu, có thiết kế, luận chứng… trong khi hiện tại chưa có gì. Nếu nỗ lực một cách nghiêm túc, sớm nhất là năm 2018 mới có thể khởi công. Tôi cho rằng càng chậm càng tốt vì đến năm 2030 sẽ có những loại lò phản ứng rất hiện đại”.
Nhân việc Nhật Bản dừng lò phản ứng điện hạt nhân cuối cùng, GS Phạm Duy Hiển, chuyên gia hàng đầu về ĐHN tại Việt Nam bàn tới việc xây dựng nhà máy ĐHN ở Việt Nam..
Nhật Bản tạm dừng hạt nhân vì nghe dân
PV: – Thưa ông, vào sáng 16/9 Nhật Bản đã chính thức đưa ra thông tin dừng lò phản ứng điện hạt nhân cuối cùng tại Ohi và không đưa ra khung thời gian có thể tái khởi động, dù điện hạt nhân chiếm 30% nguồn cung năng lượng của đất nước này. Theo ông, đây có phải là quyết định dễ dàng với Nhật Bản? Và tại sao lãnh đạo nước này phải đưa ra quyết định như vậy?
GS Phạm Duy Hiển: - Đây là một vấn đề phức tạp, nhất là hiện nay đã có hiện tượng rò rỉ phóng xạ xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Theo kết luận của Chính phủ Nhật Bản, mức độ phóng xạ xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã cao hơn tới 18 lần so với những báo cáo trước đó mà Công ty điện lực Tokyo Nhật Bản (Tepco) ghi nhận.
Việc Tepco mập mờ về thông tin như vậy khiến người dân càng thêm không yên tâm. Sự thực cũng phải thừa nhận rằng, họ đã cố gắng hết sức nhưng chuyện phóng xạ là tế nhị và nhạy cảm, còn dân thì không thể hiểu hết được.
Cho nên, nói tuyên truyền về hạt nhân chỉ là nói vậy thôi, chứ thực chất vấn đề phức tạp hơn rất nhiều. Tại sao điện hạt nhân lại bị phản đối nhiều như thế, là vì không có nhiều người hiểu biết về nó, trong khi đi tuyên truyền lại không chừng mực.
Nhật Bản đang gặp phải vấn đề như vậy. Nếu Chính phủ Nhật Bản vẫn tiếp tục điện hạt nhân, người dân không nghe, dù họ biết rõ, thiếu điện thì giá điện sẽ tăng lên. Theo tôi, chắc chắn cuối cùng Nhật Bản sẽ cho một số lò chạy thôi nhưng muốn làm thế thì người dân địa phương phải đồng thuận.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (mũ đỏ) thị sát nhà máy
Fukushima 1 và hối thúc tập đoàn tháo dỡ hai lò phản ứng còn lại của nhà máy
PV: - Tại Việt Nam, sự việc Lâm Đồng nhắc đi nhắc lại rằng “sợ” điện hạt nhân thời gian gần đây khiến dư luận không khỏi lo ngại (lò phản ứng trong Trung tâm hạt nhân có công suất bằng 1/100 một lò hạt nhân xây dựng ở Ninh Thuận). Thưa ông, phản ứng của Lâm Đồng và dư luận thể hiện điều gì trong thái độ của người dân với điện hạt nhân? Khi tâm lý người dân chưa thật sẵn sàng như vậy, liệu Việt Nam có thể học theo Nhật Bản?
GS Phạm Duy Hiển: - Cách đây hơn một năm, khi tổng kết thảm họa Fukushima, người ta nói rằng: “Đừng nói với người dân rằng điện hạt nhân là an toàn, mà hãy nói hãy tin chúng tôi. Chúng tôi sẽ cố gắng làm cho nó an toàn”. Phải nói cho đúng để người dân tin. Điều này tôi cũng đã từng nói với những người có trách nhiệm, và cả những người nghiên cứu về ĐHN nhưng không biết người ta nghe đến đâu.
Trên thực tế, sau sự cố Fukushima, nhiều nước vẫn làm ĐHN chứ không phải quay lưng hẳn. Nhưng vấn đề làm như thế nào thì các nước được lưu ý rất kỹ.
ĐHN càng chậm càng tốt
PV: – Bất chấp nhiều cảnh báo, ĐHN vẫn được coi như là lời giải cho việc thiếu năng lượng của Việt Nam trong 20 năm tới. Đến thời điểm này, theo ông đánh giá, Việt Nam đã làm được những gì và còn thiếu những gì để có thể phát triển điện hạt nhân một cách an toàn? Nhìn vào xu hướng thế giới như vậy, Việt Nam nên có những điều chỉnh như thế nào?
GS Phạm Duy Hiển: - Chính phủ Việt Nam đã ký kết với nước ngoài, quyết làm điện hạt nhân nên giờ rất khó biết phải nói thế nào. Nhưng chuyên gia nếu nói thì cũng phải nói cho đúng sự thật.
Nói nếu có sự cố thì Việt Nam có thể sẽ bị chia cắt ra làm đôi, trong khi xuất khẩu, kinh tế bị tê liệt ngay tức khắc và toàn bộ dải đất miền Trung sẽ bị ô nhiễm phóng xạ bao trùm trong nhiều năm nếu xảy ra một thảm họa hạt nhân như vụ Tchernobyl hay Fukushima cũng không chuẩn. Nói kiểu ‘an toàn tuyệt đối’ cũng là sai.
Vậy Việt Nam cần phải làm gì? Chỉ có cách làm đúng luật, đúng khả năng, không được chạy theo tiến độ. Trước mắt, việc khởi công nhà máy ĐHN đầu tiên năm 2014 coi như hỏng? Muốn khởi công phải có tài liệu, có thiết kế, luận chứng… trong khi hiện tại chưa có gì.
Nếu nỗ lực một cách nghiêm túc, sớm nhất là năm 2018 mới có thể khởi công. Tôi cho rằng càng chậm càng tốt vì đến năm 2030 sẽ có những loại lò phản ứng rất hiện đại.
Hiện tại, Việt Nam phải đối diện với vấn đề: làm sao để có đủ nguồn nhân lực? Thách thức lớn nhất với chúng ta là vấn đề này.
Trong việc phục vụ cho chương trình ĐHN, phải đào tạo được: chuyên gia vận hành lò phản ứng (để vận hành một lò phản ứng như của Nga, phải cần ít nhất là 300 hoặc 400 người, trong đó phải có những người đứng đầu biết xử lý mọi tình huống, tức phải là những người có kinh nghiệm);
Chuyên gia thẩm định dự án và giám sát thi công; chuyên gia có kinh nghiệm ở các cơ quan pháp quy độc lập với nhà máy (phải làm trong nghề ít nhất 10 năm sau khi tốt nghiệp đại học). Hiện Việt Nam chưa có những người như vậy.
GS Phạm Duy Hiển: Làm ĐHN bước được đến đâu đi đến đó chứ không phải nhảy.
Về chuyện đào tạo trong nước, tuy Chính phủ đã chuẩn chi 3 ngàn tỷ đồng cho dự án này nhưng ai sẽ làm thầy? Trong thế hệ “trẻ” hiện nay chưa ai từng kinh qua những trường đào tạo về hạt nhân nghiêm chỉnh, những chuyến xuất ngoại vài ba tuần lễ chỉ đủ để cưỡi ngựa xem hoa.
Vậy làm sao họ có thể đào tạo các chuyên gia ĐHN? Mà trong chương trình lại thấy đào tạo cả thạc sỹ, tiến sỹ nữa? Tiến sĩ chỉ là những người nghiên cứu, chứ vào nhà máy ĐHN để làm gì ở đó?!.
Tôi nghĩ lúc này, không còn cách nào khác, chúng ta phải đối diện thẳng với việc cấp tốc làm thế nào để cho có người làm ĐHN. Chúng ta cứ làm đi rồi sẽ thấy ta không làm nổi theo tiến độ đã đề ra, không thể đến năm 2020 đã có điện hạt nhân.
Nhiều người nghĩ rằng họ có thể làm được đủ mọi việc. Nhưng với ĐHN, khi bắt đầu vào những việc cụ thể, người ta mới thực sự thấy không giống như khi xây dựng đề án trên giấy.
Ngay từ đầu tôi đã nói điều này và đến bây giờ những người trực tiếp làm ĐHN đang phải đối mặt với chính vấn đề đó. Rất nhiều cán bộ trước đây hào hứng khi Quốc hội thông qua chủ trương làm ĐHN nhưng bây giờ bắt đầu hiểu ra rằng những cảnh báo trước đây là có thật.
Trước đây, trong giới khoa học, có lẽ chỉ mình tôi không ủng hộ việc làm ĐHN, bây giờ đã có nhiều người thừa nhận những lo ngại là có căn cứ.
PV: – Một chuyên gia về năng lượng đã tính toán, nếu Việt Nam thay đổi nền kinh tế tiêu thụ năng lượng vô lối, không hiệu quả như hiện nay, rồi tính toán lại nhu cầu điện năng thực tế, có thể Việt Nam sẽ không cần viện tới điện hạt nhân. Ông nghĩ như thế nào về thông tin này? Liệu có nên coi đây là một gợi ý đáng cân nhắc để giải bài toán năng lượng ở Việt Nam mà không phải bằng mọi giá phát triển điện hạt nhân dù hoàn cảnh thực tế chưa phù hợp?
GS Phạm Duy Hiển: - Có chứ nhưng người ta không muốn làm. Đã có số liệu chứng minh Việt Nam sử dụng năng lượng không hiệu quả nhất thế giới. Năm ngoái tăng trưởng kinh tế chỉ có 5,3% trong khi điện xài đến 12,5%, tức là điện hơn gấp đôi tăng trưởng. Tại sao trong cùng một đất nước mà điện năng ở TP Hồ Chí Minh chỉ tăng 7%/năm, tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực, trong khi Hà Nội lại tăng đến 17%/năm, Quảng Ninh 21%?
Thông thường khi các nhà quy hoạch xây dựng lộ trình phát triển điện phải căn cứ để GDP tăng thêm 1% điện phải tăng thêm bao nhiêu %, con số này được gọi là hệ số đàn hồi (HSĐH). Chính hệ số này nói lên hiệu quả sử dụng điện của nền kinh tế. Nó càng bé, nền kinh tế càng hiệu quả, đất nước càng hiện đại.
Khát điện như Trung Quốc mà họ cũng thấy rằng HSĐH suýt soát 1 là quá lãng phí. Nhận ra mối nguy, trong kế hoạch 2006-2010 họ kiên quyết giảm tốc độ tăng trưởng điện xuống trong khi vẫn bảo đảm tăng trưởng kinh tế mạnh.
Riêng trong hai năm 2008-2009, lượng điện thương phẩm của Trung Quốc chỉ tăng 6%/năm trong khi GDP tăng gần 10%/năm. Hai con số này ngược hẳn với ta: GDP tăng chưa đầy 6%/năm nhưng điện lại tăng đến 13%/năm.
Việt Nam cần xác định đúng thủ phạm gây lãng phí điện năng và có biện pháp xử lý. Năm 2010 và 2011, khi kinh tế suy thoái, nhiều doanh nghiệp phá sản khiến cho tiêu thụ điện giảm hẳn, hệ số đàn hồi điện/GDP giảm xuống còn 1,8 (2010) và 1,6 (2011). Điều này chứng tỏ thủ phạm chính gây lãng phí điện năng nằm trong khối sản xuất, xây dựng, chứ không phải trong khối hộ gia đình.
Vậy làm thế nào để xử lý tình trạng lãng phí điện như trên? Theo tôi, phải áp tiêu chí tiêu thụ điện năng vào trách nhiệm của lãnh đạo các tỉnh và công khai hóa cho mọi người đều biết. Tiêu thụ điện năng phải được xem như tiêu chí ưu tiên khi xét duyệt các dự án đầu tư trong và ngoài nước.
Những công nghệ lạc hậu tiêu tốn điện năng phải tìm cách loại bỏ dần v.v… Ai vi phạm trong khâu xét duyệt dự án sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Nói như vậy không phải là để tháo lui ĐHN, bây giờ chúng ta đang trong tình thế buộc phải đi tới. Thế nhưng phải đi tới cho đúng, bước được đến đâu đi đến đó chứ không phải nhảy cóc rồi ngã nhào.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư về cuộc trao đổi!
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo