Được các chuyên gia gọi là “siêu cây“, những thực vật biến đổi gene này không chỉ có khả năng duy trì sản xuất hormone zytokinin (giúp cây lâu héo và liên tục quang hợp), mà còn sử dụng ít nước trong quá trình sinh trưởng.
Cải xoăn biến đổi gene của Giáo sư Gepstein. (Ảnh: unitedwithisrael.org)
Giáo sư Shimon Gepstein – thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, ông đã đem một cây cải xoăn biến đổi gene về nhà và 21 ngày sau nó mới bắt đầu héo úa, trong khi những cây cải bình thường tươi lâu lắm là 5-6 ngày. “Những cây này có khả năng sống sót trong hạn hán, chúng có thể tồn tại qua 1 tháng không có nước và cho dù bạn tưới nước thì chúng chỉ cần 30% nhu cầu so với những cây bình thường”, ông Gepstein khẳng định. Do có khả năng sinh tồn lâu hơn, nên “siêu cây” có thể cho sản lượng thu hoạch nhiều hơn – một ưu điểm có thể giúp ích cho vô số quốc gia đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nước.
Mặc dù việc sử dụng “cây trồng biến đổi gene” vẫn còn gây nhiều lo ngại, song Giáo sư Gepstein khẳng định giống cây mới của ông không ảnh hưởng gì đến sức khỏe con người bởi chúng được biến đổi bằng gene của chính mình, chứ không phải nhân tố từ bên ngoài.
Hiện nay, hạn hán là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng khan hiếm lương thực trên thế giới. Vì vậy, nỗ lực lai tạo ra những “siêu cây” được xem là một giải pháp mới giúp chấm dứt tình trạng này.
2013-09-01 14:44:06