Động lực được truyền đến bánh sau bởi mô-tơ điện công suất 168 mã lực do BMW thiết kế thông qua một hộp số đơn cấp. Máy phát điện tùy chọn sử dụng động cơ xăng cũng ở phía sau
BMW đã đặt một khoản đầu tư lớn vào dòng xe điện khi đồng loạt cho trình làng bản sản xuất cuối cùng của mẫu xe thành thị i3 ở Luân Đôn, New York và Bắc Kinh vào đầu tháng 8 vừa qua.
i3 đã chính thức ra mắt tại Triển lãm Frankfurt 2013 và có giá hơn 1 tỷ VND, sau khi trừ đi khoản giảm giá 166 triệu VND dành cho xe điện, chiếc xe sẽ đến tay khách hàng Anh với giá 852 triệu VND.
Được biết, BMW đã bỏ ra 66.353 tỷ VND cho quá trình nghiên cứu, phát triển, lái thử và sản xuất mẫu xe 4 chỗ mới. Trong số những thành tựu kỹ thuật ứng dụng trên xe, phải kể đến phần thân trọng lượng nhẹ bằng sợi các-bon do hãng SGL Carbon có trụ sở ở Mỹ cung cấp nhưng được dệt và xử lý tại nhà máy của BMW ở Landshut, Đức.
Mẫu hatch chạy điện này sẽ giới thiệu thương hiệu ‘i’ mới của BMW
Với khối lượng 1.195kg, i3 nhẹ hơn mẫu hatchback 114i hiện hành 90kg, dù sử dụng bộ pin nặng 230kg. Độ bền sẵn có của cấu trúc thân xe bằng sợi các-bon cho phép đội thiết kế của BMW bỏ trụ B truyền thống và sử dụng thiết kế cửa mở ngược gắn ở phía sau.
Sở hữu kích thước dài x rộng x cao tương ứng là 3.999 x 1.775 x 1.578mm, i3 thấp hơn 326mm, rộng hơn 10mm và cao hơn 158mm so với mẫu hatchback 1-series thế hệ thứ hai.
Sức mạnh của xe đến từ mô-tơ điện đồng bộ nằm bên trong cụm chi tiết bằng nhôm ở phía trên cầu sau. Sản xuất nội bộ dưới tên gọi BMW eDrive, mô-tơ này cho công suất 168 mã lực và mô-men xoắn 249Nm. Động lực được truyền qua một hộp số đơn cấp đặt ở sau mô-tơ điện, cung cấp 3 lựa chọn chế độ lái là: Comfort, Eco Pro và Eco Pro+.
Bộ pin li-ion 22kWh của xe do Samsung sản xuất, có hạn bảo hành lên tới 6 năm hoặc trên 160.000km. Bộ pin gồm 96 pin lẻ xếp theo cấu trúc phẳng và có thiết kế cho phép thay thế riêng phần pin bị hư hỏng. Thông qua bố trí bộ pin ở vị trí thấp, BMW tuyên bố i3 sở hữu trọng tâm thấp hơn so với X1.
Lớp vỏ xe làm từ sợi các-bon bọc ngoài bộ khung gầm bằng nhôm ép và đủ cứng để bỏ đi trụ B. Bộ pin 22kWh nằm dưới sàn xe
Theo bài kiểm tra tiêu thụ năng lượng dành cho xe điện mà EU ủy quyền tiến hành, i3 chỉ cần trung bình 12.9kWh để chạy trên quãng đường 100km, và tầm hoạt động của xe ở chế độ Comfort là 190km. BMW cũng thông báo con số khi chạy trong điều kiện thực tế ở chế độ Comfort nằm trong khoảng 130-160km, phụ thuộc vào nhiệt độ xung quanh.
Ở chế độ hiệu quả nhất – EcoPro+, với tốc độ tối đa giới hạn ở 80km/h – mẫu xe BMW mới có tầm hoạt động lên tới 200km khi chạy điện. Những nghiên cứu toàn cầu sử dụng các mẫu xe điện thử nghiệm Mini E và 1-series ActiveE cho thấy phạm vi trung bình hàng ngày chỉ đạt 40km.
Tùy chọn mở rộng tầm hoạt động (REX) cũng được cung cấp khi xe bắt đầu bán ra tại Anh với mức giá chênh lệch khoảng 66 triệu VND, giúp tầm hoạt động trên lý thuyết của i3 tăng hơn 60% ở chế độ EcoPro+, đạt 340km.
Cabin được hoàn thiện với một số chất liệu thân thiện với môi trường khá lạ, gồm gỗ bạch đàn ở châu Âu và da xuất xứ từ Đức phủ ngoài chiết xuất từ lá cây ô-liu
Máy phát điện sử dụng một động cơ xăng 2 xy-lanh, dung tích 650cc, lấy từ mẫu maxi-scooter C650 của BMW, sản sinh công suất 25 mã lực và mô-men xoắn 56Nm. Động cơ này được đặt nằm dọc ở phía sau, bên cạnh mô-tơ điện. Bình nhiên liệu 9 lít nằm trên sàn xe ở chân vách ngăn kín phía trước.
Bố trí như trên khiến khối lượng của i3 tăng thêm 120kg và theo công bố, xe sử dụng trung bình 13,5kWh/100km, động cơ xăng của xe tiêu thụ 0,6L/100km và thải trung bình 13g CO2/km theo tiêu chuẩn kiểm nghiệm của EU.
Với tỷ số công suất/trọng lượng là 151 mã lực/tấn ở cấu hình EV chạy riêng bằng pin, theo thông báo chính thức, i3 có thể tăng tốc từ 0-60km/h trong 3,7 giây và từ 0-100km/h trong 7,2 giây, đồng thời vọt từ 80-121km/h trong 4,9 giây. Ở cấu hình REX với tỷ số phân bổ 128 mã lực/tấn, thời gian tăng tốc tương ứng là 3, 9 giây, 7,9 giây và 5,5 giây. Cả hai cấu hình đều có tốc độ giới hạn ở 150km/h.
Hệ thống lái và sàn cao khiến thể tích cốp bị hạn chế ở 260 lít
BMW cho biết chiếc xe cần chưa đến 30 phút để sạc đầy 80% bộ pin thông qua ổ sạc 50kW – có thể tìm thấy ở nhiều trạm sạc điện công cộng ở Anh. Khi sử dụng ổ sạc trong gia đình, con số có phần kém ấn tượng hơn với thời gian 8 tiếng.
i3 sở hữu bộ khung gầm bằng nhôm thửa riêng với hệ thống treo thanh giằng kiểu MacPherson ở phía trước và hệ thống treo sau liên kết 5 điểm. Hệ thống lái trợ lực điện, dùng chung với mẫu Mini thế hệ mới sắp ra mắt, có số vòng quay từ khóa trái sang khóa phải theo công bố là 2,5 và giúp mẫu BMW mới có đường kính vòng cua khá ngặt là 9,9 mét.
i3 có đủ chỗ dành cho 4 người lớn bên trong khoang nội thất rộng rãi
Xe sử dụng bộ la-zăng đúc bằng hợp kim nhôm tiêu chuẩn đường kính 19 inch và đi kèm bộ lốp siêu mỏng 155/70. Tương tự như các mẫu xe thông thường hơn của hãng, i3 có tỷ lệ phân bổ trọng lượng trước/sau là 50/50. Thể tích cốp bị hạn chế bởi hệ thống lái đặt ở phía sau và sàn xe cao. Với sức chứa 260 lít, khoang hành lý của i3 giảm 100 lít so với 1-series.
Hãng đã chính thức nhận đơn đặt hàng vào đầu tháng 8/2013, và lịch giao xe ở Anh theo dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 11/2013. Kèm theo mẫu xe mới, BMW đã phát triển một loạt ứng dụng đa phương tiện có sẵn thông qua bộ chương trình ConnectedDrive, cho phép phối hợp bố trí hành trình trên i3 với các phương tiện giao thông công cộng khác.
Các mẫu BMW khởi nguồn cho i3
E1 rất giống i3 và đã ra mắt vào năm 1991
i3 là một thành tựu kỹ thuật vượt trội, nhưng sự xuất hiện của chiếc xe tại các showroom chỉ ra mẫu xe độc đáo này đã được thai nghén khá lâu trước khi trở nên khả thi để sản xuất.
Thực sự, đã gần 22 năm kể từ khi BMW ra mắt concept xe thành thị chạy điện đầu tiên. Chỉ sau 10 tháng phát triển, E1 đã trình làng tại Triển lãm Frankfurt vào năm 1991, đây là mẫu concept có nhiều điểm chung với i3 mới.
Dài 3,45m, chiếc xe có đủ không gian dành cho 4 người và được chế tạo dựa trên cấu trúc khung không gian bằng nhôm ép, phủ chủ yếu bằng các tấm ốp làm từ nhựa tái chế. Xe sử dụng một mô-tơ điện 32kW dẫn động đến bánh sau. Tốc độ tối đa là 121km/h và thời gian tăng tốc từ 0-48km/h là 6,0 giây.
Bộ pin natri-lưu huỳnh 19kWh nặng 200kg được đặt dưới sàn xe. Theo công bố của BMW, chiếc xe có thể sạc đầy trong 6 tiếng từ mạng điện chính để chạy trong phạm vi 161km. Phiên bản thứ hai của mẫu xe này đã ra mắt vào năm 1993, với bộ pin natri-niken-clorua khỏe hơn.
Phiên bản thứ hai của E1 trình làng vào năm 1993
Theo nhiều nhận định, concept E1 không đạt được bước tiến xa hơn bởi khả năng California bắt buộc các hãng xe sản xuất xe điện không bao giờ trở thành hiện thực. BMW cũng mua lại Rover Group vào đầu năm 1994, dẫn đến việc cắt giảm một số dự án.Một concept xe thành thị khác cũng là nạn nhân của vụ mua lại tập đoàn Rover là chiếc Z13 tân tiến. Trình làng tại Triển lãm Geneva vào năm 1993, Z13 cũng có bố trí động cơ ở phía sau.
Z13 khởi đầu như một dự án phi chính thức ở phòng Technik cao cấp của BMW dưới sự chỉ đạo của nhà thiết kế Robert Powell. Ông đã vạch ra một mẫu xe cỡ nhỏ phục vụ đi lại trong thành thị với điểm nhấn đặt vào các trang bị xa xỉ và cao cấp như hệ thống định vị vệ tinh và hệ thống âm thanh tinh tế.
Mẫu Z13 3 chỗ có động cơ lấy từ xe mô-tô dài 3,4m và nặng 830kg
Thiết kế cuối cùng là một chiếc xe chỉ dài 3,4m và nặng 830kg. Xe có vị trí lái ở trung tâm, với ghế lái đặt ở trục giữa hai ghế hành khách. Giống như i3 và E1, Z13 cũng dựa trên bộ khung gầm bằng nhôm. Động lực được truyền đến bánh sau từ động cơ lấy từ mẫu xe mô-tô K1100 có dung tích 1.200cc và công suất 82 mã lực, thông qua hộp số CVT.
Trong khi concept i3 phải mất gần 2 thập kỷ để có mặt tại các showroom, liệu chiếc xe tương tự Z13 có thể nào trở nên bất khả thi khi mà một mẫu xe phụ bên cạnh Mini có vẻ khá tiềm năng, đặc biệt ở thị trường châu Á?
Theo Autocar Vietnam
2013-09-22 20:02:28
Nguồn: http://www.tinmoi.vn/mau-xe-dien-cach-mang-cua-bmw-011279227.html