Thứ hai 09/09/2013 17:00
Tổng thống Barack Obama đã “quá tự tin” khi cáo buộc chính phủ Syria tiến hành vụ thảm sát bằng vũ khí hóa học hôm 21/8 song những bằng chứng chứng minh lại chưa đủ sức thuyết phục.
Cậu bé Issa (10 tuổi) thu thập các vỏ đạn súng cối tại thành phố Aleppo, Syria hôm 7/9 |
Những hình ảnh tang thương được giới truyền thông quốc tế đăng tải chỉ có thể chứng minh chắc chắn, Syria đã trải qua một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học hồi tháng trước. Tuy nhiên, các nghị sỹ Mỹ cho rằng 13 đoạn video được chính quyền Tổng thống Obama trình lên Quốc hội Mỹ vẫn chưa làm sáng tỏ ai là thủ phạm của vụ thảm sát trên.
Ngoại trưởng Mỹ – John Kerry cho rằng mọi thông tin bổ sung chi tiết quá có thể ảnh hưởng xấu tới “các nguồn lực và phương pháp” mà cơ quan tình báo Mỹ đã sử dụng để thu thập bằng chứng. Trong khi đó, cả Anh, Pháp và NATO cũng lên tiếng cáo buộc lực lượng quân đội ủng hộ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad là thủ phạm thảm sát dân thường tại ngoại ô thủ đô Damascus hôm 21/8 bằng vũ khí hóa học.
Tuy nhiên, ngay trong nội bộ giới chức Mỹ đang tồn tại những nghi ngờ chưa được giải quyết thỏa đáng.
“Chúng tôi đặc biệt thông cảm, Bộ trưởng Quốc phòng – Chuck Hagel và tôi không bao giờ yêu cầu bất cứ thành viên Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn tấn công Syria dựa trên những bằng chứng chưa rõ ràng. Đây chính là lý do cơ quan tình báo Mỹ liên tục thanh lọc bằng chứng đã thu thập”, ông Kerry phát biểu trước Quốc hội.
“Chính quyền của Tổng thống Obama muốn tiến hành chiến tranh dựa trên 2 tập tài liệu dài 4 và 12 trang mà không chỉ rõ bằng chứng”, nghị sĩ bang Florida – Alan Grayson phát biểu trên hãng tin CNN.
“Họ nắm trong tay bằng chứng cho thấy chính phủ Syria là thủ phạm của các vụ tấn công song không trực tiếp cáo buộc Tổng thống Assad”, nghị sĩ bang California – Buck McKeon nhận định.
Chánh văn phòng Nhà Trắng – Denis McDonough cho biết: “Đây không phải là một tòa án luật pháp và tình báo Mỹ cũng không làm theo cách này”.
Hồi tuần trước, Ngoại trưởng Kerry khẳng định: “Bằng chứng của chúng tôi chứng minh chính quyền của ông Assad đã chuẩn bị cho cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học như ban hành hướng dẫn chuẩn bị cuộc tấn công cũng như cảnh báo lực lượng chiến đấu sử dụng mặt nạ chống độc”.
Bằng chứng “cụ thể”
Khung cảnh hoang tàn sau cuộc đụng độ giữa quân chính phủ Syria với lực lượng nổi dậy tại tỉnh Idlib hôm 5/9 |
Theo ông Kerry, những bằng chứng “cụ thể” cho thấy vị trí và thời điểm các rocket được phóng đi và không một rocket nào rơi xuống vùng lãnh thổ do chính phủ Syria kiểm soát.
“Hình ảnh vệ tinh phát hiện các cuộc tấn công xuất phát từ khu vực chính phủ Syria kiểm soát, nhằm tới các vùng lân cận – nơi cuộc thảm sát bằng vũ khí hóa học đã xảy ra. Việc thiếu vắng hoạt động của máy bay và các vụ phóng tên lửa dẫn tới kết luận rằng chính quyền của ông Assad đã sử dụng rocket trong vụ tấn công này”, bản báo cáo của Nhà Trắng viết.
Song, Nhà Trắng mới chỉ công bố hình ảnh một chiếc bản đồ thay vì các hình ảnh được chụp từ vệ tinh cũng như dẫn thông tin của “hàng loạt cơ quan tình báo” mà không ghi rõ chi tiết.
“Nghe lén các cuộc đối thoại”
Chiến binh Quân đội Syria Tự do trong tư thế sẵn sàng chiến đấu hôm 3/9 |
“3 ngày trước khi xảy ra vụ tấn công, chứng tôi đã thu thập những dấu hiệu cho thấy chính phủ Syria đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học”, bản báo cáo của Mỹ tiết lộ.
“Các binh sĩ sử dụng vũ khí hóa học của chính phủ Syria đã được triển khai tới Adra – khu vực ngoại ô thủ đô Damascus nơi họ pha trộn các loại vũ khí hóa học bao gồm chất độc thần kinh sarin. Hôm 21/8, một đơn vị của chính phủ Syria đã chuẩn bị cho cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại thủ đô Damascus, bao gồm sử dụng mặt nạ phòng độc. Chúng tôi đã nghe trộm được các đoạn đối thoại của một quan chức cấp cao, xác nhận vũ khí hóa học đã được chính phủ Syria sử dụng hôm 21/8 và lo ngại các thanh sát viên Liên Hiệp Quốc tới thu thập bằng chứng”.
Mỹ: “Phe đối lập Syria không sử dụng vũ khí hóa học”
Một ngôi nhà bốc cháy do trúng tên lửa |
Trong khi đó, các bản báo cáo của cơ quan tình báo Mỹ, Anh và Pháp đều đồng thuận với nhận định rằng phe đối lập Syria không có lý do để thảm sát dân thường bằng vũ khí hóa học.
“Chúng tôi chắc chắn không một nhóm đối lập nào tại Syria nắm trong tay các loại vũ khí trên và có đủ khả năng thực hiện vụ tấn công có quy mô lớn như hôm 21/8 ngay tại trung tâm lãnh thổ do chính phủ Syria kiểm soát”, Ngoại trưởng Kerry nói.
Bản báo cáo của Nhà Trắng chỉ ra rằng Syria hiện đang sở hữu nhiều kho hóa chất. Do đó, Mỹ “tự tin khẳng định hồi năm ngoái, chính phủ Syria đã nhiều lần dùng vũ khí hóa học với quy mô nhỏ để tấn công phe đối lập bao gồm tại khu vực ngoại ô thủ đô Damascus”.
Đánh giá này được đưa ra dựa trên nhiều nguồn thông tin thu thập từ kế hoạch của giới chức Syria triển khai vũ khí hóa học để tấn công, cũng như các mẫu thí nghiệm phân tích trên những nạn nhân do phơi nhiễm chất độc thần kinh sarin. Phe đối lập không sử dụng các loại vũ khí hóa học”.
Hồi tháng Năm, một quan chức Liên Hiệp Quốc lên tiếng nghi ngờ lực lượng nổi dậy Syria đã sử dụng chất độc sarin. Tuy nhiên, Ủy ban điều tra độc lập về Syria của Liên Hiệp Quốc khẳng định cáo buộc trên chưa đi tới hồi kết luận. Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định không có bằng chứng xác minh quân nổi dậy Syria sử dụng vũ khí hóa học.
Nga – đồng minh của Syria, cho biết cuộc điều tra vụ tấn công hồi tháng Ba tại Aleppo liên quan tới các loại vũ khí hóa học, đã cho thấy chúng là sản phẩm nội địa và khả năng là của nhóm Bashaar al-Nasr – phe đối lập Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Syria. Bộ Ngoại giao Nga xác nhận chất độc sarin đã được phát hiện tại hiện trường vụ tấn công trên.
Bằng chứng của Mỹ “không đáng tin”
Thanh sát viên Liên Hiệp Quốc thu thập mẫu thí nghiệm tại nơi xảy ra vụ thảm sát bằng vũ khí hóa học ngoại ô thủ đô Damascus |
Số liệu thương vong trong vụ tấn công hồi tháng trước tại Syria liên tục thay đổi đã làm dấy lên nghi ngờ về tính chính xác của các bằng chứng được Mỹ công bố. Đánh giá ban đầu cho thấy “1.429 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công bằng vũ khí hóa học bao gồm ít nhất 426 trẻ em”.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo quân nổi dậy Syria cho biết hơn 1.300 người đã thiệt mạng. Cơ quan Tình báo Anh xác nhận ít nhất 350 người đã bị giết. Bản báo cáo của Pháp lại ước tính con số thương vong là 355 người và các nguồn tin khác công bố là 1.500 người.
Liên Hiệp Quốc chưa có kết luận cuối cùng
Liên Hiệp Quốc đang kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới không vội hành động cho tới khi kết quả điều tra của tổ chức này được công bố. Tuy nhiên, các thanh sát viên Liên Hiệp Quốc chỉ có trách nhiệm xác minh liệu vũ khí hóa học đã được triển khai tại Syria chứ không chịu trách nhiệm điều tra ai là thủ phạm tấn công.
Trong khi đó, chính phủ Syria liên tiếp cáo buộc chính quân nổi dậy là thủ phạm sử dụng vũ khí hóa học song không công bố bằng chứng cụ thể.
Minh Thu
2013-09-09 02:56:12