DETTIFOSS, THÁC NƯỚC VĨ ĐẠI BẬC NHẤT CHÂU ÂU
Thác nước Dettifoss nằm tại vườn quốc gia Vatnajökull, phía đông bắc Iceland, là thác nước nổi tiếng bậc nhất châu Âu, bởi vẻ hùng vĩ và cường độ nước chảy của nó…
Thác nước Dettifoss cũng đứng đầu châu Âu về mức độ nước xả (trung bình khoảng 193 mét khối mỗi giây). Lượng nước xả của nó luôn tăng, đặc biệt vào những lúc thời thiết hoặc hoạt động núi lửa làm tan chảy sông băng Vatnajokull. Thác nước này mạnh đến nỗi, nó làm rung chuyển mạnh các mặt đá xung quanh, và sự rung động này hoàn toàn có thể được cảm nhận rõ rệt bằng tay.
Thác Dettifoss nằm cuối dòng sông Jökulsá á Fjöllum (bắt nguồn từ một dòng sông băng khác có tên Vatnajökull), và lấy nước từ một khu vực khá rộng lớn ở đông bắc Iceland. Thác nước này rộng 100m và chảy 45m xuống hẽm núi Jökulsárgljúfur bên dưới.
Nước từ sông Jökulsá á Fjöllum luôn đục và đầy cặn, khác hẳn với dòng chảy xiết trắng xóa của thác. Vào mùa lũ, nước ở sông và thác Dettifoss đều trông đen sì với các chất cặn bẩn và rác rưởi.
Luôn đi kèm với thác Dettifoss là hai thác nước lớn khác : Selfoss (cách chỉ vài kilomet về phía nam), và Hafragilsfoss (cách vài kilomet về phía bắc). Từ hai bên bờ sông Jokulsa đều có thể dẫn đến vị trí các thác nước, tuy nhiên, khách du lịch cần phải rất cẩn thận khi đi bộ trên địa hình trơn trượt và ghồ ghề nơi đây. Ở bờ tây, các trang thiết bị không có gì và tầm nhìn bị che khuất bởi bụi nước. Ở bờ phía đông, có một bảng thông tin được nhóm nhân viên ở vườn quốc gia Vatnajökull bảo trì, và đây cũng là nơi có tầm nhìn đẹp nhất.
Thác nước Dettifoss được lấy làm cảnh mở đầu cho bộ phim bom tấn năm 2012 có tên Prometheus (Hành trình đến hành tinh chết), và kể từ đó, nó được gọi với cái tên thác Prometheus. (Hoài Linh theo Amusing Planet)
ĐỘC ĐÁO “THUYỀN KHÁCH SẠN” TRÊN VÁCH ĐÁ
Được xây dựng trên vách đá cao nằm ngay sát bờ biển, của một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất Hàn Quốc – thị trấn Jeongdongjin, khu du lịch – nghỉ dưỡng Mặt Trời là loại hình du lịch biển trên đất liền đầu tiên trên thế giới…
Toàn bộ khu nghỉ dưỡng được thiết kế với hình dáng một con thuyền du lịch không lồ, nhìn từ xa như một chiếc thuyền bị sóng đẩy lên vách đá, và đây chính là điểm tạo nên nét độc đáo của khu du lịch này.
Du thuyền khách sạn dài 165m, cao 45m, nặng 30.000 tấn, có tất cả 211 phòng, gồm cả phòng kiểu chung cư và khách sạn, nhà hàng kiểu phương Tây và Hàn Quốc, phòng đợi nhìn ra trời và biển, câu lạc bộ đêm, phòng Karaoke và hồ bơi. Ngoài ra còn có 6 hội trường được dùng cho các buổi thuyết diễn và hội thảo.
Được khai trương từ năm 2002, khu du lịch – nghỉ dưỡng Mặt Trời nhanh chóng trở thành một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất Hàn Quốc. Khách du lịch có thể trải nghiệm toàn bộ sự xa hoa và nét riêng biệt ở đây với 45,12 bảng Anh/đêm (gần 1.300.000 đồng).
Cùng thưởng thức loạt ảnh của tàu du lịch sang trọng này :
1/- Phòng đợi với quang cảnh hoàn hảo ra biển. 2/- Khách du lịch còn có thể chơi Golf ngay trên “du thuyền”. 3/- Phòng ngủ đơn giản, nhưng không kém phần sang trọng, với hai ô cửa thông gió, vừa có thể ngắm sóng biển vừa có thể hóng gió
4/- Hồ bơi nước biển ngay trên “du thuyền”. 5-6/- Toàn cảnh khu du lịch – một địa điểm quá tuyệt vời để ngắm hoàng hôn (Trang Hà theo The Sun)
8 ĐÀI PHUN NƯỚC ẤN TƯỢNG NHẤT THẾ GIỚI
Hình ảnh đài phun nước luôn là biểu tượng đẹp, đầy lãng mạn, được nhiều người ngưỡng mộ của các thành phố trên thế giới.
Trên thực tế, đài phun nước là một trong những công trình kiến trúc đẹp mắt và luôn được đánh giác cao ở bất kỳ nơi nào. Đài phun nước luôn toát lên vẻ quyến rũ bất kể kích thước hay hình dáng được thiết kế ra sao. Tuy nhiên, một trong số chúng thực sự khiến người xem lặng người.
Cùng Nhà đẹp tìm hiểu và ngắm nhìn những đài phun nước ấn tượng nhất và tuyệt vời nhất trên thế giới mà biết bao người ngưỡng mộ.
1/. Đài phun nước Unisphere, Mỹ : Đài phun nước chúng tôi quyết định kể tên đầu tiên nằm ở Queens, thành phố New York, Mỹ. Nó có thên là Unisphere. Đối với đài phun nước Unisphere, vẻ đẹp hoành tráng của nó không đơn thuần chỉ là những cột nước được phun cao mà điểm ấn tượng nhất nằm ở biểu tượng địa cầu làm bằng thép. Quả địa cầu thép từng là biểu tượng của Hội chợ thế giới New York năm 1964 – 1965. Nó tượng trưng cho một hành tinh hòa bình và được đặt chính giữa hồ nước.
2/. Đài phun nước King Fahd, Các tiểu vương quốc Ả Rập : King Fahd thực sự là một đài phun nước theo đúng nghĩa đen của Thế giới. Đài phun nước này là công trình do vua Fahd xây dựng cho thành phố Jeddah thuộc Các tiểu vương quốc Ả Rập. King Fahd hiện là đài phun nước cao nhất trên Thế giới. Các cột nước phun cao tới gần 350 mét với tốc độ hơn 340 mét/giờ. Vào những ngày đẹp trời, các cột nước có thể phun cao hơn cả tháp Eiffel của Pháp.
3/. Đài phun nước Magic, Tây Ban Nha : Bạn có thể tới thăm quan đài phun nước này ở Montjuic, Barcelone, Tây Ban Nha. Đài phun nước Magic là màn trình diễn cực kỳ ấn tượng của ánh sáng và nước được bố trí trong 3 vòng tròn đồng tâm. Các chùm nước bắn lên không trung được ví như vũ điệu tạo nên bởi Chúa. Nó có tổng cộng 3.620 vòi phun và 2600 lít nước được bắn lên mỗi giây.
4/. Đài phun nước Wild Goose, Trung Quốc : Đây là một đài phun nước lập kỷ lục lớn nhất Châu Á, được xây dựng trên khu đất rộng 16.8 héc-ta. Các vòi phun nước được bắn lên theo nhịp điệu của âm nhạc, và khi đêm xuống, chúng được chiếu sáng bằng hệ thống đèn LED. Bạn có thể ngắm nhìn đài phun nước ấn tượng này ở Tây An, Trung Quốc.
5/. Đài phun nước Moonlight Rainbow, Hàn Quốc : Nằm ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc, Moonlight Rainbow là đài phun nước dài nhất thế giới. Nó tạo nên màn trình diễn vô cùng ấn tượng và nó cũng làm thành phố Seoul tất bật, nhộn nhịp trở nên lãng mạn hơn. Đài phun nước Moonlight Rainbow tích hợp khoảng 10.000 vòi phun đèn LED linh động chạy dọc hai bên thân cầu Banpo có chiều dài 1.140 mét.
6/. Đài phun nước Bellagio, Mỹ : Nổi tiếng khắp thế giới không có gì khác ngoài đài phun nước Bellagio thuộc thành phố Las Vegas, Nevada, Mỹ. Nó tọa lạc trong một hồ nước rộng 8 mẫu, tương đương 3.2 héc-ta. Đài phun nước Bellagio là điểm thu hút chính của thành phố, nó khiến tất cả mọi người đi qua đều phải ngạc nhiên. Những cột nước “nhảy múa” theo điệu nhạc tạo nên bầu không khí đẹp hoàn hảo cho màn đêm Las Vegas.
7/. Đài phun nước Wealth, Singapore : Wealth là đài phun nước rộng nhất thế giới, tọa lạc tại thành phố Suntec, Singapore. Thiết kế của đài phun nước Wealth có nguồn gốc từ vòng tròn vũ trụ của người Hindu, thực sự rất hoành tráng. Đài phun nước này còn có một truyền thuyết, đó là nếu bạn để tay mình chìm trong nước, đi vòng quanh hồ nước trung tâm và thầm ước một điều thì điều ước của bạn sẽ sớm trở thành hiện thực.
8/. Đài phun nước Dubai, Các tiểu vương quốc Ả Rập : Ở thành phố Dubai có một đài phun nước cùng tên được xây dựng trong lòng hồ Burj Khalifa rộng 12 héc-ta. Đài phun nước Dubai được lắp hơn 6.600 bóng đèn và 25 máy chiếu màu sắc có thể tạo ra một quang phổ của hơn 1.000 màu sắc trừu tượng. Đài phun nước dài 275 mét và chiều cao các cột nước được phun cao tới 150 mét hòa trong nền nhạc Ả Rập từ cổ điển tới hiện đại.
10 CÂY CẦU “ĐỘC VÀ LẠ” NHẤT VIỆT NAM
Những cây cầu mang kỷ lục Việt Nam luôn là điểm nhấn cảnh quan tại nơi mà chúng bắc qua, rất thu hút sự chú ý của người dân và du khách quốc tế.
1/- Cầu vượt biển dài nhất Việt Nam : Cầu Thị Nại là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam nằm trong hệ thống cầu đường Nhơn Hội, nối thành phố Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai (khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định),dài gần 7 km, với tổng số vốn đầu tư là 582 tỷ đồng.
Được khởi công xây dựng vào tháng 11/2002 và khánh thành vào ngày 12/12/2006, cầu Thị Nại có phần chính dài 2.477,3 m, rộng 14,5 m (kể cả hệ thống cầu gom) với 5 cầu ngắn, gồm 54 nhịp, có khẩu độ mỗi nhịp là 120m. Cầu chịu xe trọng tải 30 tấn và xe bánh xích trọng tải 80 tấn.
Cầu Thị Nại ứng dụng công nghệ thi công hiện đại, dùng cọc khoan nhồi có đường kính từ 1,2 – 1,5 m, dầm hộp bê tông liên tục, dầm supper T ứng suất trước. 5 nhịp chính thi công theo phương pháp đúc hẫng cân bằng đối xứng, bê tông dầm hộp có cáp dự ứng lực trong và ngoài, còn 49 nhịp dẫn sử dụng dầm Supper T ứng suất trước.
Từ khi đưa vào hoạt động, cầu Thị Nại đã giúp giảm thiểu tối đa thời gian qua lại từ bán đảo Phương Mai và thành phố Quy Nhơn, giúp phát triển mạnh khu kinh tế Nhơn Hội. Tuy nhiên, đến tối 19/11 vừa qua, ông Nguyễn Hà Đông, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định, xác nhận cầu Thị Nại bị đứt cáp một nhịp, nhưng do dây cáp thay thế phải chờ nhập từ nước ngoài nên thời gian hạn chế tải trọng ô tô qua lại nhanh nhất sẽ là hai tháng.
Hiện tại, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định đã lập hai trạm barie hai bên đầu cầu và một trạm kiểm soát ở đầu cầu phía bắc, chỉ cho phép các xe có tải trọng từ 15 tấn trở xuống qua lại.
2/- Cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Việt Nam và Đông Nam Á : Cầu Cần Thơ là cây cầu bắc qua sông Hậu, nối thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long. Tại thời điểm hoàn thành vào tháng 4/2010, đây là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Được khởi công ngày 25/9/2004,cầu Cần Thơ có chiều dài toàn tuyến là 15,85 km, chiều rộng 23,1 m với bốn làn xe với tốc độ thiết kế 80 km/h, mỗi làn rộng 3,5m cùng hai làn dành cho người đi bộ 2,75 m. Cầu có tĩnh không thông thuyền cao 39 m, đảm bảo cho tàu 10.000 DWT qua lại.
Điểm khởi đầu cầu tại km 2061 trên Quốc lộ 1 huyện Bình Minh tỉnh Vĩnh Long, điểm cuối cầu tại km 2077 Quốc lộ 1 quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Tổng mức đầu tư của công trình là 4.832 tỷ đồng (thời điểm năm 2001 là khoảng 342,6 triệu USD) bằng nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Hiện, cầu Cần Thơ đang góp phần thông thương tuyến Sài Gòn đi về thành phố Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Hậu Giang. Nhờ chiếc cầu này, các loại phương tiện giao thông và hàng hóa không phải mất bình quân 15 phút để sang sông theo những chuyến phà, chưa kể nhiều ngày lễ, tết… phải mất cả buổi vì kẹt phà như trước đây.
3/- Cầu treo dây võng hiện đại và dài nhất Việt Nam : Cầu Thuận Phước là cây cầu treo dây võng hiện đại và dài nhất Việt Nam, được thiết kế với 2 trụ tháp cao 92 m, cách nhau 405 m, tĩnh không thông thuyền 27 m, kết cấu dầm hộp thép hợp kim suốt toàn bộ nhịp treo dài 650 m, được chế tạo bằng công nghệ dầm tăng cứng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tổng chiều dài cây cầu nối 2 bờ vịnh Đà Nẵng là 1.850 m (dài hơn cầu Mỹ Thuận 300 m), rộng 18 m, vớimức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng do thành phố Đà Nẵng làm chủ đầu tư từ nguồn ngân sách. Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng 533 liên danh với Viện Thiết kế cầu đường số 2 Trung Quốc thiết kế. Công ty Cơ khí xây dựng công trình 623 và tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 6 là nhà thầu chính. Cầu khởi công xây dựng vào ngày 16/1/2003; thông xe kỹ thuật ngày 25/3/2009 và khánh thành ngày 19/7/2009.
Cầu nằm ngay cửa sông, cách sông Hàn 2.700 m về phía hạ lưu. Điểm đầu cầu phía quận Hải Châu, nối với tuyến đường Liên Chiểu – Thuận Phước. Điểm cuối cầu phía quận Sơn Trà, nối với tuyến đường từ khu công nghiệp đóng tàu đến khu công nghiệp dịch vụ thủy sản.
Là công trình trọng điểm của thành phố Đà Nẵng, cầu Thuận Phước đang được xem là “chìa khóa vàng” mở cửa cho du lịch Sơn Trà.
4/- Cầu quay dây văng đầu tiên và duy nhất Việt Nam : Cầu sông Hàn là một trong những cây cầu bắc qua sông Hàn ở Đà Nẵng, là cây cầu quay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế, thi công và là cây cầu quay duy nhất ở Việt Nam hiện nay.
Được khởi công xây dựng ngày 2/9/1998 và đưa vào sử dụng đúng ngày 29/3/2000, so với nhiều cây cầu khác trong nước, thì cầu sông Hàn không có tầm vóc quy mô, bề thế, hay hoành tráng nhưng lại có những đặc điểm riêng được nhiều người nói đến… Hàng đêm, khoảng 1 – 2h sáng, phần giữa của cây cầu sẽ quay quanh trục một góc vuông 90 độ, nằm song song với dòng chảy để tàu bè lớn có thể chạy từ sông ra biển và ngược lại.
Thời gian để cầu quay mất khoảng 15 đến 20 phút. Sau khi mở cửa khoảng 4 giờ, cầu Sông Hàn sẽ được xoay về vị trí cũ.
5/- Cầu dài nhất bắc qua sông Hồng : Mới đây ngày 18/12, tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội), cầu Vĩnh Thịnh vượt sông Hồng trên quốc lộ 2C, nối thị xã Sơn Tây với huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã chính thức được khởi công. Đây là cây cầu chính trên tuyến đường vành đai 5, là cây cầu dài nhất bắc qua sông Hồng tính đến thời điểm hiện nay, kết nối chuỗi các đô thị vệ tinh, các khu công nghệ cao, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô.
Cầu có tổng chiều dài gần 5,5km, trong đó, phần cầu dài gần 4,5km, đường hai đầu cầu dài hơn 1 km. Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Mặt cầu có bề rộng 16,5m, gồm 4 làn xe với tốc độ thiết kế 80km/g. Dự án do BQL dự án Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 137 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của Hàn Quốc là 100 triệu USD thông qua Quỹ EDCF và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 37 triệu USD. Thời gian thi công là 36 tháng.
6/- Cầu có thiết kế độc đáo và mới lạ nhất : Với thiết kế thể hiện hình ảnh một con rồng đang bay trên sông Hàn, cầu Rồng được Hiệp hội cầu đường thế giới ghi nhận là độc đáo và mới lạ nhất Việt Nam.
Cầu Rồng bắc qua sông Hàn có mức đầu tư 1.498 tỷ đồng, khởi công năm 2009 và dự kiến hoàn thành năm 2013; được Hiệp hội cầu đường thế giới ghi nhận là một trong những cây cầu có thiết kế độc đáo và mới lạ nhất Việt Nam.
Theo đó, cầu Rồng được xây dựng tại khu vực nút giao thông gần Cổ Viện Chàm nối với nút giao thông Nguyễn Văn Linh nối dài, phía đông là nút giao thông đường Trần Hưng Đạo, kéo dài đến đường Sơn Trà – Điện Ngọc.
Cầu Rồng do Công ty Louis Berger Group, Inc. (Mỹ) thiết kế, với quy mô vĩnh cửu, chịu được chấn động cấp 6, tĩnh không thông thuyền 7m; tổng chiều dài 666,6m, bao gồm một nhịp chính dài 200m, hai nhịp bên mỗi nhịp dài 128m, phần nhịp đuôi rồng dài 64,15m, nhịp đầu rồng dài 72m. và phần dẫn phía Đông kết cấu dầm bê tông cốt thép 122,565m. Chiều rộng cầu là 37,5m gồm 6 làn đường, 1 dải ngăn cách là thân rồng và hành lang đi bộ 2 bên.
Theo thiết kế, cầu Rồng thể hiện hình ảnh một con rồng đang bay trên sông Hàn, đầu rồng ngẩng cao, thân rồng uốn lượn và cùng với hệ thống đèn chiếu sáng trang trí, kiến trúc cảnh quan. Cầu Rồng kỳ vọng trở thành điểm nhấn kiến trúc Đà Nẵng.
“Đà Nẵng đã nghĩ ra được cây cầu độc đáo này. Cũng là cầu mái vòm nhưng hình dáng thì đúng là ở Việt Nam chưa từng có. Anh em trong nghề chúng tôi thỉnh thoảng lại nói với nhau, phen này rồng… bay vào Đà Nẵng rồi”, ông Cấn Hồng Lai, Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Công trình giao thông 1, cho biết.
7/- Cầu sắt nhiều tuổi nhất : Cầu Long Biên là cây cầu sắt thép nhiều tuổi nhất bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, do Pháp xây dựng, từ năm 1899 – 1902. Hiện, trên đầu cầu vẫn còn tấm biển kim loại có khắc chữ 1899 -1902 – Daydé & Pillé – Paris.
Vào đầu thế kỷ XX, Long Biên là một trong 4 cây cầu lớn nhất thế giới, một công trình sắt thép đồ sộ nhất bán đảo Đông Dương. Dân gian còn gọi là cầu sông Cái, còn tên Long Biên được đặt sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Trước khi xây dựng, một cuộc thi thiết kế cầu Long Biên đã được tổ chức vào năm 1897 và phương án của Gustave Eiffel (người thiết kế xây tháp Eiffel) được chọn,với tổng vốn đầu tư 10,5 triệu quan Pháp. Hãng Daydé & Pillé thi công phần chính, Nha công chính Đông Dương xây dựng phần cầu dẫn. Cầu chính qua sông dài 1.682 m và cầu dẫn dài 896 m, gồm 19 nhịp đặt trên 20 trụ cao hơn 40m (kể cả móng). Cầu chia thành 9 khung khổng lồ, mỗi khung dài 61 m. Giữa là đường xe lửa, hai bên là là đường dành cho các loại xe (rộng 2,6 m) và người đi bộ (rộng 0,4 m).
Đến nay, cây cầu đã chứng kiến không biết bao nhiêu sự kiện của cả dân tộc, trong đó có hai sự kiện nổi bật của thế kỷ XX là cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1954, trả lại quyền độc lập cho dân tộc Việt Nam; tiếp đến là những năm tháng chiến tranh ác liệt chống Mỹ, tuy chịu nhiều bom đạn nhưng cầu Long Biên vẫn đứng vững.
Kể từ khi có cầu Chương Dương và Thăng Long, cầu Long Biên chỉ dành cho người đi xe đạp và cho những đoàn tàu. Cầu cơ bản vẫn không thay đổi về kết cấu. Tuy nhiên, mới đây, bà Nguyễn Nga, kiến trúc sư quy hoạch đô thị Paris, đã trình bày đề án quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát triển cầu Long Biên, với tham vọng biến cây cầu sắt thép nhất Việt Nam và 131 vòm cầu dọc phố Phùng Hưng, tháp nước Hàng Đậu, cải tạo bãi giữa sông Hồng… thành một bảo tàng văn hóa lịch sử sống giữa lòng Hà Nội, với số tiền đầu tư dự kiến lên tới 5.000 tỉ đồng (không thực hiện bằng cách kêu gọi nguồn vốn nhà nước).
Dư luận đã xem tham vọng của bà Nguyễn Nga là “siêu dự án trong mơ”. Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính cũng cho rằng, riêng việc thông qua dự án cũng phải trải qua cả rừng thủ tục.
8/- Cầu rộng nhất : Cầu Vĩnh Tuy không chỉ là cây cầu rộng nhất Việt Nam, mà còn giành các kỷ lục khác như: cây cầu hiện đại vào bậc nhất Việt Nam, cây cầu có kết cấu chuỗi nhịp chính vượt sông lớn nhất là tám nhịp liên tục, đúc hẫng dài và chiều dài cầu chính, cầu dẫn bằng bê tông và bê tông cốt thép dự ứng lực dài nhất…
Cầu Vĩnh Tuy được khởi công xây dựng ngày 3/2/2005 và thông xe kỹ thuật vào ngày 2/9/2009, có vốn thi công lớn nhất Việt Nam tính đến hiện tại 5.500 tỷ đồng. Đây là công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội; là cây cầu bắc qua sông Hồng có điểm đầu phía bờ Nam là phường Vĩnh Tuy – Thanh Lương, cách ngã ba dốc Minh Khai 275m về phía cầu Mai Động, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Điểm cuối phía bờ Bắc là phường Sài Đồng, vượt qua đường sắt Hà Nội – Hải Phòng và quốc lộ 5 tại km 2+630, nút giao với tuyến chính cùng 3 nhánh đường kết nối quốc lộ 5 và đường nội bộ dân khu công nghiệp Sài Đồng thuộc quận Long Biên.
Cầu Vĩnh Tuy có tổng chiều dài toàn tuyến là 5.830m, trong đó phần cầu chính vượt sông dài 3.778 m. Cầu được kết cấu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực gồm 77 nhịp, phần cầu chính được bố trí chuỗi nhịp dài 990m, đặt trên 2 mố và 76 trụ, trong đó 6 nhịp thông thuyền giữa sông dài 135m/nhịp. Quy mô mặt cắt ngang rộng 19,25 m. Mặt cắt ngang của các tuyến đường chính hai đầu cầu rộng 60 m (đây cũng là khổ cầu bê tông lớn nhất hiện nay tại Việt Nam).
Cầu được bố trí cho 2 làn xe cơ giới, 1 làn xe buýt, 1 làn xe hỗn hợp. Đường trên tuyến cũng được xây dựng hoàn chỉnh cho 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe buýt và 2 làn xe hỗn hợp.
Kể từ khi được đưa vào sử dụng, cầu Vĩnh Tuy đã phát huy hiệu quả kinh tế – xã hội rất lớn, góp phần tăng cường giao lưu và phát triển kinh tế giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trong khu vực kinh tế trọng điểm. Ngoài ra, nó còn góp phần giải quyết ách tắc giao thông ở cửa ngõ phía Đông Bắc Thủ đô, làm giảm áp lực giao thông cho cầu Chương Dương và đáp ứng nhu cầu vận chuyển từ các tỉnh phía Bắc và Nam vào Thủ đô Hà Nội.
Ngày 5/10 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Vĩnh Tuy, giai đoạn II, với tổng mức đầu tư khoảng 2.561 tỷ đồng. Mặt cầu sau khi mở rộng đạt 38 m, gấp đôi so với hiện nay và trở thành cầu rộng nhất Việt Nam.
Cầu Vĩnh Tuy mới sẽ nối quận Hai Bà Trưng với quận Long Biên, có tổng chiều dài cầu khoảng 3.504 m, chiều cao thông thuyền 10 m, bề rộng thông thuyền 80 m, mặt cắt ngang cầu 19,25 m. Diện tích sử dụng đất của giai đoạn II khoảng 42 ha. Điểm đầu dự án giao với đường Trần Quang Khải – Nguyễn Khoái – Minh Khai (quận Hai Bà Trưng); điểm cuối giao với đường Long Biên – Thạch Bàn (quận Long Biên). Tim cầu giai đoạn II nằm song song và cách tim cầu giai đoạn I 21,25 m về phía hạ lưu sông Hồng (mép 2 cầu cách nhau 2 m).
9/- Cầu cao nhất : Cầu Pá Uôn là cây cầu có trụ cao nhất Việt Nam bắc qua sông Đà (tại địa phận xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai), có tổng vốn đầu tư gần 740 tỷ đồng, được khởi công vào ngày 28/5/2007 và đã chính thức được hợp long vào ngày 18/4/2010. Đây là dự án được xếp vào cấp đặc biệt quan trọng do kết cấu trụ cầu lớn, biện pháp thi công mới và tiến độ thi công rất hết sức gấp rút để phục vụ cho vùng Tây Bắc rộng lớn khi có thủy điện Sơn La, đồng thời tạo ra tuyến kết nối ngắn nhất giữa hai tỉnh Lai Châu và Sơn La. Cầu được thiết kế theo quy mô cầu vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực và thi công theo hệ dầm liên tục, vớichiều dài trên 918 m, khổ cầu 9 m gồm 2 mố và 11 trụ.
Vì cầu Pá Uôn nằm trong vùng động đất cấp 8-9 nên kết cấu thân trụ đã được tính toán kĩ trong tổng thể khung dầm, vừa nhằm đảm bảo độ cứng khi chịu lực và mềm dưới tác dụng của lực động đất. Ngoài ra, do cầu nằm trong vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, phía thượng lưu là thủy điện Lai Châu nên trụ chính được thiết kế lên đến 98 m, khoan sâu 26 m.
10/- Cầu dây văng một mặt phẳng đầu tiên và dài nhất : Nằm trên quốc lộ 18, nối Hòn Gai với Bãi Cháy qua eo biển Cửa Lục thuộc tỉnh Quảng Ninh, cầu Bãi Cháy khánh thành vào năm 2006, là cây cầu dây văng một mặt phẳng đầu tiên và có nhịp cầu chính dài nhất thế giới.
Cầu Bãi Cháy có vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, có chiều dài 903m, chiều cao thông thuyền là 50m, chiều rộng 25,3m (gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ) cùng5 nhịp, nhịp chính dài 435 m. Tư vấn thiết kế – giám sát là Viện cầu và kết cấu Nhật Bản, còn nhà thầu thi công là liên danh Shimizu-Simitomo Mitsui.
Đây là loại cầu có dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực, với khẩu độ nhịp đạt kỷ lục thế giới. Hai tháp cầu được đặt trên hệ móng giếng chìm hơi ép kích thước cực lớn, lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam với công nghệ thi công hiện đại, tiên tiến. Ngoài ra, cầu còn được thi công bằng công nghệ đúc hẫng cân bằng, tại trụ cầu chính trên độ cao 50m, dầm cầu được vươn ra biển và kết thúc khi nối liền hai cánh hẫng.
ẤN TƯỢNG VỚI CHIẾC CẦU TREO GIỮA TRỜI Ở MALAYSIA
Chiếc cầu treo Langkawi Sky kỳ dị vào hàng bậc nhất thế giới ở Malaysia là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích đi bộ và ngắm cảnh đẹp núi rừng.
1/- Cầu Langkawi Sky có chiều dài 125 mét là chiếc cầu treo giữa trời dành cho du khách đi bộ thưởng ngoạn cảnh đẹp núi rừng.
2/- Langkawi Sky tọa lạc trên đỉnh núi Gunung Mat Chinchang, ở Pulau Langkawi – một hòn đảo thuộc quần đảo Langkawi, bang Kedah, Malaysia.
3/- Chiếc cầu được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2004, Langkawi Sky được đặt ở điểm mút của hệ thống cáp treo du lịch đầu từ ngôi làng Oriental nằm ở chân đồi thuộc dãy núi Machincang. 4/- Kiến trúc của cầu là điểm lý tưởng dành cho du khách đi bộ, đứng trên cầu có thể phóng tầm mắt ra xa theo nhiều hướng và chiêm ngưỡng cảnh đẹp hùng vĩ của núi rừng.
5/- Với chiều rộng bề ngang của cầu là 1.8m cùng với 2 bệ hình tam giác trên cầu là điểm để du khách ngừng chân ngắm cảnh. Chiếc cầu treo được xây dựng lơ lững giữa trời cách mặt đất 100 mét. 6/- Cầu Langkawi Sky cũng được bình chọn là một trong những chiếc cầu treo kỳ dị nhất thế giới, đây là một công trình được xây dựng rất khó khăn và tốn nhiều công sức.
7/- Để xây dựng được chiếc cầu này, tất cả nguyên vật liệu đều được chở bằng máy bay trực thăng lên đỉnh núi và phải mất nhiều năm trời mới lắp ráp hoàn chỉnh hệ thống cầu.
8/- Mỗi năm, Malaysia thu hút một lượng lớn du khách gần xa đến để thưởng ngoạn cảnh đẹp của núi rừng nơi đây.
Mai Trung Tín (tổng hợp)
Filed under: Thế giới đó đây Tagged: Tổng hợp, TG quanh ta
2013-09-09 02:00:10
Nguồn: http://clbhongoccan2013.wordpress.com/2013/09/09/the-gioi-quanh-ta-28/