Các nhà khoa học tin rằng hóa thạch mới được tìm thấy ở Đông Nam Trung Quốc là minh họa cổ xưa nhất trên thế giới về cấu trúc xương mà ngày nay chúng ta gọi là khuôn mặt. Đây là loài động vật ăn thịt hàng đầu trong đại dương cổ đại.
Mẫu vật cá được bảo quản khá tốt (thuộc loài Entelognathus primordialis) được phát hiện ở Đông Nam Trung Quốc, bên trong lớp trầm tích có niên đại từ kỷ Silur, tức là nó khoảng 419 triệu năm tuổi.
Theo tạp chí Nature, phát hiện này rất có giá trị vì nó là mẫu vật lâu đời nhất có cấu trúc xương khuôn mặt cơ bản: một hàm, một miệng, hai mắt và một mũi.
Trước đây, tất cả các mẫu vật phát hiện được trong thời kỳ này đều là cá không hàm – loại động vật vẫn còn tồn tại tới ngày nay như cá mút đá.
Hình ảnh loài vật sống cách đây 419 triệu năm được mô phỏng từ hóa thạch. Ảnh: Brian Choo. |
Hóa thạch này độc đáo ở chỗ, nó mang đặc tính của hai loại cá cổ đại: placoderms (cá bọc thép, được cho là đã tuyệt chủng hàng triệu năm trước) và cá có xương (nguồn gốc của tất cả các loài cá có xương sống ngày nay, động vật lưỡng cư, chim, động vật có vú và cuối cùng là chúng ta).
Hóa thạch mới được phát hiện này có cơ thể và hộp sọ của placoderm nhưng lại có hàm răng của loài cá có xương, có lẽ là loài cá placoderm chưa bao giờ bị tuyệt chủng. Thay vào đó, chúng tiến hóa thành rất nhiều động vật trên cạn và dưới biển còn tồn tại tới ngày nay.
Khuôn mặt của hóa thạch. Ảnh: Min Zhu. |
Nói cách khác, hóa thạch này có thể viết lại mô hình khoa học của con đường tiến hóa cổ xưa nhất của chúng ta.
Matt Friedman, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Oxford, Anh cho hay: “Việc phát hiện ra một sinh vật biển cổ đại cũng có thể viết lại lịch sử tiến hóa của chúng ta. Cần có thời gian để khám phá điều gì đã thực sự xảy ra.”
2013-09-29 21:16:27
Nguồn: http://kienthuc.net.vn/tin-tuc/phat-hien-khuon-mat-dac-biet-co-nhat-the-gioi-267104.html