Bộ trưởng Hòa giải Dân tộc Ali Haidar của chính phủ Syria cho biết thỏa thuận này là một chiến thắng đạt được nhờ những người bạn Nga.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để tiết lộ chi tiết kế hoạch loại bỏ vũ khí hóa học của Syria. Ông cho biết mối đe dọa về vũ khí hóa học vẫn còn hiện hữu nếu Syria không bàn giao vũ khí hóa học.
Syria có một trong những kho vũ khí hóa học lớn nhất thế giới, trong khi kế hoạch của Mỹ và Nga muốn loại bỏ toàn bộ kho này trước giữa năm 2014.
Thỏa thuận có được sau ba ngày họp giữa hai ngoại trưởng Mỹ và Nga ở Geneva.
Nó cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad một tuần để nộp chi tiết về kho vũ khí.
Bộ trưởng Ali Haidar hoan nghênh thỏa thuận
Kế hoạch cũng yêu cầu cho phép chuyên gia kiểm soát vũ khí được vào Syria và kiểm tra 45 địa điểm trước tháng 11.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hoan nghênh thỏa thuận giữa Mỹ và Nga về việc giải tỏa kho vũ khí hóa học của Syria trước thời hạn giữa năm 2014 và nói rằng đây là ‘một bước quan trọng’.
Tuy nhiên, ông cũng tỏ thái độ thận trọng rằng Mỹ mong muốn Syria ‘làm đúng theo những gì họ đã cam kết’.
Obama cũng cảnh báo rằng mặc dù Mỹ vẫn tiếp tục làm việc với Nga, Anh, Pháp và Liên hiệp quốc cũng như các nước khác để đảm bảo rằng quá trình tiêu hủy hay dỡ bỏ vũ khí hóa học có thể kiểm chứng được nhưng sẽ có ‘hậu quả nếu chế độ Assad không tuân thủ’.
Quân đội Mỹ vẫn trong tư thế sẵn sàng tấn công Syria nếu không thực hiện thỏa thuận.
Cả Nga và Mỹ đều đồng ý rằng Chính phủ sở hữu 1.000 tấn chất độc hóa học và chất tiền chế vũ khí hóa học, một quan chức Mỹ cho biết.
Mỹ tin rằng số hóa chất này được cất giữ ở 45 địa điểm và tất cả đều do chính quyền kiểm soát.
Tuy nhiên Nga được cho rằng không đồng ý với số lượng địa điểm này cũng như việc toàn bộ kho vũ khí này là do Chính phủ Syria kiểm soát.
Thỏa thuận yêu cầu các cuộc thanh sát tại chỗ ban đầu phải được hoàn tất trước tháng 11. Tất cả các phương tiện sản xuất vũ khí hóa học cũng phải được phá hủy trước thời hạn này.
Còn trong nửa đầu năm 2014 tất cả vũ khí hóa học và phương tiện sản xuất phải bị triệt tiêu hoàn toàn.
Pháp, Nga, Liên hiệp quốc và Nato đều hoan nghênh thỏa thuận này.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói đây là ‘một tiến bộ quan trọng’ trong khi Ngoại trưởng Anh William Hague phát biểu trong một thông cáo yêu cầu chế độ Assad phải tuân thủ thỏa thuận hoàn toàn.
Tuy nhiên các phân tích gia thì lại chia rẽ về thỏa thuận này.
Ông Andrew Green, cựu đại sứ Anh tại Syria nhận định rằng mặc dù trên thực tế sẽ có nhiều khó khăn khi thực thi thỏa thuận này nhưng đây là vẫn là một tin ‘hết sức tốt lành’.
“Trước hết nó giúp tránh một hành động quân sự, ít nhất trong thời điểm hiện tại. Thứ hai nó thật sự loại bỏ khả năng chế độ Syria sử dụng vũ khí hóa học một lần nữa. Thứ ba và có lẽ quan trọng hơn, nó mở ra khả năng đối thoại và hợp tác với Nga,” ông nói.
Tuy nhiên, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Paul Wolfowitz cùng với các Thượng nghị sỹ John McCain và Lindsay Graham của Đảng Cộng hòa thì tỏ ra nghi ngờ về thỏa thuận.
“Cho dù thỏa thuận có đem lại điều gì đi nữa trong việc giảm nguy cơ vũ khí hóa học tiếp tục được sử dụng, rõ ràng cái giá của việc này là loại bỏ bất kỳ hành động nghiêm túc nào của Mỹ và phương Tây nhằm vào chế độ Assad. Đây là một thắng lợi lớn của ông ta và của những đồng minh Nga và Iran của ông ta,” Wolfowitz nói.
Quân đội Syria Tự do của phe đối lập đã bác bỏ thỏa thuận và gọi đây là sáng kiến của Nga nhằm ‘câu giờ cho chế độ Assad’.
L.N (Tổng hợp)
2013-09-15 18:55:09
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/syria-ca-ngoi-thoa-thuan-nga-my-a103373.html