Các khoản tiền thu phải được sự thống nhất của phụ huynh và phải cấp biên lai thu tiền cho từng học sinh.
Trong buổi tổng kết và hướng dẫn nhiệm vụ thanh tra năm học 2013-2014 tại hội trường THPT Chu Văn An, TP.Hà Nội ngày 19/9, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội trả lời báo chí về khoản thu chi đầu năm học 2013-2014.
Trường phải công khai khoản thu đầu năm
“Đầu năm học, các trường học trên địa bàn phải công khai khoản thu tự nguyện và việc này được thực hiện theo quy trình 4 bước theo văn bản của sở. Việc công khai rõ người thu, nguồn thu, người hưởng lợi, khoản thu chi sẽ giúp phụ huynh và nhà trường đồng thuận, tìm được tiếng nói chung.” ông Nguyễn Hữu Độ |
Theo ông Độ, ngay từ đầu năm học vấn đề thu chi đầu năm đã được nhiều phụ huynh quân tâm và Sở cũng đã có văn bản gửi tới các quận, huyện hướng dẫn về việc thu chi đầu năm học mới. Trong đó, văn bản sở quy định rất rõ đối với những khoản thu thỏa thuận, thu hộ, khoản thu tự nguyện. Cụ thể mức trần đối khoản thu thỏa thuận có ghi thêm khoản thu bán trú, thu nước uống, thu tiền học thêm 2 buổi/1 ngày.
Tiền phục vụ bán trú, chăm sóc bán trú, không quá 150 nghìn đồng/học sinh/tháng; Trang thiết bị phục vụ bán trú, không quá 150 nghìn đồng/ học sinh/năm học với cấp mầm non. Cấp tiểu học không quá 100 nghìn đồng/học sinh/năm học.
Học 2 buổi/ngày: Tiểu học, không quá 100 nghìn đồng/học sinh/tháng; Trung học cơ sở không quá 150 nghìn đồng/học sinh/tháng; Học phẩm, không quá 150 nghìn đồng/học sinh/năm học; Nước uống tinh khiết, không quá 12 nghìn đồng/học sinh/tháng.
Các trường phải công khai minh bạch các khoản thu tự nguyện (Ảnh minh họa: Đức Nguyễn)
Đặc biệt, về khoản thu tự nguyện, Sở GD-HN đã thống nhất đưa ra quy trình 4 bước gồm: Xác định rõ mục đích và đối tượng được hưởng; xây dựng kế hoạch và công khai phương thức thu chi; xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên phê duyệt khoản thu; triển khai tổ chức thực hiện. Trong nguyên tắc tổ chức thực hiện phải đảm bảo phụ huynh học sinh tự nguyện và tuyệt đối không được thu phí quá cao để phân bổ đầu học sinh
“Hiện nay chúng tôi đã yêu cầu các trường thực hiện đúng theo văn bản của sở ban hành về việc thu chi đầu năm học mới. Các trường phải ký cam kết với lãnh đạo quận, huyện về việc xác định khoản thu, công khai khoản thu, chi một cách minh bạch tới phụ huynh, đảm bảo có sự đồng thuận giữa nhà trường và phụ huynh”, ông Độ nói.
Các trường học cũng có thể huy động nguồn lực trong và ngoài giáo dục, nhưng khi huy động nguồn lực giáo dục phải biến nguồn lực đấy thành chất lượng giáo dục. Và cụ thể ở đây ai là người hưởng lợi từ các khoản thu này; nguồn thu từ đâu ra; cách thu. Khi được cấp thẩm quyền cho phép các trường mới được phép thu.
Thanh tra, kiểm tra đột xuất các “điểm nóng” về lạm thu
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay, công tác thanh tra, kiểm tra cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học học mới này. Điểm mới của năm học này, sở sẽ tập trung vào thanh tra tra đột xuất những vấn đề mà nhân dân bức xúc, vấn đề nhân dân quan tâm ở các trường trên địa bàn như việc lạm thu. Ngay đầu năm học, nhiều cha mẹ lo lắng về các khoản thu phí đầu năm nên sở đã thành lập 20 đoàn thanh tra, thanh tra về các đơn vị trường học. Trong đó 15 đoàn là do trưởng đoàn các phòng ban của sở đảm nhiệm, 5 đoàn do các phó giám đốc trực tiếp làm trưởng đoàn đi thanh tra các hoạt động chung ở các quận, huyện. Thời gian thanh tra kiểm tra sẽ bắt đầu từ 12/9 đến ngày 25/9.
“Tinh thần chung của chúng tôi đợt thanh tra năm nay ở các trường là khoản thu tự nguyện đã phải được thực hiện theo 4 bước và phải được công khai minh bạch rõ người thu, nguồn thu, rõ người hưởng lợi, để từ đó phụ huynh hiểu và đồng thuân với việc này”, ông Độ chia sẻ.
Về ngân sách của nhà nước dành cho các trường học trên địa bàn năm nay, ông Độ cho biết thêm, ngành giáo dục đã tham mưu với thành phố đảm bảo mức chi thường xuyên cho các trường trung học phổ thông là 70% chi tiêu lương cho con người, 30% chi tiêu khác với các hoạt động chuyên môn. Với các trường trung học cơ sở, quận huyện thì 75% chi lương cho con người, 25% chi cho các hoạt động khác. Giáo dục thường xuyên thì chia 50% lương cho con người và 50 chi khác.
Cùng ngày, Sở GD-ĐT TPHCM đã ban hành khung mức thu các khoản thu theo thỏa thuận năm học 2013 – 2014 dành cho các trường THPT, TTGDTX trực thuộc Sở GD-ĐT.
Đây là khoản tiền được nhà trường sử dụng để thực hiện một số nhiệm vụ thay thế cha mẹ học sinh trong công tác nuôi, dạy các em ở trường. Dựa vào tình hình thực tế, có tổ chức bếp nấu (hoặc hợp đồng suất ăn), nhu cầu trang bị vật dụng phục vụ bán trú cho cá nhân học sinh (hoặc dùng chung lớp, dùng chung trường)…, các đơn vị xây dựng dự toán chi làm căn cứ tính toán mức thu cụ thể trên cơ sở khung thu theo quy định.
Trước khi thực hiện, các khoản tiền này phải được sự thống nhất của phụ huynh và phải cấp biên lai thu tiền cho từng học sinh. Đồng thời thực hiện đầy đủ các chế độ quản lý tài chính theo quy định.
Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM, riêng đối với các khoản thu hộ, chi hộ, các đơn vị thực hiện theo hướng dẫn Liên Sở Giáo dục & Đào tạo – Tài chính số 2949/HDLS/GDĐT-TC ngày 5/9/2013. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, khó khăn, các đơn vị báo cáo về Phòng Kế hoạch Tài chính để được hướng dẫn cụ thể.
Mức thu cụ thể như sau:
STT |
Nội dung thu |
Mầm non |
Tiểu học |
THCS |
THPT |
1 |
Tiền tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày |
60.000 → 90.000 |
70.000 → 100.000 |
90.000 → 120.000 |
|
2 |
Tiền tổ chức học tăng cường ngoại ngữ, tin học |
80.000 → 100.000 |
100.000 → 120.000 |
||
3 |
Tổ chức phục vụ và quản lý bán trú (tháng) |
200.000 → 250.000 |
150.000 → 200.000 |
||
4 |
Tiền vệ sinh bán trú (tháng ) |
30.000 → 50.000 |
|||
5 |
Thiết bị, vật dụng phục vụ bán trú ( năm) |
300.000 |
150.000 → 200.000 |
||
6 |
Tiền ăn, tiền nước uống |
Theo chi phí thực tế |
|||
7 |
Tiền học môn năng khiếu (tháng), tự chọn |
Theo chi phí thực tế |
2013-09-19 02:44:08
Nguồn: http://www.24h.com.vn/giao-duc-du-hoc/truong-hoc-phai-cong-khai-cac-khoan-thu-c216a573523.html