Tết Trung Thu, còn được gọi là lễ hội Trung Thu rơi vào ngày 15 tháng 8 âm lịch hằng năm. Đó là ngày theo âm lịch và thường được tổ chức vào ngày trăng tròn đầu tiên trong tháng Chín. Trong năm 2013, nó rơi vào ngày 19 tháng 9. Thời điểm giữa mùa thu và là lễ hội thu hoạch. Theo truyền thống lúa mỳ được thu hoạch ở miền bắc còn lúa gạo được thu hoạch ở phía nam Trung Quốc. Ngày lễ này tương tự như ngày lễ Tạ ơn của Mỹ. Tại các vùng nông thôn Trung Quốc, tết Trung Thu tổ chức để chúc mừng một vụ mùa bội thu, giống như ngày lễ Tạ Ơn đầu tiên của những người Thanh giáo sau khi đến Mỹ.
Hằng Nga và Hậu Nghệ
Tết Trung Thu gắn liền với truyền thuyết về Hậu Nghệ và Hằng Nga, Nữ thần mặt trăng bất tử. Hai nhân vật này xuất hiện trong truyền thuyết Trung Hoa từ khoảng 2.200 năm trước công nguyên, dưới thời trị vì của vua Nghiêu huyền thoại, ngay sau thời vua Hoàng Đế.
Có rất nhiều biến thể và cải biến của truyền thuyết Hằng Nga mà nhiều khi còn mâu thuẫn nhau. Tuy vậy, hầu hết các phiên bản của truyền thuyết đều bắt đầu từ những yếu tố sau: Hậu Nghệ người bắn cung, một vị hoàng đế có thể nhân từ hoặc ác độc và tiên đan.
Một phiên bản của truyền thuyết kể rằng Hậu Nghệ là một vị thần bất tử cùng người vợ tuyệt đẹp tên Hằng Nga phục vụ trong cung điện của Ngọc Hoàng Thượng Đế và là thần do Tây Vương Mẫu cai quản. Tài năng của Hậu Nghệ khiến những vị thần khác ghen tị do đó đã vu cáo Hậu Nghệ trước mặt Ngọc Hoàng. Sau đó Hậu Nghệ và Hằng Nga đã bị đuổi khỏi thiên đình và đày xuống hạ giới. Ở nơi đây, Hậu Nghệ phải săn bắn để kiếm sống và trở thành một cung thủ nổi tiếng.
Khi đó thế gian đang tồn tại 10 mặt trời, dưới hình hài của những con chim 3 chân, khi ngủ thì đậu lên cây dâu tằm ở biển đông. Mỗi ngày một mặt trời bay lên và chiếu sáng nhân gian. Nhưng vào một hôm, cả 10 mặt trời cùng mọc lên một lúc khiến mặt đất bốc cháy. Vua Nghiêu ra lệnh cho Hậu Nghệ dùng tài năng của mình để bắn hạ 9 mặt trời, chỉ chừa lại một. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, vua Nghiêu đã ban thưởng cho chàng một viên tiên đan để được trường sinh bất lão. Vua Nghiêu khuyên Hậu Nghệ không nên nuốt đan ngay mà hãy cúng lễ và ăn chay trong vòng một năm rồi hãy uống. Hậu Nghệ mang tiên đan về nhà và giấu trên mái nhà. Một hôm vua Nghiêu cho triệu Hậu Nghệ vào cung. Trong khi chồng đi vắng, Hằng Nga nhìn thấy một tia sáng chiếu ra từ mái nhà và phát hiện ra tiên đan. Hằng Nga nuốt ngay vào bụng và lập tức biết rằng mình có thể bay lên. Lúc đó Hậu Nghệ cũng trở về nhà, nhìn thấy cảnh tượng này nên bắt đầu trách mắng vợ. Hằng Nga bay qua cửa sổ lên trời.
Hậu Nghệ đuổi theo Hằng Nga nửa đường lên thiên đình, nhưng do gió mạnh nên phải trở về hạ giới. Hằng Nga lên tới mặt trăng, nàng ho ra một phần của viên tiên đan rồi ra lệnh cho con thỏ ngọc trên đó làm ra một viên khác. Với ý định có viên tiên đan, Hằng Nga có thể quay trở về trái đất với Hậu Nghệ.
Truyền thuyết nói rằng đến tận bây giờ thỏ ngọc vẫn đang cố gắng giã thuốc làm đan. Hậu Nghệ sau đó đã xây một cung điện trên mặt trời, ngụ ý là “dương”, đối nghịch với nhà của Hằng Nga trên mặt trăng, đại diện cho “âm”. Một năm một lần, vào tết Trung Thu, Hậu Nghệ đến thăm Hằng Nga. Đó là lý do tại sao trăng vào đêm đó lại tròn và đẹp nhất.
Vua Đường Huyền Tông
Một truyền thuyết khác là về vua Đường Huyền Tông, với sự trợ giúp của một đạo sỹ đã ném cây gậy chống của mình lên trời để tạo ra một cây cầu nối đến mặt trăng. Hoàng đế sau đó bước theo đạo sĩ lên tới cung trăng. Ở đó ông thấy thỏ ngọc đang làm tiên đan và những tiên nữ nhảy múa và ca hát. Trên đường trở về, hoàng đế đã sáng tác bài hát và điệu nhảy mang tên Váy cầu vồng và áo lông vũ.
Ngô Cương, người chặt gỗ trên cung trăng
Một truyền thuyết khác kể về Ngô Cương, người chặt gỗ trên cung trăng. Ông ta cố gắng hết lần này đến lần khác để chặt đổ cây bất tử trên mặt trăng nhưng sau mỗi lần chặt thân cây lại tự lành lại một cách thần kỳ. Ngô Cương bị Ngọc Hoàng Thượng Đế đày ở mặt trăng do tham lam và ích kỷ tìm kiếm tiên đan.
Món ăn truyền thống trong Tết Trung thu
Khoai môn, bưởi và ốc sên. Có khoai môn vì món này giúp các chiến binh Trung Quốc khỏi bị đói, bưởi vì người ta tin rằng trái có vị ngọt sẽ xua đuổi ma quỷ, và nó có hình tròn, và ốc sên để tượng trưng cho sự thịnh vượng của hạ giới. Số lượng món ăn phải là 5, 7, hoặc 9 bởi vì đây là những con số dương may mắn.
Bánh Trung Thu
Bánh Trung Thu là biểu tượng cho trường thọ và khỏe mạnh. Trên đó in hình Hằng Nga, cây đa, thỏ ngọc hoặc một con ếch. Ở giữa có thể có nhân đậu đỏ ngọt, hạt sen, dưa, trái khô, dừa, dứa và thường có cả trứng. Vào thế kỷ 14, những bức thư được cho vào trong bánh Trung Thu nhằm sử dụng như phương tiện liên lạc bí mật chống lại người Mông Cổ đang thống trị (triều đại nhà Nguyên thành lập bởi Hốt Tất Liệt), sau đó triều Minh đã lật đổ nhà Nguyên. Bánh Trung Thu được cho là góp phần làm nên chiến thắng của nhà Minh.
Ý nghĩa của bánh trung thu:
· - Lòng đỏ trứng đại điện cho mặt trăng
· - Bánh trung thu có hình tròn như mặt trăng
· - Hình tròn (hình dạng của bánh) biểu tượng cho sự hòa hợp
· - Hình tròn cũng có nghĩa là gia đình đoàn tụ
· - Hình tròn biểu tượng cho cuộc đời
· - Kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai
· - Trường thọ và khỏe mạnh
Mừng Tết Trung Thu
Rất nhiều lễ hội được tổ chức vào ngày Tết Trung Thu. Bánh trung thu được mua làm quà tặng và ăn vào đúng ngày này. Thời xưa người lớn hay ngâm thơ dưới vầng trăng tròn, còn trẻ con thường chơi những đồ chơi làm bằng đất sét.
Theo Chinagaze