Chính sách tỷ giá của Hồng Kông:
Chọn USD hay nhân dân tệ?
Sunday, October 20, 2013 19:48
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
“Cho dù hệ thống tỷ giá của một nước đang như thế nào đi chăng nữa, vẫn có đôi lúc các quốc gia ước rằng họ đang sử dụng một hệ thống khác”. Stanley Fischer – cựu Thống đốc NHTW Israel – đã từng nói như vậy. Rất nhiều quốc gia đã gặp khó khăn khi thực hiện thả nổi tỷ giá và thậm chí là khó khăn hơn khi duy trì chính sách tỷ giá cố định. Do đó, Hồng Kông vừa kỷ niệm 30 năm neo đồng HKD vào USD trong tuần trước là một sự kiện thu hút được nhiều chú ý.
Chính sách tuy cứng nhắc nhưng hiệu quả này có hiệu lực kể từ ngày 17/10/1983, nhằm chấm dứt một cuộc khủng hoảng về tiền tệ. Kể từ đó đến nay, đồng HKD đã tồn tại qua 3 cuộc khủng hoảng của nước Mỹ, dịch SARS và kể cả ông trùm quỹ đầu cơ George Soros – người đã tấn công vào đồng tiền này trong thời kỳ khủng hoảng tài chính châu Á.
Trong mấy năm trở lại đây, đồng HKD đứng trước áp lực lên giá chứ không phải xuống giá. Để duy trì chế độ tỷ giá cố định, Hồng Kông đã “nhập khẩu” chính sách nới lỏng tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ, bất chấp nền kinh tế Hồng Kông ở trong trạng thái khỏe mạnh hơn. Hệ quả kéo theo là tỷ lệ lạm phát cao và giá nhà tăng chóng mặt.
Mặc dù nền kinh tế của quốc gia châu Á khác xa so với Mỹ, Hồng Kông có nhiều điều giống với Trung Quốc. Tuy nhiên, HKD và nhân dân tệ đã đi theo hai con đường hoàn toàn khác nhau. HKD đã từng được neo vào đồng nhân dân tệ – đồng tiền cũng có một thời được neo vào đồng USD. Kể từ khi Trung Quốc thay đổi chính sách tỷ giá, đồng nhân dân tệ đã tăng giá hơn 1/3.
Giống như Fischer đã từng khẳng định, giờ đây một số chuyên gia kinh tế ước rằng Hồng Kông đang duy trì chính sách tỷ giá theo cách khác. Ví dụ, nước này có thể để cho tỷ giá tự tăng lên để kiềm chế lạm phát (giống như Singapore đang làm), hoặc đi theo xu hướng của đồng nhân dân tệ. Hồng Kông cũng có thể sử dụng đồng tiền của Trung Quốc đại lục (hơn 10% tiền gửi trong hệ thống ngân hàng của Hồng Kông là đồng nhân dân tệ).
Tuy nhiên, những lựa chọn này cũng có những nhược điểm riêng. Hiện nay, Trung Quốc mạnh hơn Hồng Kông về cán cân xuất nhập khẩu, nhưng phần lớn hoạt động xuất khẩu vẫn được niêm yết đồng đôla. Ngoài ra, giá trị của đồng nhân dân tệ vẫn được quyết định mỗi sáng bởi NHTW Trung Quốc.
Hơn nữa, các tài sản niêm yết bằng nhân dân tệ đều được quản lý bởi các biện pháp kiểm soát vốn. Neo đồng nội tệ vào một đồng tiền không thể tự do chuyển đổi như nhân dân tệ cũng có thể phá hủy vai trò trung tâm tài chính của thế giới như hiện nay.
Trong suốt 30 năm qua, Hồng Kông cũng đã nới lỏng chính sách quản lý tỷ giá. Mặc dù tỷ giá khá cứng nhắc, tiền lương và các giá cả khác khá linh hoạt. Trong suốt thời kỳ khủng hoảng tài chính, kể cả các quan chức cao cấp cũng bị cắt giảm lương. Sự linh hoạt cho phép Hồng Kông nhanh chóng điều chỉnh nền kinh tế theo những chu kỳ lên và xuống mà không cần đến sự trợ giúp của chính sách tiền tệ độc lập.
Tuy nhiên, chính sách tỷ giá linh hoạt hơn vẫn là chưa đủ để ngăn chặn giá tài sản tăng vọt: giá nhà ở Singapore vẫn tăng mạnh bất chấp đồng nội tệ mạnh lên. Và, trong một số trường hợp, chính đồng nội tệ sẽ là tài sản bị tổn hại. Ví dụ, đồng franc Thụy Sĩ đã tăng mạnh trong suốt thời kỳ khủng hoảng Eurozone và NHTW nước này đã phải can thiệp ngay lập tức.
Trong khi các quốc gia lân cận như Ấn Độ và Indonesia lo sợ về dòng vốn tháo chạy và đồng nội tệ lao dốc, sự ổn định mà chính sách neo HKD vào USD đem lại cho Hồng Kông vẫn là minh chứng hùng hồn cho thấy đây vẫn là một chính sách hợp lý!
Thu Hương
Theo Trí Thức Trẻ/Economist
2013-10-20 18:47:58
Nguồn: http://cafef.vn/tai-chinh-quoc-te/chon-usd-hay-nhan-dan-te-201310210825246234ca32.chn