Ước mơ được bất tử là giấc mơ bấy lâu của biết bao người và thực tế khoa học đã tìm ra cách giúp con người có thể hồi sinh trong tương lai.
Cuộc sống sau cái chết
Tờ Daily Mail đã đăng tải những hình ảnh quý báu của nhiếp ảnh gia người Anh Murray Ballard về một thế giới bí ẩn nằm trong môi trường băng. Đó cũng là thế giới của con người nhưng họ đang chìm sâu vào giấc ngủ cùng một tia hy vọng sẽ… quay lại vào tương lai.
Chân dung nhiếp ảnh gia người Anh Murray Ballard
Đối với nhiều người, cuộc sống sau cái chết chính là sự tồn tại của linh hồn và vô thể xác. Đó là điều đến nay khoa học chưa thể chứng minh và lý giải bởi nó là điều gì đó quá huyền bí. Tuy nhiên, khoa học đang ngầm thử nghiệm một phương pháp giúp con người có thể thực hiện ước mơ viển vông của mình bằng một loại kỹ thuật chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng: Kỹ thuật đông lạnh. Nhờ kỹ thuật này, “cuộc sống thứ hai” hay chính xác hơn là cuộc sống được hồi sinh sau khi chết sẽ trở thành điều không còn xa vời.
Viễn cảnh của sự bất tử là cuộc nghiên cứu kéo dài 7 năm qua những bức ảnh của nhiếp ảnh gia Ballard. Ông bôn ba khắp thế giới và ghi lại những hình ảnh ấn tượng về thế giới người đông lạnh, một hướng đi “điên rồ” nhưng lại không chỉ thu hút những người “cuồng” khoa học mà còn được rất nhiều công ty kinh doanh sự bất tử đầu tư cho chuyến đi. Thoạt nghe về công ty kinh doanh bất tử, chắc hẳn ai cũng thấy lạ kỳ, nhưng thực ra những công ty này không xa lạ gì với thế giới. Tuy quy mô ngành này không lớn nhưng cũng đã xuất hiện nhiều nơi trên thế giới như Hiệp hội Kéo dài sự sống Alcor ở Phoenix (bang Arizona, Mỹ), Viện Đông lạnh ở Detroit (bang Michigan), Công ty Suspended Animation (Chết giả) ở Boytan Beach (bang Florida, Mỹ), KrioRus ở Mátx-cơ-va (Nga)…
Đông lạnh là kỹ thuật bảo tồn xác chết trong nitrogen lỏng ở nhiệt độ -196 độ C, đã được khởi đầu từ thập niên 1960. Phương pháp bảo tồn cơ thể người hiện vẫn chưa thể đảo ngược với trình độ khoa học hiện nay, nhưng những người theo thuyết đông lạnh vẫn hy vọng rằng một ngày nào đó trong tương lai, các xác chết nằm bất động trong băng có thể được hồi sinh nhờ vào công nghệ hiện đại hơn. Khó có được số liệu thống kê chính xác, nhưng ước tính có khoảng 2.000 người đã đăng ký chương trình mạo hiểm này và đã có 250 người hiện trong tình trạng đông lạnh, cùng với hơn 100 thú cưng. Trong số những người thích thú với viễn cảnh bất tử nhờ vào phương pháp này còn có cả giám khảo chương trình X-Factor nổi tiếng Simon Cowell.
Trong khi đó, dự án của Ballard bắt đầu từ năm 2006, sau khi nhiếp ảnh gia này đọc được tin tức gây chú ý: Đông lạnh thất bại đã làm tiêu tan hy vọng hồi sinh của hai người ở Pháp. Ông đã gọi điện cho một nhóm chuyên ngành đông lạnh xác chết ở Anh và tham gia các cuộc gặp cũng như những khóa huấn luyện kỹ thuật này. Cơ hội thực sự đến khi Ballard gặp được một trong những nhà sáng lập KrioRus, tổ chức đông lạnh Nga và ghi lại hình ảnh cả hai nơi yên nghỉ của những người đầu tiên được áp dụng phương pháp trên. Hình ảnh ông lưu giữ được là ngôi mộ của người này ở ngoại ô thành phố St.Petersburg và nơi lưu trữ phần đầu ở Mátx-cơ-va. Bảo quản đầu đòi hỏi chi phí ít hơn trường hợp lưu trữ cả thi thể. Ballard nói với tờ Wired: “Những cá nhân này không muốn quay lại cuộc sống với cùng một thân xác ban đầu. Thay vào đó, họ muốn một cơ thể mới. Họ chỉ quan tâm đến việc bảo quản bộ não, phần mà họ cho rằng sẽ lưu giữ ký ức và nhân dạng thực sự của mình”.
Những người đang chờ được tái sinh
Hồi sinh bằng môi trường băng
Nói về quá trình thực hiện phương pháp hồi sinh bằng đông lạnh, người ta dễ dàng hình dung đến phương pháp ướp xác thô sơ của người Ai Cập. Khi một người chọn cách đông lạnh cơ thể được tuyên bố đã chết về mặt pháp y, công ty bảo quản Cryonic sẽ cử đội phản ứng nhanh tới để giúp cho máu của người quá cố tuần hoàn khắp cơ thể. Sau đó, cơ thể sẽ được tiêm hóa chất và ướp lạnh để ngăn chặn hiện tượng đông máu và tổn thương não. Sau khi trải qua các bước chuẩn bị cần thiết, họ sẽ hút máu khỏi cơ thể trước khi các chất giúp bảo vệ nội tạng được đưa vào thay thế. Thuốc đặc biệt được tiêm vào các mạch máu nhằm ngăn chặn sự hình thành các tinh thể băng bên trong lục phủ ngũ tạng và phần mô của người được đông lạnh. Rồi cơ thể sẽ được làm lạnh tới mức -130 độ C. Cuối cùng, cơ thể đã được xử lý sẽ được đưa vào bảo quản ở một bể chứa ni tơ lỏng có nhiệt độ -196 độ C.
Thế nhưng, việc đưa những người đông lạnh trở lại cuộc sống trong tương lai là việc làm rất khó. Tiến sĩ Dayong Gao đến từ trường Đại học Washington cho biết, nhiệt độ -196 độ C khiến cơ thể vô cùng mong manh, ngay cả sự biến đổi nhiệt độ bất thường cũng làm cho các tế bào trong cơ thể phân hủy nhanh chóng. Ông phân tích: “Giống như thủy tinh, xương dễ dàng vỡ vụn khi nhiệt độ thay đổi bất thường. Trong khi đó, liên kết giữa các nơ-ron thần kinh trong não bộ rất dễ bị tổn hại trong quá trình làm lạnh hoặc sưởi ấm, khiến nỗ lực tái sinh gặp muôn vàn thách thức. Cuối cùng, thể trạng của người được đông lạnh đã không còn khả năng tự hỗ trợ sự sống cho người đó, nên việc tái sinh sẽ phức tạp hơn nhiều”.
Hồi sinh nhờ kỹ thuật đông lạnh cơ thể là hy vọng vô lý trong thế giới hiện tại, nhưng những người tin tưởng phương pháp này có quyền hy vọng vào những thành tựu khoa học, kỹ thuật vượt trội trong tương lai có thể giúp họ quay trở lại cuộc sống.
Giấc mơ hồi sinh còn dài! Khác với khoa học chính thống, những khoa học gia theo thuyết bất tử nhờ đông lạnh thường tự chế công cụ họ cho là có thể phục vụ được mục tiêu mà họ theo đuổi. Ngoài ra, công nghệ đông lạnh chẳng có mấy tiến triển trong suốt bảy năm qua, nhưng đối với những người trong ngành, bất cứ kỹ thuật khoa học mới nào cũng có thể liên quan đến công việc của họ. Những thi thể đang nằm trong dung dịch nitrogen lỏng cũng chẳng thể thúc giục những người chịu trách nhiệm phải nhanh chóng hồi sinh cho mình. Dù sao đi nữa, ai đã đồng ý ký vào thỏa thuận đông lạnh cơ thể đều được cảnh báo trước là có thể mất từ 20 đến 50 năm, hay 200 năm trong trường hợp viễn cảnh mà họ luôn mơ tưởng trở thành hiện thực. |
Minh Anh (Theo Dailymail)
2013-10-23 22:24:06