Bà Bồ Ngọc Thu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết kết quả trên có được nhờ các dự án trên địa bàn tỉnh được triển khai khá tích cực, trong đó có 40 dự án mới đi vào hoạt động, chủ yếu là các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tạo giá trị sản xuất tăng thêm rất tốt cho địa phương.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài từ đầu năm đến nay đạt hơn 913 triệu USD (đạt mục tiêu nghị quyết của tỉnh đề ra), trong đó, đã giải ngân hơn 700 triệu USD.
Các dự án đầu tư vào Đồng Nai thời gian qua tập trung chủ yếu ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, dự án công nghệ cao, xử lý môi trường. Trong 62 dự án được cấp phép mới từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh, có 53 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Bên cạnh việc thu hút đầu tư, các cơ quan chức năng của tỉnh đã kiên quyết thu hồi 22 dự án được cấp phép nhưng chậm triển khai.
Bên cạnh nguồn vốn FDI, việc thu hút thu hút vốn đầu tư trong nước đạt trên 5.000 tỷ đồng, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho khu vực kinh tế dân doanh trên 6.000 tỷ đồng, đạt 77% mục tiêu nghị quyết của tỉnh đề ra.
Ngoài ra, để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, tỉnh đã giải ngân vốn vay ưu đãi 383 tỷ đồng cho các doanh nghiệp, trong đó 72 tỷ đồng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tỉnh Đồng Nai cũng đã thực hiện giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp với tổng số tiền khoảng 273 tỷ đồng và giãn nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) 144 tỷ đồng.
Đồng Nai hiện đang triển khai đồng loạt nhiều công trình giao thông lớn của quốc gia và của tỉnh như dự án xây dựng cầu mới Hóa An, đường 25A, đường tránh Biên Hòa, công trình nâng cấp Quốc lộ 51, dự án xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây… Tổng vốn đầu tư thực hiện trong 9 tháng trên 26.000 tỷ đồng đạt 76% mục tiêu nghị quyết đề ra.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay mà tỉnh đang phải đối mặt là nhu cầu các dự án sử dụng vốn ngân sách rất lớn, tăng nhiều lần so với các năm trước nhưng hiện nay nguồn vốn lại có giới hạn. Việc thu ngân sách ở khối doanh nghiệp Nhà nước đạt thấp so với dự toán. Công tác thu nợ thuế tuy có cố gắng nhưng số nợ thuế đến nay vẫn còn cao, khoảng 1.200 tỷ đồng.
Ngoài ra, tiến độ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi quy hoạch khu dân cư và khu đô thị chậm. Việc xóa bỏ các bãi rác không phù hợp quy hoạch chưa đạt kế hoạch đề ra. Tỉnh chưa xây dựng được kế hoạch và lộ trình triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt ở thành phố Biên Hòa và các đô thị.
Để hoàn thành mục tiêu kế hoạch những tháng cuối năm 2013, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là công trình hạ tầng có quy mô lớn, hệ thống giao thông trọng điểm; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; tập trung chỉ đạo hoàn thành đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở đó có giải pháp, cơ chế phù hợp thực tiễn từng địa bàn xã, huyện để huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn./.
TTXVN