(Đời sống) – Trong buổi gặp gỡ phóng viên ngày 23/10, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai và đồng nghiệp cho biết họ đã “chết lặng” khi hay tin bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường (khoa ngoại của bệnh viện) làm chết người rồi vứt xác phi tang.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường tại cơ quan điều tra. Ảnh: ANTĐ |
Bất ngờ, xấu hổ, sốc là cảm giác chung của nhiều thầy thuốc ở Bệnh viện Bạch Mai.
Ông Đỗ Doãn Lợi – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Khi nghe tin về vụ việc này, Giám đốc Nguyễn Quốc Anh nói với tôi là “đã chết lặng” 10 giây vì quá sốc. Theo ông Lợi, vụ việc như thế này chưa từng xảy ra ở bệnh viện trước đó.
Còn ông Nguyễn Ngọc Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, khẳng định, việc làm của bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường là “không thể chấp nhận được”.
“Toàn thể nhân viên bệnh viện đều rất xôn xao, từ chiều đến giờ tôi nghe hàng chục cuộc điện thoại, từ người quen, bạn bè, có cả bệnh nhân cũ của Tường, ai cũng hỏi vì sao như vậy? Nhưng chúng tôi không biết vì sao. Bình thường là đồng nghiệp thì anh Tường rất tốt, nhưng khi bệnh nhân tử vong rồi mà phi tang xác là hành vi không tưởng tượng được. Đây là nỗi nhục của giới y khoa, theo tôi, mức độ còn hơn cả vụ nhân bản xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức vừa qua” – một đồng nghiệp của bác sĩ Tường ở Bệnh viện Bạch Mai nói.
Theo mô tả của đồng nghiệp tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Tường là người có chuyên môn vững, đặc biệt ở phẫu thuật xương khớp, tính tình không có gì bất thường. Bác sĩ Tường cũng đã có học vị thạc sĩ và đang tiếp tục học thêm lên. Vợ bác sĩ là cử nhân điều dưỡng, đang làm việc tại Bệnh viện E (Bộ Y tế).
Bác sỹ Tường từ Bệnh viện E chuyển về Bệnh viện Bạch Mai năm 2006. Từ đó đến nay, bác sỹ Tường chưa có điều tiếng gì; cũng không có phản ánh từ bệnh nhân về chuyên môn và thái độ phục vụ của bác sỹ này.
Bà Đinh Thị Kim Liên – Trưởng khoa Dinh dưỡng Lâm sàng, Chủ tịch Công đoàn, Bệnh viện Bạch Mai cũng nói rằng, bác sỹ Tường quan hệ tốt với mọi người. Mọi người đều không thể ngờ sự việc xảy ra vừa qua.
Theo bà Liên: “Thông thường, các BS làm ở ngoài, và cả các PK tư nhân, hoặc bất cứ ở đâu, nếu bệnh nhân có biểu hiện bọ sốc phản vệ, hoặc tai biến, nguy cơ tử vong cao thì họ đều đưa bệnh nhân vào cấp cứu tại các BV lớn, nơi có đầy đủ các trang thiết bị và BS chuyên khoa để tìm cách cứu bệnh nhân.
Nhưng BS Tường khi thấy bệnh nhân Lê Thị Thanh Huyền có những biểu hiện nặng như sùi bọt mép, tím tái như vậy mà lại không đưa ngay vào BV Bạch Mai cấp cứu.
Việc làm này có khả năng xuất phát từ việc BS Tường không muốn cho BV Bạch Mai biết là đang làm việc tại thẩm mỹ viện Cát Tường và cũng muốn dấu việc anh ta làm thẩm mỹ chui tại đây, rằng đây là một cơ sở hoạt động không phép”.
Bà Liên cho biết thêm: “Chưa thể khẳng định về nguyên nhân gây tử vong, nhưng nếu là sốc phản vệ, việc đưa bệnh nhân kịp thời vào BV, rất nhiều trường hợp đã có thể cứu sống.
BV Bạch Mai đã tiếp nhận nhiều trường hợp sốc phản vệ được đưa vào cấp cứu và xử lý tốt. Trên góc độ y khoa, cách xử lý của BS Tường cũng là một trường hợp hy hữu, chưa từng xảy ra đối với BS của BV Bạch Mai.”
Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chỉ quản lý nhân viên trong giờ hành chính, làm nhiệm vụ. Việc bác sỹ Tường phẫu thuật bên ngoài vào thứ Bảy (ngoài giờ hành chính), nên bệnh viện không biết.
Sau khi xảy ra vụ việc, lãnh đạo bệnh viện đã quyết định đình chỉ công tác bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường.
2013-10-23 01:23:05
Nguồn: http://phunutoday.vn/doi-song/dong-nghiep-soc-xau-ho-vi-bac-si-tuong-33972.html