Mặc dù việc dạy thêm học thêm cho học sinh tiểu học đã bị ngành giáo dục cấm, tuy nhiên một số phụ huynh cho rằng vấn đề này đang “biến tướng” theo hình thức khác cho dù nhà trường không ép nhưng phụ huynh không dám cho con nghỉ.
Sợ giáo viên “khoanh vùng” bài tập
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, nhà trường không tổ chức dạy thêm đối với học sinh học 2 buổi/ngày và học sinh tiểu học (trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống). Sau giờ lên lớp, giáo viên không được dạy thêm cho học sinh mình đang giảng dạy chính khóa (trừ khi có sự đồng ý của hiệu trưởng). Hiệu trưởng sau khi tiếp nhận đơn của phụ huynh, phải phân nhóm học sinh theo học lực, phân công giáo viên phụ trách môn học. Các lớp học thêm bồi dưỡng này phải đảm bảo học lực của học sinh tương đương nhau. Như vậy, chỉ cần có đơn tự nguyện xin học của phụ huynh là hoàn toàn có thể dạy- học thêm.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số phụ huynh, dưới các hình thức tự nguyện này, một số trường tiểu học ở Hà Nội đang có khá nhiều kiểu dạy thêm khác nhau: dạy thêm dưới hình thức mở các câu lạc bộ; những trường tan học sớm cũng tổ chức trông trẻ và dạy thêm khi phụ huynh chưa kịp đón con… Điều đáng nói là, khi nhà trường tổ chức dạy thêm và có thông báo với phụ huynh, không phụ huynh nào không đăng ký tự nguyện học bởi nhiều “ràng buộc” vô hình.
Tập đơn tự nguyện đón con sớm và ở lại muộn để học thêm câu lạc bộ đang được Ban giám hiệu Trường tiểu học Trưng Trắc lưu giữ. Ảnh: Hạnh Nguyên
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 138/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Theo Nghị định, trường hợp dạy thêm không phép sẽ bị phạt từ 6-12 triệu đồng. Trường hợp dạy thêm có giấy phép nhưng nội dung dạy không đúng giấy phép được cấp cũng bị xử phạt 4-6 triệu đồng. Tổ chức dạy thêm cho học sinh mà không đảm bảo cơ sở vật chất theo quy định sẽ bị xử phạt 1-2 triệu đồng. Ngoài ra, những cơ sở giáo dục đào tạo tổ chức thu các khoản thu trái quy định bị xử phạt 10-20 triệu đồng. Nghị định có hiệu lực từ ngày 10/12/2013.
Một phụ huynh có con đang học ở Trường tiểu học Trưng Trắc (quận Hai Bà Trưng) cho biết, tiền trông trẻ cuối giờ học thu 200.000đ/tháng, thực hiện từ 23/9/2013 nhưng trường đã thu cả 2 tháng và trở thành giờ học thêm Toán, Tiếng Việt. Phụ huynh nào muốn đón con về sớm hơn cũng không được nên gây lộn xộn, ùn tắc từ cổng trường vào đến sân. Cũng tình trạng không ép nhưng chẳng học sinh nào dám nghỉ, một phụ huynh đang có con học ở Trường tiểu học Dịch Vọng B (Quận Cầu Giấy) cũng cho biết, sau giờ học buổi chiều, nhiều học sinh vẫn ở lại học thêm. Đây là giờ làm bài tập nhưng tâm lý sợ giáo viên “khoanh vùng” kiến thức của buổi học sau nên không học sinh nào dám nghỉ. Q.Huy |
Nhà trường nói gì?
Theo cô Dương Thu Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trưng Trắc, phản ánh trên của phụ huynh chưa đúng sự thật. Theo quy định, học sinh học 2 buổi/ngày sẽ học 4 tiết buổi sáng và 3 tiết vào buổi chiều. Theo đó, học sinh chỉ học đến 4h05 chiều là hết giờ. Vào giờ này, nhiều phụ huynh chưa thể đón con vì chưa được nghỉ việc ở cơ quan nên nhà trường tổ chức trông trẻ ngoài giờ dưới hình thức làm đơn tự nguyện. Hiện nhà trường chỉ tổ chức học thêm 2 lớp cờ vua và 3 lớp võ thuật. Phụ huynh nào muốn cho con tham gia thì làm đơn tự nguyện. Còn phụ huynh nào muốn đón con sớm cũng phải có cam kết để nhà trường cho các cháu tự về. Do đó, có lớp có 20 học sinh tham gia học ngoại khóa, nhưng có lớp chỉ có 16 học sinh, không có chuyện tất cả đều bị ép học thêm Toán và Tiếng Việt sau buổi chiều.
Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, cô Đỗ Thị Mai – Hiệu trưởng Trường tiểu học Dịch Vọng B cho biết: “Đúng theo quy định, học sinh sẽ nghỉ lúc 4h05. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho phụ huynh tiện cho việc đón con, nhà trường có giờ ăn quà chiều, ra chơi 15 phút và dành 20 phút cuối để làm bài tập để về nhà học sinh không phải làm bài tập nữa. Ngoài ra, mỗi ngày có một tiết hướng dẫn học sinh học vào buổi chiều, vì vậy khoảng 4h30 học sinh sẽ nghỉ học, không quá sớm. Theo quy định, trường được phép tổ chức các lớp câu lạc bộ như bóng đá, bóng rổ, cờ vua, cờ tướng… Giáo viên các câu lạc bộ này được mời từ Trung tâm TDTT của quận Cầu Giấy. Số lượng học sinh khoảng 15- 20 em/câu lạc bộ, không hề có chuyện học sinh phải học thêm Toán, Tiếng Việt như phản ánh. Đặc biệt, các trường cũng được phép mở lớp trông giữ trẻ theo nhu cầu nhưng đến thời điểm hiện tại, trường chưa hề tổ chức trông giữ vì chưa có phụ huynh nào yêu cầu. Trường cũng không có giáo viên nào dạy học thêm ngoài nhà trường. Còn trường hợp giáo viên làm gia sư từ 1-2 cháu ở nhà mà bắt nhà trường quản lý thì rất vô lý”(?!).
2013-10-25 00:48:13
Nguồn: http://www.24h.com.vn/giao-duc-du-hoc/hoc-them-o-bac-tieu-hoc-co-bi-bien-tuong-c216a582678.html