Hôn nhân đồng tính, mang thai hộ cũng được cân nhắc, lấy ý kiến cho hợp pháp hóa.
Hôm qua 16/4, Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình (HNGĐ) năm 2000 diễn ra tại điểm cầu Hà Nội và 62 điểm cầu ở các địa phương. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định: Thực tiễn quan hệ hôn nhân và gia đình hiện nay cùng những đòi hỏi của công cuộc cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đang đặt ra yêu cầu cấp bách phải khẩn trương sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.
Kết hôn trước tuổi quy định vẫn diện ra tại vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa |
Ông Cường đề nghị Ban Soạn thảo Luật tiếp tục cho ý kiến về 10 vấn đề lớn trước khi tiến hành xin ý kiến các Bộ, ngành và báo cáo Chính phủ, trong đó có vấn đề áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình, về điều kiện kết hôn, tuổi kết hôn, việc kết hôn giữa những người cùng giới tính, mang thai hộ, về chế độ hôn sản định ước, về ly thân, vấn đề phi tư pháp hóa việc giải quyết ly hôn…. Trong những vấn đề lớn mà dự Luật đề ra, theo đánh giá của Bộ trưởng Hà Hùng Cường: “Nhiều vấn đề rất nhạy cảm và còn ý kiến khác nhau, nhưng nhìn chung đã nhận được sự đồng thuận của các cơ quan xây dựng và thi hành pháp luật”.
Những vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất như kết hôn đồng tính, mang thai hộ và giảm độ tuổi kết hôn sẽ được Bộ Tư pháp đưa ra lấy ý kiến các chuyên gia, bộ, ngành, địa phương.
Hiện nay, theo quy định của pháp luật Việt Nam, độ tuổi kết hôn của người nữ là từ 18 tuổi trở lên, nam từ 20 tuổi trở lên. Trong khi đó, quy định về độ tuổi kết hôn của một số nước và vùng lãnh thổ thấp hơn so với Việt Nam, như Anh, Mỹ, Úc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc là trên 16 tuổi; ở Pháp là từ 15 tuổi. Do đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ gặp khó khăn khi thụ lý các hồ sơ xin công nhận việc đăng ký kết hôn đã đăng ký ở cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (ghi chú kết hôn) vì ngoài việc xem xét hôn nhân có phù hợp với pháp luật Việt Nam hay không còn phải tính đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.
Pháp luật hiện nay cũng nghiêm việc mang thai hộ nhằm tránh những tiêu cực đã và đang xảy ra như: Mang thai hộ nhằm mua bán trẻ sơ sinh bất hợp pháp, mang thai hộ nhằm lách luật để sinh con thứ ba… Song, việc nghiêm cấm này lại hạn chế mong muốn chính đáng của rất nhiều gia đình hiếm muộn, vô sinh. Do đó, gián tiếp ảnh hưởng đến nguyện vọng chính đáng của công dân trong trường hợp mong muốn có “con nuôi” mang dòng máu của gia đình mình. Dưới góc độ pháp lý, thỏa thuận giữa người nhờ và người nhận mang thai hộ là loại thỏa thuận gì? Những thỏa thuận này có trái với quan niệm đạo đức truyền thống không? Biện pháp pháp lý ràng buộc các bên và chế tài pháp lý trong trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thỏa thuận? Hiện chưa có quy định nào điều chỉnh vấn đề này.
Mặt khác, cho phép “mang thai hộ” không phải là cho phép “đẻ thuê”. Cho phép “mang thai hộ” đối với một số đối tượng có chỉ định để đảm bảo quyền làm mẹ chính đáng của mọi phụ nữ. Bản chất “mang thai hộ” là hết sức nhân văn vì đó là sự giúp đỡ của người phụ nữ này đối với người phụ nữ khác để sinh ra những đứa trẻ. Việc mang thai hộ và sinh nở cũng là việc làm có ý nghĩa nhằm duy trì nòi giống, gắn kết và giữ gìn hạnh phúc mỗi gia đình,
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, việc nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình phải “bảo đảm pháp luật về hôn nhân và gia đình vừa thể hiện được các giá trị truyền thống tiến bộ, văn minh của gia đình Việt Nam vừa phù hợp với pháp luật và các giá trị chung về hôn nhân và gia đình của các nước trên thế giới, góp phần thúc đẩy hội nhập quốc tế”.
Ngọc Minh
2013-10-02 01:48:37
Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2775/201304/Nghien-cuu-viec-giam-do-tuoi-ket-hon-1968445/