15 phút để cho ra đời ca khúc “Tiếng đàn” như nén tâm nhang thành kính dâng lên người đã khuất, nhạc sĩ An Thuyên mãn nguyện chia sẻ: “Thật kỳ lạ, tôi cảm thấy Đại tướng đang lắng nghe những giai điệu này. Và đâu đó hồn núi sông cũng như đang cất lên tiếng hát”.
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp: Đại tướng còn mãi với mùa thu đất nước
Nhạc sĩ Doãn Nho: “Vì ông là Tướng của dân”
- Sau khi viết nhanh, thu vội thì ca khúc Tiếng đàn đã đến được với công chúng. Đó không chỉ là tiếng lòng của riêng tác giả mà đã thành tiếng nói chung của muôn người muốn gửi đến người con vĩ đại của cả dân tộc Việt Nam. Cảm xúc của nhạc sĩ bây giờ thế nào ạ?
- Cảm giác xúc động vẫn như lúc ban đầu tôi nghe tin Đại tướng đã ra đi, hụt hẫng và tiếc nuối. Không chỉ riêng tôi mà bất cứ người dân Việt Nam nào cũng vậy, nó bâng khuâng như chính sự ra đi của người thân mình…
Trong tôi có cái đau gấp 3 lần bình thường, bởi thứ nhất là trên tâm thế của một người dân nước Việt, ai cũng đau xót với mất mát lớn lao này. Thứ 2, tôi cũng là một người lính, một học trò hậu duệ phía sau của người. Thứ 3 là trên tâm thế của một văn nghệ sĩ. Đại Tướng là người sáng lập và chăm lo cho lực lượng văn nghệ quân đội, lớn mạnh thành binh chủng và sau này chính là lực lượng nòng cốt của nền văn nghệ cách mạng.
- Vậy tại sao lại là “Tiếng đàn” thưa nhạc sĩ?
- Tiếng đàn ra đời như một sự tất yếu, bởi hình ảnh Đại tướng ngồi bên chiếc đàn piano đã in đậm trong tâm trí của tôi. Với tôi, Đại tướng không chỉ là người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam, là vị tướng của dân, vì dân… mà ông còn là một người nghệ sĩ.
Theo tôi được biết thì đương thời lúc còn khỏe mạnh, Đại tướng đã rất yêu văn hóa văn nghệ, đặc biệt là đàn piano. Cuối thứ 7 nào, Đại tướng cũng học đàn và chơi dương cầm. Và việc bắt gặp tấm hình của nhà nhiếp ảnh gia, Đại tá Trần Hồng đã nằm trong tâm trí tôi mãi. Thế nên bất ngờ nghe Đại tướng ra đi, những lời ca cứ thế bật lên để rồi tôi đã viết Tiếng đàn như thể chính tiếng lòng mình đang vang dậy…
- Viết về một con người toàn đức, toàn tài như Đại tướng hẳn là một điều khó khăn, thưa nhạc sĩ?
- Đúng là viết cho hay, cho đúng, xứng với những gì đã có ở hình tượng cao đẹp và những gì Đại tướng đã cống hiến thì quả là một điều khó. Như thường thấy là viết về nhân vật tiêu biểu thường khô cứng và rất dễ vướng vào hô khẩu hiệu. Nên ở đây, tôi chủ trương đem đến tiếng lòng mình thôi. Khi nghe tin Đại tướng mất, điều tôi nhớ ngay đến là hình ảnh cụ ngồi bên chiếc đàn piano… nên tự thân nó bật lên thành ca từ.
Tôi muốn tìm đến những góc cạnh nhỏ ấy, nhưng từ cái nhỏ để nói lên điều lớn lao hơn. Một vị tướng như người, bận trăm công nghìn việc nhưng vẫn quan tâm đến văn hóa – văn nghệ và dành tình yêu lớn với nó. Từ đá bóng, chơi kèn… rồi đến những bản đàn để thấy tình yêu với âm nhạc của người. Đáng khâm phục là ở chỗ Đại Tướng đã học một cách bài bản chứ không phải sự thích thú bình thường hay chơi nhạc là để “làm sang”… Như thế để thấy rằng, ở Đại tướng là một sự tận tụy với tất thảy mọi việc, một nhân cách lớn, một con người vĩ đại…
- Vậy, giờ đây khi “Tiếng đàn” đã đến được với công chúng, nhạc sĩ có còn điều gì băn khoăn ?
- Tôi cảm thấy hài lòng vì đây là tiếng lòng không chỉ của riêng tôi gửi đến Đại tướng. Mà còn là hàng triệu trái tim nước Việt. Quả thực từ lúc ca khúc này ra đời đến lúc thu xong, rất gấp rút, nhưng trong tôi như thể luôn có tiếng reo của cả núi sông nước Việt này.
Hiện tại, tôi đang ấp ủ “Tiếng đàn 2″, bởi những hình ảnh về Đại tướng vẫn cứ làm tôi đau đáu. Trước đây, chưa lần nào tôi được nghe Đại tướng đàn, nhưng chỉ nhìn bức hình của Đại tướng ngồi đàn là đã thấy được truyền cảm hứng mãnh liệt lắm.
Cảm hứng viết “Tiếng Đàn 2″ là từ một câu chuyện rất xúc động mà tôi đã đọc được, câu chuyện về Đại tướng đánh đàn cho Bác Hồ nghe. Khi Đại tướng đàn bản sonat Ánh Trăng của Beethoven, rồi Trống Cơm… cho Bác nghe. Bác đã khen Đại tướng chơi đàn khá nhưng Bác bất ngờ hỏi rằng: “Chú có biết đàn bản Bài ca kết đoàn không?… Nếu chưa biết thì tiếng đàn của chú chưa hay đâu”.
Biết rằng đó là câu hỏi có dụng ý của Bác nên sau này Đại tướng Giáp đã nhờ người tập đàn cho mình biên soạn bản piano cho nhạc phẩm Bài ca Kết đoàn để học. Tiếc là, Bác Hồ đã chưa kịp nghe Đại tướng đàn… Điều này, đang làm tôi suy nghĩ để cho ra Tiếng đàn 2… Đó sẽ là một câu chuyện về hai con người vĩ đại.
Vâng, xin cảm ơn nhạc sĩ!
Theo Phụ Nữ