TTVH
Ngày 21/9 vừa qua, nhạc sĩ Dương Thụ cùng ê kíp âm nhạc của mình mở tiếp “Cửa sổ âm nhạc” số 2 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, mở ra một khung trời nhạc ngoại lời Việt thuộc loại hiếm hoi trên sân khấu nhạc nhẹ hiện nay. Ngay từ tựa đề của chương trình, Tôi mơ một giấc mơ, cũng là “dịch” từ ca khúc nổi tiếng I Dreamed a Dream trong vở nhạc kịch Những người khốn khổ đình đám.
* Chọn hầu hết các nhạc phẩm quốc tế nổi tiếng, đặt lời Việt để mở Cửa sổ âm nhạc số 2, mục đích của ông là…?
- Những tác phẩm tôi đưa vào chương trình Cửa sổ âm nhạc 2 – Tôi mơ một giấc mơ phần lớn là giai điệu trong các tác phẩm khí nhạc cổ điển và các bản hòa tấu theo phong cách Neo Classic của nhóm Secret Gaden do tôi ghi âm, biên tập rồi biến nó thành các bài hát lời Việt. Chỉ có một bài lấy trong vở nhạc kịch Những người khốn khổ (âm nhạc của nhạc sĩ người Pháp: Claude-Michel Schonberg), bài hát I Dreamed A Dream. Đây công việc tôi rất muốn làm vì người Việt thích nghe các bài hát có lời Việt để dễ cảm nhận.
|
* Đặt lời Việt cho các bản nhạc quốc tế so với viết một bài hát với ông thế nào?
- Có lẽ việc đặt lời cho các giai điệu không phải của mình cũng giống như việc dịch thơ hay tiểu thuyết tiếng nước ngoài vậy. Chỉ có điều “tiếng nước ngoài” ở đây lại là những nốt nhạc nên công việc “dịch” có “rắc rối” hơn. Do vậy, đặt lời với tôi cũng là sáng tác. Mà đã là sáng tác thì phải có cảm hứng và phải giàu trí tưởng tượng, hiểu và rung động với giai điệu mình dùng để đặt lời chỉ là một phần. Sáng tác lời là “nghề” của tôi. Tôi viết lời cho chính nhạc của mình và từng viết cho nhiều tác giả khác như Anh Quân, Huy Tuấn, Quốc Trung… mà các bạn đã biết. Tôi cũng viết lời cho một vở nhạc kịch cổ điển Chú bé nạo ống khói của Edward Benjamin Britten (Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam dựng năm 2009), quen rồi và thấy hứng thú lắm.
* Theo ông khi đặt lời Việt cho các bài hát quốc tế (nhất là các ca khúc cổ điển, bất hủ) thì việc dịch, đặt sát lời gốc có quan trọng không?
- Tôi chưa đặt lời Việt cho các ca khúc cổ điển nên không biết nó sẽ như thế nào. Tôi chỉ sáng tác lời cho những giai điệu cổ điển mà tôi ưa thích, nó không có lời gốc. Còn các bài hát quốc tế tôi cũng đã đặt lời Việt khoảng chục bài cho các ca sĩ Ngọc Bích, Thu Phương, Nguyên Thảo, Khánh Linh, chủ yếu là phóng tác nhưng không rời xa tinh thần của tác phẩm gốc. Nhưng nhạc kịch thì phải theo sát lời gốc vì nó không chỉ là cảm xúc mà có cốt truyện, có nhân vật, không thể “bịa” được. Nếu Chat với Mozart làm trong khoảng 10 ngày thì Chú bé nạo ống khói phải mất ba tháng.
* Ngược lại, ông có cho rằng chuyện phóng tác lời của bài gốc sẽ làm mất ý nghĩa, giảm vẻ đẹp, cái hay của nội dung bài hát?
- Tôi không nghĩ vậy. Trước khi đặt lời Việt cho một ca khúc nước ngoài ta phải thấu hiểu âm nhạc của nó và ý nghĩa của ca từ. Còn việc đặt lời lại chính là một sự chuyển dịch về văn hóa. Có những cái đặt sát lời gốc sẽ trở thành ngô nghê vì cách diễn đạt tình cảm của người Việt không giống như người nước ngoài có bản sắc văn hóa khác mình, phải tìm một cái gì đó tương tự. Tôi nghĩ dịch văn cũng thế thôi. Dịch theo kiểu tra từ điển chắc các bạn cũng biết các bản dịch đó như thế nào rồi.
* Ông có suy nghĩ gì về sức sống của các bài hát ngoại quốc ở Việt Nam?
- Âm nhạc thật sự không có biên giới. Sức sống của một tác phẩm không phụ thuộc vào quốc tịch mà nó mang theo. Những ca khúc ngoại quốc nhiều cái có sức sống dai dẳng trong tâm hồn người Việt là một minh chứng. Không tin bạn cứ hỏi thế hệ tôi, và sau bọn tôi, những 5X, 6X, 7X thì bạn sẽ rõ. Yêu những bài hát nước ngoài vì giá trị âm nhạc thật sự của nó không có nghĩa là vọng ngoại
Theo