ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Nguồn: infotv.vn
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Sản xuất thức ăn chăn nuôi: Doanh nghiệp nội lép vế
Thursday, October 10, 2013 2:24
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Phải lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, bị động về vốn, lãi suất ngân hàng cao, chi phí sản xuất lớn… là những lý do khiến các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) trong nước gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp không đủ tiềm lực, đành chấp nhận đóng cửa, nhường chỗ cho các doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào đầu tư sản xuất.

- Kiểm soát chặt giá thức ăn chăn nuôi từ tháng 4- 40 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước phá sản hoặc chuyển hướng kinh doanh- Giá thức ăn chăn nuôi sẽ giảm

Là một nước nông nghiệp, nhưng hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu để sản xuất TĂCN. Nghịch lý này đã tồn tại nhiều năm và chưa biết bao giờ chấm dứt.

90% nguyên liệu nhập khẩu

Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2013, Việt Nam đã chi 2,09 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi thô (tăng 41,1% so với cùng kỳ năm ngoái). Hiện có tới 90% nguyên liệu để sản xuất TĂCN (khô dầu đậu tương, lúa mì, ngô, cám, bột xương thịt, bột cá…) đang phải nhập khẩu từ nước ngoài. Trong đó, thị trường nhập khẩu chủ yếu là Ấn Độ, Mỹ, Argentina.

Đó là một trong những bất lợi cho các doanh nghiệp sản xuất TĂCN trong nước trong việc cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại đang đầu tư sản xuất TĂCN ở Việt Nam. Bởi lẽ, việc các doanh nghiệp sản xuất TĂCN trong nước phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài khiến cho chi phí cũng như giá thành sản phẩm tăng lên. Từ đó, ảnh hưởng đến đầu ra của các sản phẩm TĂCN.

Đánh giá về thị trường TĂCN, Chủ tịch Hiệp hội TĂCN – Ông Lê Bá Lịch cho biết: Do các doanh nghiệp đang phải phụ thuộc vào nguyên liệu từ nước ngoài nên giá TĂCN của Việt Nam bán ra hiện cao hơn các nước trong khu vực khoảng trên 20%, dẫn tới sức cạnh tranh kém.

Đồng quan điểm với ông Lịch, ông Bùi Đức Huyên, Giám đốc Công ty CP Dinh Dưỡng Việt Tín – một doanh nghiệp sản xuất TĂCN cũng phải thốt lên rằng: “Sản xuất TĂCN là ngành có tỷ suất lợi nhuận thấp. Thêm vào đó, những năm gần đây, lãi suất vay ngân hàng luôn ở mức cao, lợi nhuận làm ra không đủ trả ngân hàng… Nguyên liệu sản xuất TĂCN phụ thuộc rất lớn vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi đó, công tác dự báo của chúng ta còn thiếu chuyên nghiệp. Thế mới có chuyện, lúc giá tốt, thuận lợi thì không ai dự báo để mua, còn khi giá cao và tỷ giá bấp bênh thì doanh nghiệp phải “cắn răng” chấp nhận “ôm vào” để sản xuất”.

Nhường “sân” cho “ngoại”

Mặc dù sản xuất TĂCN luôn được đánh giá là lĩnh vực giàu tiềm năng với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm từ 13-15%. Tuy nhiên, đằng sau những con số tăng trưởng ấn tượng đó, có một thực tế khiến nhiều người phải “giật mình”. Đó là thị trường sản xuất TĂCN đang bị các DN có vốn đầu tư nước ngoài “thâu tóm”. Trên thực tế, thời gian qua có rất nhiều cuộc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp sản xuất TĂCN đã diễn ra thành công.

Mặc dù cả nước mới chỉ có 50 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi nước ngoài (trong tổng số 200 nhà máy sản xuất TĂCN) đang đầu tư, sản xuất. Tuy nhiên, hiện thị trường sản xuất TĂCN trong nước đang bị các doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ tới hơn 60% thị phần. Do đó, việc điều hành giá mặt hàng này nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, đây cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp nội trong nỗ lực giành, giữ thị phần và tồn tại.

Lý giải cho thực tế này, Hiệp hội TĂCN Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp nước ngoài với lợi thế về vốn, công nghệ, kinh nghiệm sản xuất… đã nhanh chóng chiếm lĩnh được thị phần TĂCN ngay trên sân nhà của các doanh nghiệp Việt. Ngược lại, chúng ta đang thiếu quỹ đất, thiếu chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu, thiếu quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu cho ngành sản xuất TĂCN. Từ đó dẫn đến thực trạng suốt trong một thời gian dài, các doanh nghiệp sản xuất TĂCN trong nước chịu cảnh bị động trong sản xuất, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường. Thậm chí, ngành TĂCN trong nước còn có  nguy cơ trở thành các cơ sở gia công, “làm thuê” cho các thương hiệu lớn nước ngoài.

Đứng trước những thách thức của ngành sản xuất TĂCN, ông Đoàn Trọng Lý – Tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu Aprocimex cho rằng, Chính phủ cần có những chính sách, giải pháp cụ thể, thiết thực để giúp các doanh nghiệp sản xuất TĂCN trong nước có thể đứng vững và cạnh tranh được với chính trên “sân nhà”. Có như vậy, mới thúc đẩy ngành chăn nuôi nước ta phát triển hơn.

“Để tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất TĂCN, Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc đầu tư cho việc sản xuất nguyên liệu, cần phải xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển vùng sản xuất nguyên liệu TĂCN. Đồng thời, các chính sách ưu đãi về vốn, đất sản xuất để các doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cần được quan tâm hơn nữa…” – Đại diện Hiệp hội TĂCN chia sẻ.

InfoTV
Theo Huy Thảo – Dũng Trần/ Thời báo Doanh nhân

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.