(Thời báo Kinh Doanh) – Hiện không chỉ thực phẩm chức năng (TPCN) nhập khẩu chiếm 40% thị phần nước ta, mà sản xuất TPCN trong nước phải lệ thuộc 80% nguyên liệu nhập khẩu. Việt Nam có hàng ngàn loại thảo dược, nhiều loại rất quý hiếm có thể sản xuất TPCN, nhưng đang bị “bỏ quên”.
Tại hội thảo “Chiến lược phát triển ngành TPCN từ 2013-2020 và tầm nhìn 2030″ cuối tuần qua, Ts. Trần Đáng – Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam cho biết, thị trường TPCN ở Việt Nam đang phát triển rất nhanh: năm 2000, Việt Nam chỉ có 13 DN sản xuất kinh doanh, đến năm 2012 đã có khoảng 1.500 DN. Năm 2000 chỉ có 63 sản phẩm TPCN lưu thông trên thị trường nước ta, đến nay đã có 5.514 sản phẩm. Tuy nhiên, lượng TPCN nhập khẩu vẫn còn quá cao, hiện chiếm tới 42%.
Lệ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu
Thị trường TPCN phát triển rất mạnh mẽ nhưng các DN sản xuất TPCN hiện vẫn phụ thuộc vào nguồn thảo dược nhập khẩu. Điều này được xem là vô lý vì thực tế Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển nguồn nguyên liệu này.
Ths. Nguyễn Hoàng Sơn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho hay, nhu cầu nguyên liệu để sản xuất thuốc, TPCN rất lớn. Mỗi năm nước ta cần tới 100.000 tấn thảo dược, thuộc 500 loại dược liệu khác nhau. Trong đó, 80% dược liệu hiện phải nhập khẩu. Riêng tại cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) từ năm 2011 đến tháng 6/2013 đã nhập khẩu khoảng 46.260 tấn dược liệu.
Theo ông Ngô Quốc Luật- Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội (Viện Dược liệu), đa phần dược liệu nhập từ Trung Quốc là hàng thứ phẩm được bán sang thị trường Việt Nam, nhiều vị được làm giả. Như đan sâm thật vốn có màu đó tự nhiên, nhưng đan sâm đang bán trên thị trường là loại không rõ nguồn gốc được bôi phẩm đỏ.
Viện Kiểm nghiệm (Bộ Y tế) vừa tiến hành một đợt tổng kiểm nghiệm về nguyên liệu thảo dược, kết quả kiểm tra 600 mẫu thì có tới 60% không đạt tiêu chuẩn. Rõ ràng chúng ta đã tiêu tốn quá nhiều tiền để nhập khẩu nguyên liệu sản xuất TPCN mà chất lượng không lấy gì để đảm bảo. Trong khi nguồn dược liệu trong nước rất dồi dào chưa được khai thác một cách hiệu quả.
Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý Y dược cổ truyền, hiện nước ta có khoảng 3.948 loài thực vật, 408 loài động vật, 75 loại khoáng vật và trên 50 loại tảo có khả năng sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thuốc, TPCN.
Mặc dù nhà nước đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển vùng dược liệu, nhưng thực hiện vẫn còn nhiều bất cập. Ông Luật cho biết, nhiều nguồn dược liệu trong tự nhiên bị suy giảm, cạn kiệt do bị khai thác quá mức. Đặc biệt phải kể đến một số loại có giá trị sử dụng phổ biến như ba kích, đảng sâm, hoàng tinh, vằng đắng… trước kia có thể khai thác hàng chục ngàn tấn/năm, nay đã giảm đi rõ rệt. Nghiêm trọng hơn, nhiều loại thảo dược đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Khó kiểm định chất lượng TPCN
Ông Nguyễn Hùng Long – Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết, cả nước có 1.207 DN đăng ký sản xuất kinh doanh TPCN, trong đó có 725 DN sản xuất, còn lại là các DN đăng ký nhập khẩu về tiêu thụ. Trong số 4.945 sản phẩm TPCN được các DN đăng ký công bố tiêu chuẩn vào cuối năm 2012, đến nay Cục ATTP đã kiểm tra và mới chỉ cấp chứng nhận đạt quy chuẩn ATTP cho 2.570 sản phẩm, còn lại là không đạt quy chuẩn. Về việc các sản phẩm có đạt được tính năng, công dụng và thành phần như đã công bố hay không, thì Nhà nước hiện chưa đủ năng lực để kiểm nghiệm do thiếu quy chuẩn, tiêu chuẩn, cán bộ có chuyên môn sâu, trang thiết bị công nghệ hiện đại.
Ở nhiều nước trên thế giới, điều kiện để chứng nhận là TPCN đòi hỏi sản phẩm phải có rất nhiều bằng chứng khoa học về tính hiệu quả trên cơ thể người một cách rõ ràng. Mỗi sản phẩm phải qua rất nhiều năm khảo nghiệm mới được phép lưu hành. Thế nhưng, hầu hết các sản phẩm TPCN ở Việt Nam chỉ được kiểm nghiệm sơ sài rồi đăng ký sản xuất luôn.
Thị trường TPCN vì vậy đang ở giữa ranh giới bóng tối và ánh sáng, của sự nhập nhoạng về chất lượng, công dụng sản phẩm và giá bán khiến nhiều người có ác cảm với các sản phẩm TPCN.
Theo nhiều chuyên gia, nếu có chính sách và chiến lược phát triển hợp lý, ngành TPCN không những có thể đẩy lùi nhập khẩu, mà còn đủ khả năng để trở thành một ngành kinh tế xuất khẩu mạnh, đem nhiều ngoại tệ về cho đất nước. Đây cũng là mục tiêu chiến lược của ngành TPCN bước vào thế kỷ mới. Chiến lược phát triển TPCN giai đoạn 2013-2020 và tầm nhìn 2030 nêu rõ mục tiêu phấn đấu đẩy lùi tình trạng nhập khẩu, hướng tới đưa TPCN trở thành ngành xuất khẩu mạnh, đạt kim ngạch 5 tỷ USD/năm vào giai đoạn 2025-2030.
Thu Hường