ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Nguồn: phunutoday.vn
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
TS Trần Tuấn: “Việt Nam đang thực hiện tham vọng lớn gấp đôi Mỹ”
Wednesday, October 9, 2013 8:30
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


(Trái hay phải?) – “Khi chưa thể thực hiện được 100% bảo hiểm y tế toàn dân thì tỉ trọng bao cấp của nhà nước trong bảo hiểm y tế hiện nay đã chiếm tới 42%. Nghĩa là, chính phủ Việt Nam đang thực hiện một tham vọng “lớn gấp đôi” so với nước Mỹ, xét về mặt cơ cấu trong việc hỗ trợ người dân”.

Từ câu chuyện Chính quyền liên bang Mỹ chính thức phải đóng cửa từ sáng ngày 1/10 (giờ địa phương) sau khi hai phe Cộng hòa, Dân chủ không thể thống nhất được ngân sách cho năm tài khóa mới, TS Trần Tuấn – Giám đốc trung tâm RTCCD đã có những phân tích so sánh với mục tiêu y tế công của Việt Nam.

Rắc rối người Mỹ đang gặp phải là gì?

PV:- Thế giới đang nhìn nước Mỹ, vì đảm bảo cho 32 triệu người dân nghèo sẽ được hưởng các dịch vụ y tế theo kế hoạch “Obamacare” (bắt buộc mọi người dân Mỹ phải có bảo hiểm y tế) mà Mỹ đã phải đóng cửa chính phủ liên bang. Tại sao, Mỹ lại lựa chọn chính sách vì lợi ích sức khỏe của người nghèo, thưa ông?
 

TS Trần Tuấn: Mỹ đóng cửa Chính phủ phải nhìn nhận ở góc độ liên quan đến năm tài khóa của Mỹ (kết thúc vào ngày 30/9), thời điểm chuyển tiếp cơ chế tài chính chuẩn bị cho bắt đầu vận hành năm tài khóa mới 2014. Nhưng, việc Mỹ chấp nhận đóng cửa Chính phủ để kiên định bảo vệ kế hoạch nâng chi tiêu y tế của chính phủ để bảo đảm cho thêm khoảng 32 triệu người dân, chủ yếu là người nghèo được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế (hay đạo luật cải cách y tế của Tổng thống Obama – Obamacare) thì phải thấy rằng: Đảng hiện cầm quyền của Mỹ đã đặt cươc niềm tin vào đổi mới chính sách y tế theo hướng công bằng làm nền móng cho thắng lợi chính trị của Đảng trong tương lai!
 
Đồng thời, cũng cần nhận thấy, việc chính quyền Obama chấp nhận phải đóng cửa chính phủ trong khoảng thời gian chờ đợi (6-12 tuần) quốc hội Mỹ tiếp tục thảo luận để đi đến thống nhất có duyệt ngân sách 2014 mà chính phủ đệ trình bao gồm việc đưa vào triển khai Obamacare, thể hiện chính sách tăng ngân sách nhà nước chi cho bảo hiểm y tế người nghèo… thực ra có nhiều vấn đề rắc rối hơn chúng ta hình dung. 

TS Trần Tuấn

 Nước Mỹ là nước có nền kinh tế thị trường vì vậy  cả bảo hiểm y tế (BHYT)  và khám chữa bệnh, đều  được tổ chức  theo nguyên lý thị trường. Dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ khám chữa bệnh, đều được cung cấp bởi nhiều thành phần; dù nhà nước, tư nhân hay phi lợi nhuận…tất cả đều phải hạch toán theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ, cạnh tranh theo luật. Việc chi trả dịch vụ khám chữa bệnh của người dân thông qua BHYT là một  phương thức đầu tư trả trước, giúp người dân tránh được những rủi ro bất thường trong chi phí khám chữa bệnh. 
 
Nên về nguyên tắc, người dân luôn ủng hộ. Có bảo hiểm để an tâm khi ốm đau là điều người dân mong muốn. Nhưng, tiếp cận được dịch vụ bảo hiểm, lại là một thử thách với một bộ phận người dân Mỹ, chủ yếu là người có thu nhập thấp vì phí bảo hiểm cao! Mức phí bảo hiểm lên tới trên nghìn đô la Mỹ/người/năm,  nên ở Mỹ vẫn có khoảng 15% dân số, tức cứ khoảng 7 người thì có một người vẫn không có bảo hiểm y tế. 
 
Chính sách Obamacare là nhằm mục tiêu từ 1/1/2014, người dân bắt buộc phải có bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, phải nhìn nhận nó theo các  hướng nhân văn, kinh tế và chính trị.
 
Xét về ý nghĩa nhân văn, khi Mỹ có tới 85% dân số có BHXH thì nước Mỹ không thể bỏ rơi bộ phận dân số chỉ vì nghèo (mà không có bảo hiểm y tế, đối mặt với  lún sâu vào nợ nần, nghèo đói khi ốm đau. Nhất là khi vấn đề tài chính (cần khoảng trên 30 tỉ USD để lấp khoảng trống này) không phải là rào cản quá lớn đối với một cường quốc kinh tế mạnh nhất nhì thế giới.
 
Về chính trị, thì phải thấy đây là một chủ trương mang tính quyết tâm chính trị rất lớn. Từ thời tổng thống Bill Clinton, vấn đề cải tổ hệ thống y tế đã được đặt ra, nhưng không thực hiện được. Nước Mỹ vẫn đang chi hàng nhiều tỷ đồng cho các vấn đề quyền con người ở ngoài nước Mỹ, trong khi chính trong nước, lại trường diễn vấn đề bất công bằng trong chăm sóc y tế. Chi phí cho y tế ở Mỹ lên tới 18% GDP, cao xẩp xỉ gấp 2 lần so với các nước như Anh, Nauy, hay Thụy điển, trong khi ở các nước này, dân chúng có tuổi thọ trung bình cao hơn, và bảo hiểm y tế phổ cập toàn dân.
 
Tuy nhiên,  Obamacare gặp phải rào cản lớn về cơ chế hình thành ngân sách cùng một nửa người dân nước Mỹ phản đối kế hoạch này.
 
Họ phản đối không phải vì tính nhân văn mà họ cho rằng kế hoạch đó có thể là quá tham vọng và không phù hợp với nước Mỹ thời điểm này. Xét tính kinh tế, sự bao cấp của nhà nước sẽ làm gia tăng tâm lý ỉ lại, tác động tiêu cực đến thị trường việc làm. Thêm vào đó, Để tiếp tục mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế, kế hoạch Obamacare đòi hỏi phải có một nguồn kinh phí rót vào, việc đó sẽ khiến ngân sách liên bang vốn bội chi nhiều năm, lại thêm nguy cơ thâm hụt! 
 
Và  để thực hiện được Obamacare, chính quyền sẽ phải đưa ra thêm nhiều phương án giải quyết tăng thu, giảm chi. Chưa đưa vào thực hiện, nhưng chính phủ đã phải đối mặt ngay với những giải trình phương án giải quyết thâm hụt ngân sách hiện lên tới 1500 tỷ USD. Trong hoàn cảnh đó, buộc chính phủ Obama phải đề xuất nới trần bội chi, và việc quốc hội chưa chấp nhận đã khiến chính phủ rơi vào tình trạng đến thời điểm hết năm tài chính 2013 mà kế hoạch tài chính 2014 chưa được duyệt! Vì vậy kế hoạch của Obama đặt ra về mặt ý tưởng, mục tiêu là tốt nhưng cơ sở phát triển bền vững của chính sách này trong điều kiện nước Mỹ hiện nay là vẫn còn đang tranh luận.
 
Việc chính phủ Obama chấp nhận đóng cửa để theo đuổi mục tiêu như phân tích còn cho thấy, lời hứa của đảng cầm quyền và người đứng đầu nhà nước đối với người dân nước Mỹ thực là lời hứa danh dự, bằng chứng xã hội Mỹ là một xã hội mà người lãnh đạo chính trị luôn có trách nhiệm hành động đúng với lời hứa của họ, dù họ có phải rơi vào nguy cơ mất mát quyền lợi trực tiếp.
 
PV:- Vậy, xét về lâu dài, chính sách y tế công như vậy sẽ có ý nghĩa gì, thưa ông? 
 
TS Trần Tuấn: Về lâu dài nó là mục tiêu thúc đẩy cho cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ, Quốc Hội Mỹ khi quyết định cơ cấu lại hệ thống ngân sách phải đặt ưu tiên cho vấn đề sức khỏe. Nên tôi vẫn chấm điểm ủng hộ cho quyết định của Tổng thống Obama. 
 

Về mục tiêu y tế công là rất đáng khâm phục, nhưng về cơ sở thực tế thì VN phải xem lại. 

Điều đó đặt ra trong Chính trường của Mỹ, rằng trong các lợi ích mà nước Mỹ theo đuổi thì lợi ích sức khỏe của người dân phải được đặt lên đúng chỗ và câu trả lời chấp nhận theo đuổi mục tiêu Obamacare chính là lợi ích này. 
 
Thứ hai, nó sẽ tạo một cú hích cho bản thân các nhà chính trị đồng thời cho cả hệ thống y tế cũng như xã hội, người dân Mỹ khi nghĩ đến công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Chưa thể khẳng định, mục tiêu của Obama sẽ được phát triển tới đâu nhưng họ vẫn đang trong tiến trình vận động và bước đầu đã có hiệu quả.
 
Việt Nam ôm tham vọng quá lớn

PV: Nhìn từ Mỹ, ông đánh giá chính sách y tế công của Việt Nam như thế nào? Theo ông, nó đã thực sự phát huy hiệu quả và đạt được mục tiêu hay chưa? Người nghèo đã được hưởng lợi gì từ chính sách này, thưa ông?
 
TS Trần Tuấn: Nhìn ở khía cạnh mục tiêu, tầm nhìn dài hạn, chính sách BHYT hiện nay ta đang theo đuổi, là một dạng “Obamacare” cho Việt nam. Hiện tỉ lệ người có bảo hiểm y tế của Việt Nam chiếm khoảng gần 70% (thấp hơn Mỹ gần 20%). Theo Luật sửa đổi BHYT hiện nay, mục đích hướng tới cũng là bảo hiểm y tế bắt buộc, và nhà nước cố gắng đảm bảo hỗ trợ mua bảo hiểm cho người nghèo, cận nghèo, để đảm bảo 100% dân chúng có bảo hiểm y tế. Xét về mục tiêu là giống nhau, cách đặt vấn đề cho sự can thiệp của nhà nước với người nghèo là giống nhau! Chỉ khác nhau về điểm xuất phát. 
 
Thứ nhất, khi Mỹ bước vào vận hành kế hoạch Obamacare tăng ngân sách nhà nước mở rộng dịch vụ bảo hiểm bao phủ thêm 15% dân chúng Mỹ đang chưa có bảo hiểm, thì cả dich vụ y tế và dich vụ bảo hiểm đã được vận hành theo cơ chế thị trường rất rõ ràng. 
 
Nhà nước can thiệp chỉ giúp đối tượng người nghèo có tiền mua gói dịch vụ cơ bản. 
 
Trái lại, ở VN chỉ độc loại hình bảo hiểm y tế do nhà nước cung cấp; người dân nghèo không nhân tiền trực tiếp của chính phủ để đi lựa chọn dịch vụ bảo hiểm. Cũng cần lưu ý, là khi chưa thể thực hiện được 100% bảo hiểm y tế toàn dân thì tỉ trọng bao cấp của nhà nước trong bảo hiểm y tế hiện nay đã chiếm tới 42%. Nghĩa là, chính phủ Việt Nam đang thực hiện một tham vọng “lớn gấp đôi” so với nước Mỹ, xét về mặt cơ cấu trong việc hỗ trợ người dân.
 
Trong khi Mỹ tính được, chính sách Obamacare nếu được thực hiện, sẽ gia tăng chi phí cho y tế từ mức 18% GDP  trong năm nay, lên tới 20% GDP vào năm 2022. Nhưng khác  với Mỹ, VN không thể ước định được mức thâm hụt sẽ lớn đến đâu!. 
 
Trong khi VN phải thực hiện một nhiệm vụ có mục tiêu “lớn gấp đôi” nước Mỹ, với thực trạng nền kinh tế của VN hiện nay, cộng thêm tới đây khi phí y tế sẽ phải tính đúng, tính đủ (hiện theo Bộ Y tế, giá dịch vụ y tế mới tính đến 3 trong số 7 thành phần cấu tạo nên giá) thì việc thâm hụt ngân sách là hiển nhiên như Mỹ! Rõ ràng, về mục tiêu là rất đáng khâm phục, nhưng về cơ sở thực tế thì VN phải xem lại. 
 
Tôi cho rằng, VN đang thiếu các bằng chứng để chỉ ra rằng sự bền vững của yếu tố nhà nước hỗ trợ để duy trì một hệ thống bảo hiểm y tế ổn định. Về khoa học, có thể thấy rõ nguy cơ, gánh nặng tài chính sẽ  tạo sức ép nặng nề hơn so với trước đây. 
 
Thứ hai, Mỹ đã xác định rất rõ chi cho gói dịch vụ y tế cơ bản, đồng thời tạo ra nhiều gói dịch vụ bảo hiểm khác nhau để cho người dân lựa chọn. Trong khi đó VN, hiện chưa xác định được gói dịch vụ cơ bản, mà đang loay hoay sang mức trần chi tiêu. 
 
Nên ngay cả khi thu đủ 100% BHYT thì cũng không thể xác định được liệu có cân bằng được thu – chi. Một nguyên tắc tối thượng trong duy trì BHYT là không để nó bị thâm hụt ngân sách, trong tình hình ngân sách khó khăn, cộng thêm việc chưa thể xác định được mức hợp lý cho nguồn chi, thì sẽ rất khó để cân đối được ngân sách cho BHYT. 
 
Điểm thứ ba, khi Mỹ tạo ra một bộ máy tách bạch cơ quan quản lý với cung cấp dịch vụ, giảm tải gánh nặng chi phí hành chính, đẩy khối dịch vụ đi theo nhu cầu của người dân, tạo sự cạnh tranh trong cung cấp chất lượng dịch vụ, thì VN không làm được như vậy. 
 
Mô hình y tế và bảo hiểm y tế VN là nhà nước ôm quá nhiều chức năng! mặc dù cũng đã đề ra xu hướng chuyển bớt dịch vụ công sang cho các tổ chức ngoài nhà nước thực hiện, nhưng theo Luật khám chữa bệnh và cả luật bảo hiểm y tế sửa đổi mới nhất, thì lại không có nội dung này. 
 
Một điểm khác nữa so với Mỹ là, việc thiết lập cơ chế giám sát đánh giá chất lượng độc lập, để bảo vệ người sử dụng dịch vụ y tế, dịch vụ bảo hiểm y tế trong nền kinh tế thị trường.
 
Muốn vận hành được BHYT có hiệu quả, tránh lạm dụng trong khám chữa bệnh, bắt buộc phải có hệ thống giám sát, đánh giá độc lập. Tuy nhiên, chưa có một điều khoản nào trong cả hai bộ luật khám bệnh, chữa bệnh và bảo hiểm y tế của Việt nam chỉ ra các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế, các cơ sở cung cấp bảo hiểm phải chịu sự giám sát của cơ quan độc lập, ví dụ như các hội y học, các cơ quan khoa học.. Trong khi Mỹ làm rất tốt. 
 
Như vậy có thể thấy, trong khi Mỹ chỉ phải lo sao cho có ngân sách để giúp 15% dân chúng mua được gói bảo hiểm y tế cơ bản, kiểm soát tốt hơn vấn đề thâm hụt ngân sách (bằng cách tăng thu, giảm chi các nguồn khác) thì VN đang đứng ở một vị trí rất xa.
 
Do đó, nếu câu chuyện “Obamacare” với nước Mỹ chỉ là vấn đề băn khoăn “điều chỉnh thu, chi” giữa các vấn đề ưu tiên quốc gia, thì với chúng ta bên cạnh đối đầu với khả năng thâm hụt ngân sách , các “chính sách gia” của VN còn phải lo thêm gánh nặng thiết kế điều chỉnh cơ cấu tổ chức hệ thống để tách bạch rõ ràng chức năng quản lý nhà nước và hệ thống cung cấp dịch vụ, thiết lâp và hoàn thiện hành lang pháp lý tổ chức giám sát đánh giá chất lượng độc lập, đưa hệ thống y tế và bảo hiểm y tế vận hành theo nguyên lý thị trường.

Nguyễn Vũ (ĐVO)

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.