Bài viết trước:
Nội dung nổi bật:
- Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Yum: Với 1,35 tỷ dân, Trung Quốc chiếm đến 1/2 doanh thu từ hơn 6.000 cửa hàng. Tuy nhiên, năm ngoái doanh số tại Trung Quốc sụt giảm mạnh vì lo ngại cúm gia cầm và các bê bối về nguồn nguyên liệu tại KFC.
- Yum đã chuyển hướng sang Ấn Độ: Dân số 1,24 tỷ người mà chỉ mới có 613 cửa hàng. Kế hoạch của Yum! tại Ấn Độ là tăng lên con số 1.000 cửa hàng vào năm 2015, không chỉ đến những thành phố chính mà còn nhanh chóng tìm đến với nhiều thành phố khác.
- Khó khăn: Cơ sở hạ tầng còn yếu kém, và sự bài trừ gay gắt từ phía những người vận động bảo vệ văn hoá Ấn Độ và chống lại sự xâm lấn của văn hoá Tây phương.
Trong hơn 2 thập kỷ mở rộng kinh doanh trên toàn cầu, thương hiệu Yum! đã dành chú trọng đặc biệt cho thị trường Trung Quốc. Nhãn hiệu đồ ăn nhanh cho đến nay đã mở hơn 6.000 cửa hàng tại nước có tới 1,35 tỉ dân này. Trong khi đó, mới chỉ có 613 cửa hàng tại Ấn Độ, đất nước với 1,24 tỉ khách hàng triển vọng.
Rõ ràng là Yum! đang rục rịch thay đổi trọng tâm của mình, khi vừa chính thức ra thông báo, theo đó mục tiêu nâng tổng số nhà hàng KFC, Pizza Huts, Taco Bells tại Ấn Độ lên đến con số 1.000 vào năm 2015.
Công ty cũng đưa vào kinh doanh những thực đơn được cải biến theo thói quen ăn uống của người Ấn Độ như thêm cơm và bánh pizza vuông, vì thế doanh số tại đất nước này đang được kỳ vọng sẽ đạt ngưỡng 1 tỷ USD trong vòng 2 năm – gấp 10 lần so với con số 100 triệu USD mà Yum! đã đạt được trong năm 2012.
Mở rộng kinh doanh tại Ấn Độ là một phần trong kế hoạch mở rộng đầu tư vào những thị trường đang lên với tổng trị giá 10 tỉ USD cho đến năm 2020 của công ty cùng các đối tác nhượng quyền kinh doanh.
Năm qua là một năm khó khăn và ảm đạm với Yum! tại Trung Quốc khi doanh số bán hàng tại đây sụt giảm mạnh do ảnh hưởng từ lo ngại về cúm gia cầm và nghi vấn xung quanh nguồn nguyên liệu của KFC. Tổng giám đốc diều hành của Yum!, ông David Novak đã nói rằng năm qua, công ty bắt đầu đặt nền móng cho việc kinh doanh tại Ấn Độ, chuẩn bị sẵn sàng cho sự tăng trưởng lợi nhuận của Yum trong tương lai”.
Yum! đã tách biệt Ấn Độ như là một bộ phận riêng biệt kể từ năm 2012. Những nhà quản lý hàng đầu đã học được bài học từ thị trường Trung Quốc, nơi quyết định đến một nửa doanh số của Yum!.
Giám đốc bộ phận tài chính. Richard Carucci phát biểu: “Theo thông lệ khi chúng tôi thâm nhập một thị trường mới, chúng tôi sẽ tập trung nhiều vào thủ đô và những thành phố lớn. Tuy nhiên đối với thị trường Trung Quốc, chúng tôi học được rằng, với đất nước tỉ dân, cơ hội bán hàng của chúng tôi tập trung phần lớn tại thành phố. Vì thế, đến Ấn Độ, chúng tôi không chỉ đến những thành phố chính mà còn nhanh chóng tìm đến với nhiều thành phố khác”.
Tuy vậy, đầu tư tại Ấn Độ cũng gặp phải những thách thức nhất định. Ông Carucci đã chỉ ra những khó khăn liên quan đến việc phân phối do cơ sở hạ tầng còn yếu kém, bởi dù sao “trong cùng một giai đoạn phát triển này Ấn Độ cũng không thể phát triển bằng Trung Quốc được”.
KFC chắc chắn đã vấp phải những khởi đầu đầy gian nan tại đây. Năm 1995, khi Colonel Sanders lần đầu đến đầu tư tại vùng đất này, chính quyền địa phương đã ra sức để đóng cửa chuỗi cửa hàng này, lấy lý do về sức khoẻ của người tiêu thụ; trong khi người dân thì cũng phản đối tính toàn cầu hoá của công ty đa quốc gia này.
Như Chicago Tribune đã nói sau đó, “KFC đã là mục tiêu hứng chịu sự bài trừ gay gắt từ phía những người vận động bảo vệ văn hoá Ấn Độ và chống lại sự xâm lấn của văn hoá Tây phương”. Sức ép này đã khiến chuỗi cửa hàng phải rút khỏi Ấn Độ một vài năm sau đó, nhưng lại nhanh chóng ra mắt thực đơn mới được cải cách theo tập quán địa phương.
Tính đến tháng trước, đã có 296 cửa hàng KFC, 313 cửa hàng Pizza Huts và 4 cửa hàng Taco Bells tại Ấn Độ.
Phong Linh
Theo Trí Thức Trẻ/BusinessWeek