Mỗi phong bì, bạn tôi bỏ vào đấy mười ngàn đồng, chỉ mang tính tượng trưng, không nặng tính vật chất. Nhưng cũng vì cách nghĩ đơn giản đó mà một cái Tết chờ đợi, háo hức của bạn biến thành sự bẽ bàng.
Anh bạn tôi ở Hà Nội, sau gần 20 năm mới đưa vợ con về quê ăn Tết. Trước khi về, bạn tôi chuẩn bị quà cáp rất cẩn thận, trong đó không thể thiếu những phong bào lì xì mừng tuổi. Bạn tôi kể, biết mình lâu mới về quê, lại đang là quan chức ở Thủ đô nên khách đến chúc Tết rất đông.
Sau phần chúc tụng là phần lì xì mừng tuổi, chủ yếu là cho trẻ con và người già. Mỗi phong bì, bạn tôi bỏ vào đấy mười ngàn đồng, chỉ mang tính tượng trưng, không nặng tính vật chất. Nhưng cũng vì cách nghĩ đơn giản đó mà một cái Tết chờ đợi, háo hức của bạn biến thành sự bẽ bàng.
Trẻ con bóc bao lì xì, thấy chỉ chừng ấy tiền gần như mặt đứa nào cũng biến sắc, tỏ ý không vui. Bố mẹ của chúng thậm chí coi thường người mừng tuổi ra mặt. Ai đời làm quan ở Hà Nội, gia cảnh giàu có mà chỉ mừng bấy nhiêu sao. Những lời xì xèo bàn tán cũng đến tai bạn tôi, anh mất ngủ một đêm, đến sáng giục cả nhà đi chúc Tết sớm rồi ra Hà Nội trước dự định.
Câu chuyện tiền mừng tuổi cũng trở thành nỗi trăn trở của nhiều người. Bởi thực tế tục lệ này giờ được hành xử một cách tràn lan. Người có của xem mừng tuổi là dịp thể hiện bản thân. Người ta thậm chí cũng chẳng cần quan tâm đến cái phong bao nữa, cứ rút xoẹt trong ví ra cho mọi người xung quanh chứng kiến. Người nhận mừng tuổi thì chăm chăm xem trong cái phong bao kia có giá bao nhiêu, nếu ít tiền có khi là cái cười thầm trong bụng, sao ki thế!
Lũ trẻ ngày nay nhiều đứa nhận phong bao lì xì xong là xé tọac ra, kiểm đếm xem bao nhiêu, tiền mệnh giá lớn có đứa cười ré lên, dăm ba đồng bạc lẻ thì lắc đầu ngán ngẩm. Người lớn thì đến cơ quan cũng nhao nhao chuyện sếp mừng tuổi bao nhiêu. Để đến nỗi, nhiều ông sếp treo thưởng mừng tuổi lớn để “dụ” nhân viên đến họp mặt đầu năm đông đủ. Chuyện mừng tuổi trở thành dịp làm ăn kinh tế, hối lộ, lấy lòng, thể hiện…
2013-11-11 00:08:11
Nguồn: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/buon-vi-tien-mung-tuoi-20130218041510237.htm