Chuyện kể về ông chủ Tập đoàn Đại Dương: Sở thích thâu tóm bất động sản? (Kỳ 1)
Thursday, November 14, 2013 21:06
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group), cái tên chẳng còn xa lạ gì với giới tài chính, chỉ trực tiếp đứng tên sở hữu 1,11% ở Tập đoàn Đại Dương nhưng sở hữu gián tiếp qua các công ty con mà ông sở hữu thì tỷ lệ này khá lớn, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo đang nắm giữ 44,37% Ocean Group mà ông Thắm là chủ sở hữu.
Sau 6 năm thành lập đến nay Ocean Group đã có vốn điều lệ 3000 tỷ đồng tăng gấp 300 lần. Tổng tài sản lên đến gần nửa tỷ USD. Ông Hà Văn Thắm hiện nằm trong top 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Giới tài chính đã quá quen thuộc với những cái tên như OceanBank, Ocean Hospitality (OCH), Ocean Sercurities (OCS),…nhưng có lẽ sẽ không nhiều người biết đến những cái tên như doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo, Công ty TNHH VNT, Đại Dương Thăng Long, hay Oceanmart,…hay những công ty liên danh khác.
Đó chính là kết quả của chiến lược mua bán sáp nhập luôn là hoạt động mà tập đoàn này chú trọng suốt những năm qua để mở rộng hoạt động kinh doanh, sự bành trướng của mình. Phải chăng đó cũng là sở thích của vị chủ tịch tập đoàn này bởi quá nhiều những thương vụ thâu tóm đình đám xung quanh cái bóng của ông?
Khởi nghiệp từ năm 1993 nhưng đến 2007 ông Hà Văn Thắm mới được biết đến nhiều hơn bằng thương vụ mua lại ngân hàng nông thôn Hải Hưng để phát triển thành OceanBank ngày nay từ vốn điều lệ 17,2 tỷ lên con số 4000 tỷ vào 2012, trong đó có đến một nửa thuộc sở hữu các công ty liên quan đến Ocean Group, và sau đó là kem Tràng Tiền.
Giới đầu tư tài chính đang xôn xao với thông tin có thể ông Hà Văn Thắm lại thâu tóm thêm một ngân hàng khác đang trong giai đoạn tái cấu trúc.
Không những nổi danh ở hoạt động thâu tóm trong lĩnh vực tài chính, bóng dáng của ông chủ Ocean Group còn thấp thoáng ở rất nhiều các khu đất vàng ở Thủ đô, mà trong đó nhiều khu đất vẫn còn ít được biết đến.
Ngoài những dự án trực tiếp hoặc qua các công ty con phát triển như StarCity Lê Văn Lương, Tòa nhà VNT (Nguyễn Trãi), nhiều khu đất vàng khác như dự án StarBowl (Phạm Ngọc Thạch, Đống Đa, Hà Nội), 41A Lý Thái Tổ, chợ Nhật Tân,… có bàn tay nắm giữ của ông Hà Văn Thắm.
Dự án Starbowl có quy mô 5.181m2 là khu giải trí, văn phòng và căn hộ cho thuê 4 tầng hầm và 9 tầng cao, đến nay khu nhà cũ StarBowl đang được sửa sang để kinh doanh chuỗi hệ thống bán lẻ OceanMark.
Và mới đây, đầu tháng 3 Ocean Group lại bất ngờ thâu tóm thành công CTCP Việt Bắc chủ sở hữu tòa nhà Sentinel Palace 41A Lý Thái Tổ.
Các dự án khác cũng đã xuất hiện hình bóng ông Hà Văn Thắm như dự án Chợ Nhật Tân quy mô 4.283m2 cao 3 tầng; Dự án trên đất công ty phát hành sách Thanh Hóa 1.734m2 được thực hiện là TTTM Dịch vụ Văn hóa thành phố Thanh Hóa cao 17 tầng, với 4 tầng đế và 1 tầng hầm; Dự án 25 Trần Khánh Dư 6.435m2 cao 15 tầng, 4 tầng đế và 2 tầng hầm.
Thương vụ có lẽ lạ lùng nhất của ông Hà Văn Thắm phải kể đến là câu chuyện bỏ ra 100 tỷ để mua lại 10 triệu cổ phần CTCP Dịch vụ cao cấp Dầu khí (PVR) và 8,1 triệu do Công ty VNT nhận lại với giá bằng mệnh giá, lạ lùng bởi khi đó trên sàn giao dịch PVR có giá khoảng trên 4000 đồng/cp, qua đó Ocean Group nắm giữ khoảng 60%, là công ty hiện đang là chủ dự án Hanoi Time Tower (Hà Đông). Dự án này gồm 2 tòa tháp cao 39 tầng với tổng số khoảng 600 căn hộ, đang thi công phần thân.
Bên cạnh đó, ông chủ Tập đoàn Đại Dương cũng không ngừng xuất hiện tại các dự án BĐS khác như UDIC Plaza, dự án chung cư Sails Tower –Hà Đông (mua lại 108 căn hộ để bán lại),…nhưng có lẽ điều ít ai biết đến nhất phải kể đến những kế hoạch gần đây cho khu đất vàng tại Khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng.
Đón đọc kỳ 2: Bí ẩn khu đất “vành khăn” và bén duyên công viên Nhân Chính?
Theo Kiều Thuật
CafeF/Trí thức trẻ