Tình yêu là đề tài lớn nhất trong các tác phẩm của Trịnh Công Sơn. Trong sự nghiệp âm nhạc, ông đã sáng tác trên 600 ca khúc, trong đó phần lớn là tình ca. Như nhạc sĩ Thanh Tùng nhận xét thì Trịnh Công Sơn là “người Việt viết tình ca hay nhất thế kỷ”.
Và đã có biết bao bóng hồng đã gieo mầm cho những hứng khởi âm nhạc vô giá này? Chắc hẳn là rất nhiều. Trong đó có người tình tâm hồn Ngô Vũ Bích Diễm đã khiến Trịnh Công Sơn viết nên tuyệt phẩm Diễm xưa- một trong những tình khúc được nhiều thế khán giả yêu nhạc mê đắm. Và, độ nổi tiếng, yêu thích của ca khúc đã vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Diễm xưa được dịch ra tiếng Nhật dưới nhan đề Utsukushii mukashi , nhanh chóng trở thành một trong 10 tình ca hay nhất mọi thời đại của Nhật Bản. Năm 2004 Diễm xưa là nhạc phẩm Á Châu đầu tiên được Đại học Kansai Gakuin đưa vào chương trình giáo dục trong môn Văn hoá và Âm nhạc.
Có lẽ Diễm xưa là ca khúc có hoàn cảnh sáng tác được Trịnh Công Sơn kể lại một cách chi tiết nhất: “Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến Trường Đại học Văn khoa ở Huế. Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não.
Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn. Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi…
Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là “Diễm của những ngày xưa”.
Theo hồi ức của Nguyễn Đắc Xuân thì: “Khoảng năm 1962, gia đình Trịnh Công Sơn gặp khó khăn kinh tế, gian phố lớn ở đường Phan Bội Châu (Ngã Giữa) phải sang cho người khác và qua thuê một căn hộ ở tầng một dãy lầu mới xây ở đầu cầu Phủ Cam. Hằng ngày Trịnh Công Sơn đứng trên lầu ngắm các cô nữ sinh đi qua cầu Phủ Cam, đi dọc theo đường Nguyễn Trường Tộ đến trường Đồng Khánh. Trong đám xuân xanh ấy có cô Ngô thị Bích Diễm- con gái thầy Ngô Đốc Kh.- người Hà Nội, dạy Pháp văn tại trường Đồng Khánh và trường Quốc Học Huế. Bích Diễm giống bố, người dong dõng cao, nét mặt thanh tú, bước đi thong thả nhẹ nhàng. Con người của Diễm rất hợp với cái tên Diễm và cũng thích hợp với tâm hồn bén nhạy của Trịnh Công Sơn. Anh yêu Diễm mê mệt.Những ngày không thấy Diễm đi qua anh đau khổ vô cùng: Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ/Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao/Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ/Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu…
Diễm xưa đã ghi một dấu mốc cho ca từ đầy chất huyền thoại của Trịnh Công Sơn: Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động / Làm sao em biết bia đá không đau / Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng / Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau. Ấy là triết lý cuộc đời, triết lý Thiền mà Trịnh Công Sơn đã phát hiện ra từ khi còn rất trẻ.
Diễm Xưa
Trịnh Công Sơn
Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu
Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua
Trên bước chân em âm thầm lá đổ
Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa
Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhỡ mai trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau
Bước chân em xin về mau
Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em biết bia đá không đau
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Để người phiêu lãng quên mình lãng du
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau
Theo VTV
2013-11-17 21:56:18
Nguồn: http://nhacvietplus.com.vn//Tin-nhac-viet/Diem-xua-ban-tinh-ca-khong-bien-gioi/97/273/1124/1/206744