Hiện nay, việc giải quyết các tranh chấp ở Việt Nam chủ yếu được xét xử thông qua hệ thống toà án và trung tâm trọng tài. Thực tế, hệ thống toà án đã trở nên quá tải, dẫn đến tăng lượng vụ tồn đọng, không kịp giải quyết, do đó làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng hủy phán quyết trọng tài một cách tràn lan tại Việt Nam đang khiến nhiều doanh nghiệp e ngại.
Có phán quyết trọng tài vẫn không xong?!
Theo tìm hiểu của PV, hiện Việt Nam có 7 trung tâm trọng tài, trong đó lớn nhất là trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhiều thống kê, số vụ việc mà các trung tâm trọng tài giải quyết chỉ chiếm chưa đến 1% so với tòa án.
Anh Quách Thành Hưng, giám đốc một công ty có trụ sở tại quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, chúng tôi đã từng tìm đến giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài thương mại, nhưng bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành. Vì thế hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài, bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu hủy phán quyết trọng tài theo quy định. Chúng tôi lại phải làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành phán quyết trọng tài. Dù đã có phán quyết của trọng tài nhưng vụ việc vẫn phải lòng vòng mà vẫn chưa đến đâu cả.
LS. Nguyễn Văn Tú – giám đốc Công ty Luật TNHH Fanci nhận định, việc giải quyết tranh chấp tại trung tâm trọng tài đã bàn đến rất nhiều về mặt lý thuyết nhưng thực tế các trung tâm trọng tài vẫn vắng khách. Có nhiều nguyên nhân thuộc về kinh tế và xã hội chứ không phải các doanh nghiệp e ngại. Có 2 nguyên nhân cơ bản, thứ nhất là người dân vẫn tin tưởng vào hệ thống tòa án bởi tính quyền lực toàn diện của nó. Ở Việt Nam, chỉ có tòa án mới đầy đủ thẩm quyền nhân danh Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Mặc dù giải quyết tranh chấp thì không nhất thiết phải nhân danh Nhà nước đầy đủ như vậy nhưng nếu là phán quyết mà được nhân danh toàn diện thì người ta vẫn thích thú và yên tâm hơn; Thứ hai, khi giải quyết tranh chấp thì cần phải thu thập chứng cứ, mà công việc thu thập chứng cứ ở Việt Nam luôn khó khăn, bắt nguồn từ chính thói quen, văn hóa của người Việt Nam không chú trọng đến hồ sơ, giấy tờ, thậm chí giấy tờ còn được thiết kế không hoàn toàn đúng thực tế giao dịch dân sự nên việc thu thập chứng cứ rất khó khăn. Khi tòa án nhân danh quyền lực Nhà nước đi thu thập chứng cứ thì dễ dàng hơn nhiều so với các đương sự tự mình thu thập chứng cứ.
Nhiều doanh nghiệp vẫn e ngại giải quyết tranh chấp qua Trung tâm trọng tài- ảnh minh họa.
Tại cuộc hội thảo về huỷ phán quyết trọng tài, công nhận và thi hành quyết định trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn nhận định: “Mặc dù luật Trọng tài thương mại được ban hành năm 2010, trong đó có một mục đích là hạn chế việc hủy phán quyết trọng tài. Tuy nhiên, sau 3 năm luật Trọng tài có hiệu lực, việc tòa án tuyên hủy quyết định của trọng tài trong nước; quyết định trọng tài nước ngoài chưa được công nhận cho thi hành đầy đủ tại Việt Nam có thể là một trong những nguyên nhân quan trọng làm giảm sức hấp dẫn, uy tín, hiệu quả của hoạt động trọng tài. Nếu nói rộng hơn thì môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam cũng kém hấp dẫn”.
Theo LS. Tú: “Tòa án không nên giải quyết các tranh chấp kinh doanh và thương mại nhiều như hiện nay. Tòa án chỉ cần giữ lại một số loại tranh chấp nhất định để giải quyết, còn lại Nhà nước định hướng xây dựng hành lang pháp lý và cơ chế cho các trung tâm trong tài phát triển và để các trung tâm trọng tài gánh vác nhiệm vụ này, giảm tải công việc của nhà nước. Tôi ủng hộ quan điểm xã hội hóa một phần hoạt động giải quyết tranh chấp trong nhân dân vì bản chất đời sống dân sự thuộc về dân sự”.
Không có giám sát dễ bị lạm dụng
LS.Vũ ánh Dương – tổng thư ký Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết: “Việt Nam là “siêu vô địch” về hủy phán quyết trọng tài. Trong giai đoạn 2003 – 2010, số vụ tranh chấp có đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài chiếm 12% (trong số đó 34% bị hủy). Khi Luật trọng tài thương mại có hiệu lực từ 1/1/2011 đến nay, có tới 36% số phán quyết trọng tài bị hủy.
Trao đổi với PV, LS. Nguyễn Văn Tú cho rằng, việc án dân sự mà tòa cấp dưới xử bị tòa cấp trên sửa hoặc hủy cũng khá nhiều. Thậm chí, qua 2 cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm thì tòa án tối cao hủy cũng không ít. Nhiều ý kiến còn cho rằng, nếu giữ đúng mực thước thì hệ thống án dân sự bị hủy hoặc sửa còn cao hơn thực tế nhiều lần. Do vậy, việc hủy ở cả hệ thống tố tụng tòa án và tố tụng trọng tài cũng chưa nói lên hệ thống xét xử nào hơn. Nguyên nhân bị hủy ở cả hai hệ thống phần lớn vẫn là do chứng cứ vốn dĩ không được thu thập đầy đủ, toàn diện và nhận thức pháp lý, nhận thức bản chất của giao dịch dân sự – kinh tế không đúng đắn.
Nhận định về sự bất cập liên quan đến phán quyết việc hủy phán quyết trọng tài, các chuyên gia trong lĩnh vực này cho hay, có tới gần 100% các vụ án ở trọng tài là không đủ thời gian, đa số khi giải quyết đều phải có thời gian trên 1 năm; về việc gửi thông báo, quyết định của tòa án thì gần 100% trọng tài không nhận được hủy phán quyết của tòa án; việc áp dụng pháp luật có sự áp dụng khác nhau về cùng một vấn đề giữa hội đồng xét đơn trong cùng một tòa án và giữa các tòa án… Điều này vi phạm nghiêm trọng quy định về tố tụng dân sự cũng như pháp luật trong tài.
Theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong, một trong các lý do khiến các doanh nghiệp ít tìm đến trọng tài vì các quyết định của toà án có tính pháp lý cao hơn, cho nên các doanh nghiệp muốn có tính phán quyết cao này. Điều thứ hai, việc đưa ra toà hay qua trọng tài thương mại còn tuỳ thuộc vào điều khoản hợp đồng. Nếu hợp đồng ghi xử tại toà hoặc trọng tài thì sẽ giải quyết tại nơi ghi trong hợp đồng. Thứ ba, thực trạng trọng tài thương mại ở Việt Nam hiện nay trình độ, sự quảng bá uy tín nghiệp vụ không cao lắm nên doanh nghiệp vừa ít biết, vừa chưa đủ độ tin cậy. Hơn nữa, hiệu lực pháp lý của phán quyết trọng tài lại không cao nên các doanh nghiệp ít tìm đến trọng tài thương mại là điều dễ hiểu.
Muốn giảm việc huỷ phán quyết trọng tài thì các trọng tài phải nâng cao trình độ của mình lên và hạ chi phí xuống, để các doanh nghiệp chủ động tìm đến khi có tranh chấp thương mại, đặc biệt là phải tăng chất lượng dịch vụ để có tính hữu hiệu hơn so với giải quyết tại toà.
Theo LS.Trần Hữu Huỳnh – chủ tịch VIAC, chỉ cần một phán quyết bị hủy thì cộng đồng doanh nghiệp sẽ e ngại khi quyết định có nên chọn trọng tài Việt Nam hay không và ngược lại. Các trung tâm trọng tài cũng như trọng tài viên không chỉ trích tòa án mà chỉ mong nhận được sự hợp tác để cùng chia sẻ khó khăn quá tải của ngành tòa án. |
Mai Giang
2013-11-01 21:20:03
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/doanh-nghiep-tho-o-voi-trong-tai-a112212.html