Việc ông Huỳnh Uy Dũng gửi đơn cho Thủ tướng Chính phủ tố cáo ông Lê Thanh Cung, chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương được đánh giá không còn là chuyện “lạ đời” mà trước đó không ít đại gia cũng từng dám “lội ngược dòng” vác đơn đi tố cáo quan chức chính quyền.
Khi đại gia quyết định “đánh bài ngửa”
Ông Huỳnh Uy Dũng, chủ khu du lịch Đại Nam được dư luận biết đến với cương vị là một doanh nghiệp thành danh từ đất Bình Dương. Tuy nhiên, ngày 21/10 vừa qua, dư luận không khỏi bất ngờ khi ông Dũng thông báo đã gửi đơn đến Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền tố cáo ông Lê Thanh Cung – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương về hành vi không phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 khu chức năng thuộc Khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần 3.
Khu công nghiệp Sóng thần 3.
Đáp lại tố cáo của ông Huỳnh Uy Dũng, đại diện Tỉnh ủy Bình Dương cho rằng: Đó là thông tin từ phía ông Huỳnh Uy Dũng. Tỉnh sẽ làm việc đồng thời đề nghị Thanh tra cùng làm việc và sẽ có công bố chính thức kết luận. Ngoài ra, vị đại diện này cũng cho rằng: Tại sao thông tin chỉ đưa là có quy hoạch? Còn việc tùy tiện phân lô bán nền và một loạt các việc khác của nhà đầu tư thì sao không ai đề cập? Trả lời trên các báo, chủ nhân bị tố cáo cho rằng, đây là một sự việc phức tạp. Ông đã chỉ đạo các ban, ngành rà soát lại và sẽ có câu trả lời rõ ràng với báo chí về vụ việc này.
Theo tìm hiểu của PV, trong số các vụ việc đại gia đưa đơn tố cáo quan chức thì chỉ có một số ít vụ việc kết thúc có hậu cho các doanh nghiệp. Cụ thể, ngày 17/7/2013, một phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án hành chính diễn ra tại Ninh Thuận. Người khởi kiện là công ty TNHH Hoàn Cầu; người bị kiện là sở Tài chính tỉnh Ninh Thuận. Nguồn cơn của việc “dẫn nhau” ra tòa chính là sự “bất nhất” của sở Tài chính, khi ký quyết định số 227 ngày 11/12/2008 – nội dung xác định đơn giá thuê đất của công ty Hoàn Cầu.
Khi nhận được “trát” tính lại giá thuê đất của sở Tài chính, công ty Hoàn Cầu không chấp nhận sự đột nhiên tăng giá này, vừa trái với quyết định số 1357/1995 của bộ Tài chính, vừa “bất nhất” với chính quyết định của UBND tỉnh, được ký trong năm 2001 (số 5853 và 5867), về diện tích thuê đất và giá thuê đất của công ty. Không đồng ý với quyết định của tòa sơ thẩm, sở Tài chính tỉnh Ninh Thuận đã kháng cáo. Ngày 21/12/2012, Tòa hành chính- TAND Tối cao tại TP.Hồ Chí Minh đã mở phiên phúc thẩm xét xử vụ kiện nói trên. Trên cơ sở phân tích những văn bản, quyết định liên quan, HĐXX phúc thẩm cũng đã tuyên y án sơ thẩm.
Qua 2 lần xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, TAND tỉnh Ninh Thuận và TAND Tối cao tại TP.HCM đều tuyên sở Tài chính tỉnh này thua kiện doanh nghiệp. Sau khi có bản án, chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hỗ trợ quá trình giám đốc thẩm, nhằm bảo vệ quan điểm của sở Tài chính địa phương. Đây được xem là một trong những vụ thắng kiện hy hữu của doanh nghiệp đi tố cáo quan chức.
Luật sư Bùi Đình Ứng, văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng.
Cảnh báo mối quan hệ “không bình thường”
Trao đổi với PV, luật sư Bùi Đình Ứng, văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng: “Chủ trương chung của chúng ta là thu hút đầu tư. Nhà nước luôn khuyến khích, dùng các biện pháp hỗ trợ để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, thậm chí miễn thuế mấy năm đầu để thu hút họ. Mỗi địa phương cũng có chính sách ưu đãi riêng để hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi đi vào thực tế triển khai thì lại có nhiều vấn đề phải bàn”.
Luật sư Ứng thẳng thắn chỉ ra rằng, những người có thẩm quyền không giải quyết sự việc dù đã có thể quyết định được. Sự nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp chủ yếu được xác định do nguyên nhân chủ quan của người có thẩm quyền. Thế là nhiều doanh nghiệp chọn cách “phải biết điều”, việc này liên quan đến vấn đề tham nhũng, phụ thuộc vào cơ chế xin- cho.
Nó cụ thể hơn, luật sư Bùi Đình Ứng cho hay: “Có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nếu cơ quan Nhà nước yêu cầu thời gian để hoàn thiện các thủ tục, thì doanh nghiệp không thể khiếu nại, tố cáo được. Tuy nhiên, nếu do yếu tố chủ quan của người có thẩm quyền thì có thể khiếu nại, tố cáo. Hành động của người có thẩm quyền đó làm ảnh hưởng tới doanh nghiệp và sâu xa nó còn ảnh hưởng tới tính cạnh tranh, gây thiệt hại cho nền kinh tế quốc gia”. Để xảy ra tình trạng trên theo luật sư Ứng là do nhận thức của người lãnh đạo. Sâu xa là cơ chế xin cho còn tồn tại trong quá trình thực hiện dự án.
PGS.TS Đỗ Minh Cương, chủ nhiệm bộ môn Văn hoá doanh nghiệp, ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, mối quan hệ giữa đại gia và quan chức chưa bao giờ bình lặng. Theo một đề tài nghiên cứu khoa học Uỷ ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) đã cảnh báo một thực tế đáng lo khi hiện nay có nhiều cán bộ đảng viên các cấp có quan hệ không bình thường với doanh nghiệp để trục lợi. UBKTTƯ nhận diện đây là một dạng tham nhũng đặc biệt.
Trước đó, theo khảo sát của Thanh tra Chính phủ, năm 2012 có 40% doanh nghiệp đồng ý với việc sử dụng các mối quan hệ với quan chức để trục lợi, giành phần thắng trong kinh doanh. Và để hạn chế tình trạng quan chức móc ngoặc với doanh nhân thì cần có những văn bản pháp luật quy định về mối quan hệ này, có những điều cấm và chế tài mạnh để ngăn ngừa nguy cơ cán bộ, công chức dùng ảnh hưởng từ chức vụ, vị trí công tác để trục lợi, chạy theo lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm và ngành của mình.
Đứng về góc độ pháp luật, luật sư Ứng cho biết, những cán bộ nhũng nhiễu ấy sẽ bị xử lý theo luật Phòng chống tham nhũng. Kể cả vị đó không nhận tiền nhưng cố tình gây khó khăn, ảnh hưởng tới sự phát triển của doanh nghiệp thì vẫn bị xử lý theo luật Phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng công việc này vô cùng khó khăn, gian khổ. Bởi đối tượng của hành động chống tham nhũng nằm lẩn khuất, nó có thể là một hệ thống dây mơ, rễ má mà những người chống tham nhũng có khi chưa chống được đã bị ảnh hưởng.
Thơm – Huế
2013-11-03 21:03:27
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/doanh-nhan-to-quan-chuc-thang-kien-chi-la-hy-huu-a112292.html