Chương trình nhà ở xã hội tại Tp.HCM đang tạo được sự đồng thuận lớn, được đông đảo người dân Thành phố kỳ vọng là giải quyết phần lớn nhu cầu về nhà ở của người lao động có thu nhập thấp trên địa bàn.
Chị Nguyễn Thị Tố Uyên, cán bộ BQL Khu công nghệ cao Tp.HCM, một trong những người đầu tiên được Thành phố bàn giao nhà ở xã hội, cho biết, trước đây chị và con gái sống chung với bố mẹ đẻ và em gái trong căn hộ khoảng 35m2. Do nhà đông người, diện tích lại quá chật chội, nên sinh hoạt thường ngày của gia đình gặp không ít khó khăn, đặc biệt là thiếu không gian để con gái chị học tập và vui chơi.
Nhiều gia đình đã có được nhà ở thông qua chương trình phát triển nhà ở xã hội tại Tp.HCM Nhiều kỳ vọng
“Mỗi khi cháu học bài, người lớn trong nhà hoặc phải tạm dừng các hoạt động giải trí, trò chuyện, hoặc phải ra ngoài để không ảnh hưởng đến sự tập trung của cháu”, chị Uyên tâm sự.
Vì thế, khi Thành phố có chủ trương làm nhà ở xã hội cho cán bộ, công chức, viên chức, chị Uyên đã chủ động theo sát chương trình này. Và đầu tháng 8/2013, chị Uyên được Thành phố bàn giao căn nhà ở xã hội có diện tích 44m2 tại khu chung cư 339/34A Tô Hiến Thành (Quận 10, Tp.HCM).
Từ khi chuyển đến sống trong căn nhà mới đến nay, mọi sinh hoạt hằng ngày của mẹ con chị được cải thiện lên trông thấy, con gái chị đã có điều kiện học hành tốt hơn. Chị Uyên vui vẻ cho biết, sang năm học mới, chị sẽ xin chuyển cho cháu về học tại một trường học gần nhà cho tiện việc đưa đón.
Giá nhà chưa “thấp”
Chương trình nhà ở xã hội tại Tp.HCM đã mang lại niềm vui cho không ít gia đình người lao động thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên, những trường hợp may mắn như gia đình chị Uyên là rất ít, vì còn rất nhiều người lao động mặc dù có nhu cầu thực tế về nhà ở nhưng vẫn chưa thể tiếp cận được chương trình này.
Chị Lê Thị Thủy, giáo viên tiểu học tại Thủ Đức, cho biết khi chương trình nhà ở xã hội bắt đầu được triển khai, vợ chồng chị đã rất háo hức về việc sở hữu một căn nhà cho riêng mình. Thế nhưng sau khi tìm hiểu, anh chị đành rút lui vì khả năng tài chính của gia đình không thể đáp ứng.
Giá hiện nay người dân khó có cơ hội sở hữu NƠXH
“Tổng thu nhập hằng tháng của vợ chồng tôi khoảng 9 triệu đồng. Số tiền đó ngoài chi phí cho các sinh hoạt thường ngày còn phải trích một phần đóng tiền học phí cho hai cháu, tiền biếu bố mẹ hai bên, vì thế, nhiều nhất một tháng gia đình tôi cũng chỉ để ra được 1-2 triệu đồng. Số tiền này không đủ để chúng tôi mua nhà ở xã hội”, chị Thuỷ tâm sự.
Với nhu cầu mua nhà ở để chấm dứt cảnh ở trọ của gia đình, chị Nguyễn Thị Diễm Châu, một cô giáo trẻ tại Tân Bình, cũng cho biết, chị đã theo dõi rất sát những quy định về mua nhà ở xã hội, nhưng việc tiếp cận rất khó khăn: “Cơ chế xét duyệt gắt gao, chúng tôi đã nộp đơn nhiều lần nhưng không hiệu quả. Thành phố đưa ra tiêu chí chấm điểm gồm khá nhiều điều kiện như thâm niên biên chế, thành tích, nhân thân… Đối với công chức trẻ như vợ chồng tôi, khó đáp ứng được các tiêu chí trên”.
Ông Nguyễn Hữu Hùng, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Quận 3 - Tp.HCM, cho biết ổn định chỗ ở cho đội ngũ giáo viên đang là vấn đề bức xúc của công đoàn ngành Giáo dục Thành phố. Tại Tp.HCM, hiện có trên 19.000 giáo viên không sở hữu nhà ở, phải ở cùng gia đình, hoặc đi thuê nhà ở do mức lương không đủ để mua nhà, dù là nhà giá rẻ.
“Với mức lương trung bình từ 3,5-4 triệu đồng/tháng của giáo viên thì giá những chung cư thuộc các dự án nhà ở xã hội vẫn còn cao, thu nhập của giáo viên không “kham” nổi”, ông Hùng khẳng định.