Sao chổi ISON, đối tượng nhận được nhiều quan tâm nhất của người quan sát trong năm nay lúc này đã tới khá gần Mặt Trời. Trong những ngày này, chúng ta có thể quan sát nó bằng mắt thường hoặc với sự hỗ trợ của ống nhòm hay kính thiên văn nghiệp dư.
>>> Sao chổi thế kỷ thẳng hướng mặt trời
Sau hành trình dài tới Mặt Trời, sao chổi ISON lúc này đã gần tới đích, nó bất ngờ sáng lên rất nhanh so với dự đoán ban đầu của các nhà thiên văn. Hiện nay, tại những khu vực ít ô nhiễm ánh sáng và có thời tiết lý tưởng (không mây), người quan sát hoàn toàn có thể nhìn thấy sao chổi này bằng mắt thường. Tại những nơi điều kiện khí quyển kém hơn, chúng ta có thể nhìn thấy sao chổi với sự hỗ trợ của một chiếc ống nhòm hoặc kính thiên văn nhỏ.
Thời điểm lý tưởng nhất để bạn quan sát sao chổi ISON trong những ngày cuối tháng 11 này là vào lúc rạng sáng, khoảng từ 4h30 đến 5h30. Hãy nhìn về bầu trời phía Đông, lúc này chòm sao Virgo đang mọc lên, ngôi sao sáng nhất bầu trời lúc này là sao Spica. Sao chổi ISON có vị trí nằm ngay gần ngôi sao sáng này. Trong những ngày 18, 19 tháng này bạn sẽ thấy sao chổi nằm rất sát Spica, nhưng nó sẽ tiếp tục đi xuống thấp hơn trong vài ngày tới và sẽ trở nên khó quan sát hơn do thơi điểm nó nằm phía trên chân trời sẽ tiến gần về buổi sáng.
Hãy quan sát hình ảnh sau để xác định vị trí của Spica và ISON:
Ảnh: Earthsky.org
Một điểm bạn nên lưu ý: khác với tưởng tượng của nhiều người, sao chổi hoàn toàn khác với sao băng, nó không phải một vệt sáng vụt qua bầu trời mà là một thiên thể chuyển động rất chậm khi quan sát từ Trái Đất. Trong trường hợp của ISON, bạn chỉ có thể quan sát nó là một vệt sáng rất nhỏ và mờ trên bầu trời đêm. Nếu có ống nhòm hay kính thiên văn, bạn mới có thể nhìn thấy rõ hơn đôi chút cái đuôi của sao chổi này.
Hình ảnh sao chổi ISON do nhà quan sát Scott MacNeill chụp vào rạng sáng ngày 15/11
Với sự phát sáng đột ngột này, các nhà khoa học cho rằng rất nhiều khả năng sao chổi sẽ bị thiêu rụi và biến mất trước khi tiếp cận được Mặt Trời hoặc chỉ vài ngày sau khi tới gần Mặt Trời. Dù vậy vẫn không loại trừ khả năng nó sẽ sống sót và rời đi sau khi đã cháy hết một phần lớn khối lượng của mình.
Trích nguồn: http://www.khoahoc.com.vn/khampha/vu-tru/50471_Sao-choi-ISON-co-the-quan-sat-bang-mat-thuong.aspx
2013-11-22 21:26:09
Nguồn: http://www.chuyenla.com.vn/thien-van/10285-sao-choi-ison-co-the-quan-sat-bang-mat-thuong.html