Một phúc trình công bố hồi đầu tuần này cho biết số sinh viên Việt Nam hiện theo học ở Mỹ là 16.098 người trong niên khóa 2012-2013, trong khi chỉ có gần 900 sinh viên Hoa Kỳ học tập tại Việt Nam.
Việc tầng lớp trung lưu đang nở rộ cộng với nhu cầu muốn con cái được tiếp cận nền giáo dục hàng đầu thế giới là một trong các yếu tố thúc đẩy nhiều người Việt lựa chọn du học Mỹ.
Con số đó cao hơn 3,4% so với một năm trước và đã đưa Việt Nam trở thành nước đứng hàng thứ 8 trong số các quốc gia có đông sinh viên hiện du học ở Hoa Kỳ.
Phần lớn các du học sinh Việt Nam du học cấp đại học ở Mỹ, chiếm hơn 70% tổng số sinh viên Việt tại Hoa Kỳ. Hơn 17% học ở cấp sau đại học.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear cho biết ông vui mừng nhận thấy Việt Nam tiếp tục đưa một số lượng lớn sinh viên đến Hoa Kỳ để học đại học.
Ông Shear cũng cho rằng ‘các kỹ năng phân tích và tư duy phản biện mà họ phát triển được sẽ giúp Việt Nam hội nhập đầy đủ hơn vào các hoạt động thế giới như là một quốc gia vững mạnh, thịnh vượng và độc lập’.
Trong một cuộc gặp cộng đồng người Mỹ gốc Việt hồi tháng Tám, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Mỹ ở Hà Nội nói rằng các sinh viên Việt Nam tại Mỹ ‘sẽ là một tiếng nói quan trọng đóng góp vào quá trình phát triển Việt Nam trong tương lai’.
Ông Shear nói: “Sớm hay muộn các sinh viên Việt Nam này sẽ trở về nước. Họ mang theo mình không những các kiến thức đã học được tại Mỹ mà còn mang về các trải nghiệm, các giá trị và họ cũng sẽ mang về những gì đã nghe được từ các bạn trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Cùng với thời gian, họ sẽ giúp hình thành nên tương lai của Việt Nam”.
Trong năm 2012-2013, có 819.644 du học sinh nước ngoài học tập ở Mỹ, tức là có thêm 55.000 sinh viên quốc tế so với năm 2011-2012.
Ðông nhất là sinh viên đến từ các nước Trung Quốc, Ấn Ðộ và Hàn Quốc.
Số sinh viên Việt Nam học tập và nghiên cứu tại Mỹ đứng đầu con số sinh viên nước ngoài từ khu vực Đông Nam Á.
Cũng giống như Trung Quốc, việc tầng lớp trung lưu đang nở rộ cộng với nhu cầu muốn con cái được tiếp cận nền giáo dục hàng đầu thế giới, là một trong các yếu tố thúc đẩy nhiều người Việt lựa chọn du học Mỹ.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, giáo dục và đào tạo được coi là một trong 10 dịch vụ xuất khẩu hàng đầu của Hoa Kỳ.
Tổng chi tiêu của sinh viên quốc tế ở cả 50 bang đóng góp gần 24 tỷ đôla vào nền kinh tế của nước này mỗi năm.
Theo phúc trình của Viện Giáo dục Quốc tế của Mỹ (IIE), giáo dục quốc tế tạo ra tác động kinh tế và xã hội tích cực cho các cộng đồng ở Hoa Kỳ và trên khắp thế giới.
Chị Ngọc Diệp, một nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Mỹ, cho rằng khi trở về nước, việc so sánh giữa hai quốc gia là không thể tránh khỏi, nhưng cũng phải cân nhắc các điều kiện của Việt Nam.
Chị Diệp nói: “Khi mà so sánh dân chủ và tự do, những quyền hạn của con người ở Việt Nam và nước Mỹ thì mình cần phải nhìn trong cái hoàn cảnh và các điều kiện cụ thể của Việt Nam. Tôi thấy rằng những năm vừa qua, Việt Nam cũng có nhiều sự dân chủ hơn, tất nhiên vẫn còn có nhiều cái làm cho tôi cảm thấy rất là bức xúc và thất vọng, nhất là các vấn đề mà những nước đang phát triển gặp phải như tình trạng tham nhũng và sự thờ ơ của chính phủ, đặc biệt là về giáo dục”.
Tiến sĩ Lê Sĩ Long, Giám đốc Sáng kiến Quốc tế về Chương trình nghiên cứu Toàn cầu của Đại học Houston, từng nói rằng Việt Nam dường như đang tìm cách ‘cải tạo’ các cá nhân từng đi du học và có tư tưởng ủng hộ thay đổi hệ thống chính trị.
Ông Long cho rằng, điều đó dẫn tới các hệ quả như “chảy máu chất xám và cản trở tiến trình dân chủ hóa” Việt Nam.
Theo IIE, hồi cuối những năm 90, mới chỉ có hơn 1.500 sinh viên Việt đi du học tại Mỹ và tăng trưởng đều đặn kể từ đó.
Việt Nam lọt vào top 20 quốc gia có nhiều du học sinh nhất ở Mỹ trong niên khóa 2006-2007 và lọt vào top 10 kể từ năm 2010-2011.
Theo voa