(Xi nhan) – Chùa là nơi linh thiêng để thờ Phật. Đức phật răn dạy tăng ni, phật tử phải tu tâm hướng thiện, làm điều lành, tránh điều ác. Vậy mà, bài học ấy dường như đang mờ nhòa trong tâm trí của nhiều nhà sư.
Câu chuyện về các nhà sư còn… “vấp” bụi trần
Thời gian gần đây, vụ việc sư trụ trì chùa Chân Long (xã Thạch Thất – Hà Nội) tự ý thờ tượng giống hệt mình, thay đổi bát hương và làm biến mất nhiều tượng cổ… Đồng thời, sư Phượng còn lập một đạo tràng gần 100 người toàn phụ nữ, chỉ có 2 người đàn ông đang làm nổi sóng dư luận.
Tiếp đó, vào đầu tháng 11/2013, sư Thích Phước Tấn bị nhân dân xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long làm đơn tố cáo dùng tiền chùa để xây biệt thự. Cụ thể, chùa Bồ Đề được xây dựng từ năm 2006 nhằm tưởng niệm nạn nhận trong vụ sập cầu Cần Thơ, đến nay đã gần 7 năm mà vẫn chưa hoàn thiện. Trong khi đó, sư trụ trì Thích Phước Tấn lại ở trong ngôi biệt thự trị giá hàng chục tỷ ngay bên cạnh chùa. Ngoài ra, nhân dân còn tố cáo sư dùng tiền chùa để đầu tư khách sạn, câu lạc bộ thể hình… cho người nhà đứng tên. Đồng thời vi phạm nhân cách, đạo đức khi có con rơi, con vãi ngoài chùa.
Nhà vệ sinh tiện nghi của sư Thích Minh Phương.
Giữa tháng 9/2013, câu chuyện về nhà sư chuyên tu tên Kim So Phia (SN 1989, ngụ ấp Cổ Tháp B, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) giết người yêu tên Ngân khi cô nói mình có thai. Sau đó, nhà sư chôn xác, yểm bùa, trồng cây lên hố trôn để phi tang cũng gây rúng động dư luận.
Trước đó, tháng 7/2013, sư thầy Thích Đàm Chung – trụ trì chùa Sải (Tây Hồ, Hà Nội) dùng dao rựa đánh vào tay vãi Trần Thị Tấm (79 tuổi, vợ liệt sĩ) gây đau đớn về thể xác, tinh thần. Nhiều thông tin trước đấy còn nói rằng: Sư trụ trì chùa Sải từng úp cả nồi cháo nấu cho chó lên đầu bà Tấm, thục gậy vào ngực bà và cố tính tháo cửa phòng nơi bà ở để gió lùa vào mùa đông… Những hành động này đã gây lên sự căm phẫn cho nhiều phật tử và nhân dân làng Hồ Khẩu.
Ngoài ra, một vài câu chuyện đau lòng khác trong giới nhà Phật như nhà sư như đi bar thác loạn, khóa môi ca sĩ… làm dư luận dấy lên một mối hoài nghi: phải chăng bước chân nhà sư còn vướng quá nhiều bụi trần?
Con đường đến cõi Niết Bàn ngày càng khó
Ngũ giới mà đức Phật đưa ra đó là không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu. Theo đó, những ai muốn làm đệ tử của Phật thì cần phải giữ cho được năm giới cấm này bởi nó giúp cuộc sống của con người được an lành hạnh phúc. Vậy mà, trong các vụ việc kể trên, các nhà sư hầu như đều “phá giới”.
Nhà sư có nhiều tăng ni, phật tử đi theo là chuyện bình thường. Nhưng việc nhà sư có người yêu, thậm chí là nhiều người yêu và yêu nhiều người một lúc như sư Kim So Phia thì thật là một điều cấm kị và không thể tin nổi. Phải chăng, sư Kim So Phia đang cố gắng tập dượt cho “quen dần” với cuộc sống thường ngày để hoàn tục?
Cũng vậy, đạo Phật từng răn dạy: Cứu một người còn hơn xây bảy tòa tháp nhằm nhắc nhở con người không nên sát sinh. Có thể sư Thích Đàm Chung, Thích Minh Phương, Kim So Phia chưa từng giết một con kiến, nhưng lại dám chửi bới, mạt sát phụ nữ không gượng mồm. Đồng thời ra tay đánh người, thậm chí giết người một cách tàn độc mà vẫn tỏ ra hống hách, vô cảm.
Nụ hôn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và sư Thích Pháp Định đã phải nhận rất nhiều búa rìu của dư luận.
Trụ trì chùa Chân Long còn có một cái tâm không trong sáng. Không đối mặt được với dư luận, sư Thích Minh Phượng biến mất khỏi địa phương. Để lại ngổn ngang vỏ chai bia và một bình rượu ngâm trong phòng. Hóa ra, sư vẫn được uống rượu!
Tôi nhớ nhà sư trong tập truyện Đường xưa mây trắng của sư Thích Nhất Hạnh thường tắm sông, tắm bể để cảm nhận và hòa hợp với đất trời. Trong khi đó, sư Thích Minh Phượng lại xây riêng cho mình một nhà vệ sinh với đầy đủ tiện nghi.
Xã hội hiện đại, sư tắm bình nóng lạnh, giặt đồ bằng máy giặt âu cũng là chuyện bình thường. Nhưng sư dùng dầu gội đầu, sữa tắm hiệu Romano, hay sư sử dụng keo để “vuốt tóc”, nhà tắm của sư thì được trang trí gợi cảm bằng bức hình phụ nữ ăn mặc mát mẻ… khiến người ta không khỏi suy nghĩ.
Ngày xưa, các nhà sư thường hay đi khất thực cả chặng đường dài bằng chân trần để cảm nhận được đất trời, linh khí. Ngày nay, nhiều nhà sư chưa đi siêu xe, nhưng cũng phải cưỡi xế sang khi đi công đi việc. Ngày xưa nhà sư ăn kham, khổ cho lòng chay tịnh, ngày nay nhà sư ăn uống như người thường. Ngày xưa nhà sư không dám sát sinh mà ngày ngày vẫn phải cầu kinh niệm Phật, ngày nay nhiều nhà sư cả gan ra tay hạ sát người mà coi như chưa có chuyện gì xảy ra… Thực tế, sự khác biệt giữa sư và người thường là đâu?
2013-11-15 08:16:33
Nguồn: http://phunutoday.vn/xi-nhan/su-thay-sao-lai-hon-moi-danh-phu-nu-35423.html