ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: phannguyenkhanhdan
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Tật nói lắp – Nguyên nhân, đặc điểm và cách điều trị
Friday, November 22, 2013 22:42
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


(Bài viết này đã được đăng trên báo Sức Khỏe & Đời Sống cuối tuần ngày 15/11/2013 với tiêu đề “Tật Nói Lắp – một kiểu rối loạn giao tiếp“)

Phan Nguyễn Khánh Đan 2013 11 23

Nói lắp là gì?

Nói lắp là một dạng rối loạn trong giao tiếp bằng lời nói mà trong đó, người nói lặp đi lặp lại hoặc kéo dài nhiều âm thanh, từ ngữ hay trọng âm, khiến cho mạch giao tiếp bị gián đoạn. Người nói lắp có thể có biểu hiện căng thẳng, nháy mắt liên tục hoặc run môi. Tình trạng nói lắp thường xuyên sẽ gây khó khăn cho các hoạt động giao tiếp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày của người nói lắp.

Triệu chứng hay biểu hiện của tật nói lắp ở một người có thể khác nhau tùy từng hoàn cảnh. Nhìn chung, nói lắp dễ xảy ra hoặc trở nên nghiêm trọng hơn trong các tình huống như nói trước đám đông và trò chuyện qua điện thoại. Trong khi đó, một số việc khác như đọc sách, ca hát, hoặc xướng âm lại là những hoạt động ít xảy ra – hoặc thậm chí có tác dụng gia giảm tạm thời – tình trạng nói lắp của một người.

Người nói lắp, họ là những ai?

Trong khi ở Việt Nam chưa có những cuộc thống kê cụ thể thì ở Hoa Kỳ có khoảng ba triệu người có tật nói lắp. Nói lắp xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng chiếm tỉ lệ cao nhất vẫn là trẻ em từ 2 đến 5 tuổi. Đây là khoảng thời gian mà các bé đang rèn luyện và dần dần phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, nên tật nói lắp xảy ra nhiều ở lứa tuổi này lại là điều dễ hiểu. Khoảng 5% trẻ em nước Mỹ đều có ít nhất một khoảng thời gian nói lắp trong đời. Khoảng thời gian này có thể ngắn cỡ vài tuần hoặc kéo dài đến vài năm. Trẻ em trai có nguy cơ nói lắp cao gấp đôi trẻ em gái. Và khi lớn lên, số trẻ em trai vẫn còn bị ảnh hưởng bởi tật nói lắp cao gấp từ ba đến bốn lần trẻ em gái. Hầu hết trẻ em đều hết nói lắp khi trưởng thành. Ở người lớn, tỉ lệ người có tật nói lắp chiếm không quá 1%.

Nguyên nhân của tật nói lắp

Con người chúng ta có thể phát ra tiếng nói là nhờ vào sự phối hợp tinh vi của các cơ để thực hiện cùng một lúc nhiều cử động như thở, phát âm và cất tiếng. Tất cả những cơ này đều được điều khiển bởi bộ não và được kiểm soát chặt chẽ thông qua thính giác và xúc giác.

Các nhà khoa học vẫn đang tìm kiếm câu trả lời trọn vẹn cho cơ chế gây nói lắp, nhưng hiện tại tật nói lắp được phân loại thành hai dạng phổ biến:

            +Nói lắp như một phần của quá trình phát triển kỹ năng ngôn ngữ:

Dạng nói lắp này diễn ra ở trẻ nhỏ đang trong giai đoạn tập nói và hình thành kỹ năng sử dụng ngôn ngữ. Đây là dạng nói lắp phổ biến nhất. Nhiều nhà khoa học và bác sĩ cho rằng hiện tượng nói lắp xảy ra khi khả năng nói và vốn từ của trẻ không đủ để các bé diễn đạt những yêu cầu hoặc hành động của mình. Nói lắp cũng là một đặc tính di truyền trong gia đình. Cụ thể là vào năm 2010, lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà khoa học của Viện Nghiên Cứu Quốc Gia về Tật Điếc và Các Rối Loạn Giao Tiếp Khác (NIDCD) đã phân tách được ba loại gene di truyền gây ra tật nói lắp ở người.

            +Nói lắp do các nguyên nhân về thần kinh:

Trong trường hợp này, tật nói lắp xuất hiện sau một cơn chấn động về thần kinh, điển hình như động kinh, co giật, và chấn thương sọ não. Khi đó, bộ não mất khả năng điều phối các thành phần và những cử động khác nhau liên quan đến giao tiếp bằng lời nói, do đường truyền tín hiệu giữa bộ não, các dây thần kinh và các cơ đã bị thương tổn hoặc cắt đứt.

Dạng nói lắp thứ ba ít phổ biến hơn là nói lắp tâm lý. Bệnh nhân bỗng dưng nói lắp sau một biến cố hoặc sang chấn tâm lý mà không rõ nguyên do, dù trước đó họ không hề có tật này. Cũng có quan điểm cho rằng tất cả các hiện tượng nói lắp đều có nguyên nhân tâm lý. Nhưng nhìn chung, dạng nói lắp tâm lý này có tỉ lệ rất hiếm trên thực tế.

Nói lắp được chẩn đoán như thế nào?

Việc chẩn đoán chính xác tật nói lắp cần sự có mặt của các chuyên gia bệnh học về ngôn ngữ nói (speech-language pathologist – SLP) và các chuyên gia về sức khỏe, với những chuyên môn về khả năng nói, giọng nói, và các rối loạn về ngôn ngữ của con người. Chuyên gia về bệnh học sẽ xem xét một loạt những nhân tố khác nhau, bao gồm bệnh sử (chẳng hạn như tình trạng nói lắp xảy ra lần đầu tiên vào lúc nào và trong tình huống như thế nào). Sau đó, các chuyên gia sẽ phân tích hành vi nói lắp của người bệnh để có thể đánh giá khả năng nói, kỹ năng ngôn ngữ hiện tại của người này cũng như những tác động của nói lắp lên cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân.

Với trường hợp người nói lắp là trẻ em, người chuyên gia về bệnh học còn phải dự đoán xem tật nói lắp có tiếp diễn trong tương lai hay không, hay đứa trẻ có thể khắc phục và vượt qua tật nói lắp được hay không. Để tìm ra câu trả lời cho những vấn đề này, chuyên gia còn phải xem xét nhiều nhân tố bên ngoài như các thông tin bệnh sử gia đình có liên quan đến tật nói lắp, trẻ đã nói lắp trong bao lâu, và xem xét xem trẻ có những vấn đề tiềm tàng nào khác liên quan đến khả năng giao tiếp và ngôn ngữ ngoài tật nói lắp hay không.

Chúng ta đã biết được gì về tật nói lắp?

Các nhà khoa học trên thế giới vẫn đang nghiên cứu về tật nói lắp để xác định cách nhận diện thật chính xác cũng như những nguyên nhân bản chất của nó, đồng thời nhằm tìm ra những phương cách điều trị hiệu quả. Ví dụ, nhiều nhà khoa học vẫn đang tập trung truy tìm cho được hết những loại gene liên quan đến tật nói lắp di truyền trong gia đình. Như đã trình bày ở phần trên, các nhà nghiên cứu ở NIDCD đã tìm ra ba gene gây nói lắp: một gene nằm ở nhiễm sắc thể số 12 và hai gene trong nhiễm sắc thể số 16. Ba gene này – được đặt tên lần lượt là GNPTAB, GNPTG, và NAGPA – đã được xác nhận trong nhiều công trình nghiên cứu khoa học khác nhau ở các nước Pakistan, Anh và Hoa Kỳ. Các gene này hoạt động phối hợp cùng nhau trong việc bẻ gãy quá trình tái tạo của các thành phần tế bào.

Một phát hiện thú vị là, các biến thể của GNPTAB và GNPTG là vài trong số những thủ phạm gây ra hai rối loại chuyển hóa nghiêm trọng của con người là mucolipidosis type II và III. Đây cũng là những rối loạn chuyển hóa gây đứt mạch tái tạo tế bào. Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu mối liên hệ giữa sự đứt gãy quá trình tái tạo các thành phần tế bào với tật nói lắp cũng như các khiếm khuyến khác trong giao tiếp bằng lời nói.

Giới nghiên cứu cũng đồng thời phối hợp với các chuyên gia về bệnh học để giải đáp câu hỏi quan trọng, rằng trẻ em có thể khắc phục hoàn toàn tật nói lắp hay không, và những đứa trẻ nào thì sẽ có nguy cơ nói lắp kéo dài đến khi trưởng thành, thậm chí vẫn tiếp diễn sau đó. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đang xây dựng hệ thống phân loại thành nhóm những người có biểu hiện nói lắp giống nhau xuất phát từ những nguyên nhân tương tự nhau.

Các nhà khoa học sử dụng các công nghệ hiện đại như kỹ thuật chụp ảnh cắt lớp nhờ phát xạ positron (PET) và kỹ thuật cộng hưởng từ chức năng (fMRI) để thu thập hình ảnh hoạt động của bộ não ở những người nói lắp. Giới nghiên cứu cũng đang tìm hiểu xem tự bản thân những người nói lắp – với sự hỗ trợ của công nghệ – có thể nhận thức được những khuôn mẫu hoặc những tác nhân gây nói lắp của chính mình để phục vụ cho quá trình điều trị.

Điều trị tật nói lắp như thế nào?

Hiện nay tật nói lắp chưa có một phương pháp điều trị cố định nào được y văn công nhận. Cách điều trị cho mỗi người sẽ có sự khác nhau tùy vào độ tuổi, mục đích điều trị và nhiều nhân tố khác. Nếu người thân của bạn, con cái bạn hoặc bản thân bạn có tật nói lắp và có nhu cầu điều trị, việc đầu tiên cần làm chính là tìm gặp một chuyên gia bệnh học về ngôn ngữ nói để tham vấn cách điều trị phù hợp nhất.

Điều trị bằng cách luyện tập

Nhiều chuyên gia tâm lý chuyên chữa trị tật nói lắp cho thanh thiếu niên và người lớn thường tập trung vào các biện pháp giúp bệnh nhân giảm thiểu tối đa tình trạng lắp bắp, chẳng hạn như nói chậm, điều chỉnh nhịp thở, luyện tập nói suôn sẻ từ những câu phát âm đơn giản cho đến những câu nói phức tạp hơn. Hầu hết những bài tập này cũng đồng thời giúp người nói lắp giảm lo âu trong những hoạt động dễ gây căng thẳng như giao tiếp với mọi người hoặc nói trước đám đông.

Dùng thuốc

Ủy Ban Thực Phẩm và Thuốc Men Hoa Kỳ (FDA) chưa xác nhận bất kỳ loại thuốc nào dành cho việc điều trị nói lắp. Tuy nhiên, đã có những trường hợp chữa nói lắp bằng các loại thuốc chống động kinh, thuốc chống trầm cảm hoặc giảm lo âu. Tuy nhiên, những loại thuốc này có tác dụng phụ và đều được khuyến cáo không nên sử dụng lâu dài. Trong một nghiên cứu gần đây của NIDCD, các nhà khoa học đã chứng minh rằng liệu pháp dùng thuốc gần như không có tác dụng trong việc cải thiện tật nói lắp.

Tham gia các nhóm tự giúp

Đã có nhiều trường hợp người nói lắp tự khắc phục được tật của mình nhờ tham gia các đội nhóm nhằm tự chữa cho mình. Các nhóm tự giúp – thường gồm những người đồng cảnh ngộ hoặc có kinh nghiệm về tật nói lắp – thường xuyên có nhiều hoạt động chia sẻ thông tin, kinh nghiệm bổ ích và hỗ trợ, động viên các thành viên vượt qua tật nói lắp của bản thân.

Điều trị tật nói lắp ở trẻ em  

Đối với trẻ em, việc can thiệp điều trị là vô cùng quan trọng, để trẻ không chỉ sớm khắc phục được tật nói lắp, mà còn để các em không phải gặp khó khăn lâu dài với chứng tật đầy bất lợi này khi lớn lên. Có một số những chiến lược điều trị nhất định sẽ giúp trẻ vừa cải thiện được khả năng nói, vừa giúp các em hình thành thái độ tích cực và không e sợ việc giao tiếp nữa. Nhiều chuyên gia khuyến cáo rằng các bậc cha mẹ cần phải lưu tâm ngay khi trẻ có dấu hiệu nói lắp kéo dài từ 3 đến 6 tháng, hoặc có biểu hiện khó khăn khổ sở trong việc giao tiếp, hoặc có người thân trong gia đình cũng có tật nói lắp hay các rối loạn về giao tiếp khác. Một số chuyên gia khác lại cho rằng trẻ nhỏ cần được chẩn đoán tật nói lắp định kỳ 3 tháng/lần, vừa để phát hiện sớm tật nói lắp, vừa để theo dõi xem tật nói lắp có dấu hiệu trầm trọng hơn hay thuyên giảm đi hay không.

Các bậc cha mẹ cần phải đóng vai trò chủ đạo trong việc giúp con mình khắc phục tật nói lắp và rèn luyện kỹ năng giao tiếp lưu loát. Cụ thể, bố mẹ nên:

  • Tạo bầu không khí thoải mái, không làm áp lực hay phán xét để trẻ có thể nói chuyện một cách cởi mở, tự nhiên. Việc này cần phải được xác lập một khoảng thời gian phù hợp trong ngày, tốt nhất là vào thời điểm trẻ cảm thấy háo hức và có nhiều điều muốn chia sẻ với bố mẹ nhất.
  • Không nên có những phản ứng tiêu cực khi trẻ nói lắp. Thay vào đó, bố mẹ nên nhìn nhận tật nói lắp của trẻ một cách công bằng như những khó khăn khác trong cuộc sống mà trẻ sẽ gặp phải trên đường đời. Hãy giúp trẻ sửa chữa sự lắp bắp một cách dịu dàng, đầy thiện chí và khen ngợi mọi nỗ lực nói lưu loát của trẻ.
  • Đừng tạo áp lực hay yêu cầu trẻ phải nói được như thế này thế kia, đặc biệt với những trẻ có tính cách nhạy cảm và dễ lúng túng khi phải đối mặt với áp lực lớn.
  • Trò chuyện với trẻ một cách chậm rãi và từ tốn. Bản thân trẻ có tật nói lắp sẽ cảm thấy tự ti và áp lực hơn nếu bạn nói quá lưu loát hoặc quá nhanh.
  • Lắng nghe trẻ một cách tập trung và kiên nhẫn đợi các em nói hết câu trước khi hồi đáp. Đừng nóng vội hoàn thành câu chuyện thay cho trẻ. Hãy giúp trẻ nhận ra rằng, trong cuộc sống có rất nhiều người vẫn thành đạt và giỏi giang dù họ mắc phải tật nói lắp.
  • Mỗi khi bé hỏi bạn về tật nói lắp của mình, hãy trò chuyện và tham vấn cho trẻ một cách chân thành. Hãy động viên bé rằng tật nói lắp thực ra cũng như bao vấn đế khó khăn trong cuộc sống, rằng nó không phải là một điều gì quá ghê gớm và hoàn toàn có thể vượt qua được nếu trẻ cố gắng.

PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN

(theo Medicinenet)

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.