>> Tự truyện Alex Ferguson (Chương 14): Rút lại quyết định giải nghệ
>> Tự truyện Alex Ferguson (Chương 13): Ronaldo
>> Tự truyện Alex Ferguson (Chương 12): Một đêm ở Moscow
>> Tự truyện Alex Ferguson (Chương 11): Nhà vô địch Man City
Bài viết cung cấp độc quyền bởi
|
Hơn cả một cầu thủ
Bất kỳ bậc làm cha mẹ nào cũng sẽ trải qua cảm giác đó khi cậu con trai 21 tuổi của họ nói rằng nó sẽ chuyển ra ở riêng, sẽ mua một căn nhà mới hoặc sẽ đến một thị trấn khác để làm việc. Chúng sẽ rời bỏ bạn. Tôi cũng phải trải qua điều đó trong bóng đá. Tôi đã trở nên quá gắn bó với những cầu thủ thuộc thế hệ 1992, những người đã ở đây từ năm 13 tuổi. Tôi đã dẫn dắt họ lâu đến mức tôi có cảm giác họ giống như gia đình mình. Tôi cũng thường xuyên trách mắng họ hơn, bởi trong mắt tôi đó là những người thân chứ không đơn giản chỉ là cầu thủ.
Thế hệ vàng 1992 của M.U |
Nếu tôi phải tưởng tượng ra quãng thời gian 20 năm qua mà không có 6 người bọn họ, tôi sẽ cảm thấy rất khó khăn để xác định bộ khung của đội bóng. Họ giúp chúng tôi duy trì được nền tảng và sự ổn định. M.U đã sở hữu nhiều cầu thủ vĩ đại, từ Bryan Robson đến Norman Whiteside, từ Eric Cantona đến Cristiano Ronaldo, trong 26 năm tôi ở đây, nhưng những người thuộc thế hệ 1992 đó mang theo tinh thần của Manchester United. Họ là một minh chứng tuyệt vời cho những thành công mà hệ thống đào tạo trẻ của M.U có thể mang lại, và là hình mẫu lý tưởng cho các cầu thủ trẻ khác trên sân tập Carrington. Sự hiện diện của họ tương đương với một thông điệp rằng: “Điều đó có thể thực hiện được. Eric Cantona tiếp theo sẽ được tạo ra ở đây, trong học viện bóng đá trẻ của M.U”.
Bất chấp những định kiến cho rằng tôi chỉ muốn cấp dưới luôn luôn vâng lời, trên thực tế tôi thích những người có chính kiến. Để thành công bạn cần phải tự tin, phải có bản lĩnh. Nếu những người xung quanh bạn luôn e ngại bày tỏ quan điểm trong cuộc sống, họ cũng sẽ run sợ khi trận đấu bước vào những tình huống khó khăn. Nhưng những cầu thủ của thế hệ 1992 không bao giờ sợ hãi điều gì cả. Họ là những đồng minh tuyệt vời.
Butt và Neville
Nicky Butt là một ví dụ điển hình. Cậu ấy dũng cảm như sư tử, không bao giờ né tránh các thử thách, thân thiện và vô cùng kiên định. Tuy nhiên, giống như Phil Neville, rồi cũng đến lúc Nicky cảm thấy mình không có đủ thời gian thi đấu và cậu ấy muốn ra đi. Chúng tôi để cậu ấy đi với giá rất rẻ, chỉ 2 triệu bảng, nhằm giúp Nicky kiếm được bản hợp đồng tốt nhất có thể. Nicky hay Phil chẳng nợ chúng tôi điều gì, và cho đến tận cuối sự nghiệp cậu ấy vẫn thường nói về Manchester United như là “CLB của tôi”.
Phil Neville (trái) |
Người hay bị tôi mắng mỏ nhất là Ryan Giggs, và khi còn trẻ thì cậu ấy chẳng bao giờ phản ứng lại. Sau này dần dần Giggs cũng học được cách tự bảo vệ bản thân, nhưng vẫn còn kém so với Gary Neville. Gary là một người sinh ra để tranh luận: vào 6 giờ sáng, cậu ấy đã cầm trên tay tờ báo và nhắn tin cho Di Law hay sau này là Karen Shotbolt, chuyên viên phụ trách truyền thông của chúng tôi, để hỏi: “Cô đã đọc tờ Telegraph hay Times chưa?”. Bất kỳ khi nào Gary phát hiện ra một sai lầm hay một điểm chưa hoàn hảo, cậu ấy lập tức tấn công chúng. Bản năng của Gary không phải là thương lượng, không phải là thỏa hiệp mà là bày tỏ quan điểm một cách gay gắt và bùng nổ. Nhưng riêng với tôi thì Gary biết giới hạn của tôi là ở đâu.
Scholes là xuất sắc nhất
Khi mới đến đây, Scholes đá trung phong ở đội trẻ nhưng tôi thấy cậu ấy không có đủ tốc độ và bảo các HLV tuyến dưới xếp Scholesy đá lùi xuống. Nhưng ngay cả khi phải đá tiền vệ trung tâm, Scholes vẫn cho thấy năng khiếu thiên bẩm trong việc tổ chức trận đấu. Cậu ấy sẽ di chuyển tới những vị trí mà đối thủ không thể theo kèm, và chỉ sau một chạm thì Scholes sẽ tạo ra được tư thế lý tưởng để thực hiện đường chuyền tiếp theo. Khi cậu ấy bước qua tuổi 30, tôi bắt đầu mặc định rằng Michael Carrick và Darren Fletcher sẽ là cặp tiền vệ trung tâm chính thức còn Scholes chỉ đóng vai trò dự bị. Tôi đã mắc một sai lầm ở đây, xin thừa nhận. Suốt một thời gian dài, tôi đã sai lầm khi cho rằng Scholes đang tiến đến chặng cuối cùng của sự nghiệp. Trong trận chung kết Champions League 2009 với Barcelona, Anderson đá chính và chỉ thực hiện được tổng cộng 3 đường chuyền trong hiệp 1. Tôi đưa Scholes vào sân ở hiệp 2 và cậu ấy tung ra tới 25 đường chuyền chỉ trong 20 phút cuối. Đôi khi bạn nghĩ mình đã biết tất cả mọi thứ, nhưng thực ra không phải. Bạn quên mất Scholes giỏi như thế nào.
Paul Scholes |
Scholes có lẽ là tiền vệ người Anh xuất sắc nhất kể từ sau Bobby Charlton, còn giỏi hơn cả Paul Gascoigne vì cậu ấy vẫn thi đấu ổn định, thậm chí là tiến bộ hơn, trong những năm ngoài 30 tuổi. Cậu ấy có thể sút bóng trúng đầu bất kỳ đồng đội nào từ khoảng cách gần 40m, và sở hữu tầm nhìn tuyệt vời như thể có mắt sau gáy. Cantona, Veron, Beckham (người không quá giỏi chuyền bóng, nhưng có thể quan sát rất tốt) đều có tầm nhìn tốt, nhưng Scholes là giỏi nhất.
HLV Ryan Giggs
Ryan Giggs có lẽ là người xứng đáng nhất với danh hiệu “thần đồng”. Cậu ấy đá trận ra mắt đội 1 từ năm 16 tuổi và chúng tôi phải đối mặt với một vấn đề ngoài dự kiến: “hiện tượng Giggs”. Một tay đại diện cầu thủ người Italia từng nói với tôi rằng: “Bán Giggs cho tôi và tôi sẽ làm cho tất cả các con ông trở nên giàu có”. Tất nhiên tôi từ chối lời đề nghị đó. Nhưng việc người ta so sánh Giggs với George Best là không thể tránh khỏi. Ai cũng muốn phỏng vấn cậu ta. Chỉ có điều Giggs rất thông minh: cậu ta luôn luôn nói với họ rằng “đi mà xin phép HLV ấy”. Giggs không muốn trả lời phỏng vấn nhưng cũng không muốn bị chỉ trích và cậu ta đẩy trách nhiệm ấy sang tôi.
Ryan Giggs |
Giggs không muốn trở thành người nổi tiếng. Để sống một cuộc sống như vậy, bạn phải có đủ năng lượng để đi vòng quanh thế giới và đưa mặt ra trước camera. Bạn phải tin rằng mình muốn thế. Thỉnh thoảng bạn sẽ thấy các minh tinh màn bạc nói rằng họ sinh ra là để tỏa sáng trên màn ảnh, và David Beckham cũng vậy. Anh ta cảm thấy thoải mái với điều đó và muốn đạt tới đẳng cấp của một siêu sao giải trí. Tôi và những người còn lại trong “thế hệ 1992” thì không. Đó không phải tính cách của họ. Nếu Gary Neville được mời chụp ảnh thời trang, chắc cậu ta sẽ nói rằng “Làm ơn nhanh lên được không?”.
Để kéo dài sự nghiệp, Giggs đã áp dụng một chương trình luyện tập vô cùng nghiêm khắc, và cậu ấy sẵn sàng hy sinh nhiều thứ trong cuộc sống vì nó. Không nhiều người nhận ra rằng ngay cả trong những năm cuối sự nghiệp thì Giggs vẫn duy trì được khả năng thay đổi tốc độ đột ngột, điều thậm chí còn quan trọng hơn so với tốc độ thuần túy. Khả năng giữ thăng bằng của cậu ta cũng không hề bị ảnh hưởng. Tính đến tận cuối năm 2010, bạn có biết Ryan Giggs đã kiếm được bao nhiêu quả penalty trong sự nghiệp? Trả lời: 5. Vì cậu ta luôn trụ vững, có thể loạng choạng đôi chút nhưng không bao giờ ngã xuống. Sau một tình huống bị đối phương phạm lỗi nặng, tôi từng hỏi Giggs vì sao không chịu ngã. Cậu ta nhìn tôi như thể tôi có sừng trên đầu và trả lời một cách thản nhiên: “Vì tôi không muốn ngã”.
Tôi luôn hy vọng những cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo sẽ ở lại đây và đảm nhận các cương vị khác ở Carrington để duy trì sự tiếp nối về triết lý bóng đá, giống như cái cách mà Uli Hoeness và Karl-Heinz Rummenigge đang làm ở Bayern Munich. Ryan chắc chắn có thể trở thành HLV trưởng vì các cầu thủ rất tôn trọng cậu ấy. Sự trầm lặng của Ryan không phải là vấn đề, quan trọng là bạn phải có cá tính mạnh mẽ hơn các cầu thủ. Để quản lý Manchester United với hàng loạt cầu thủ giàu có và nổi tiếng, bạn phải mạnh mẽ hơn họ, kiểm soát họ. Tất nhiên Ryan sẽ phải xây dựng kỹ năng huấn luyện của riêng mình, nhưng tôi cũng đã làm thế từ năm 32 tuổi.
>> Tự truyện Alex Ferguson (Chương 14): Rút lại quyết định giải nghệ
>> Tự truyện Alex Ferguson (Chương 13): Ronaldo
>> Tự truyện Alex Ferguson (Chương 12): Một đêm ở Moscow
>> Tự truyện Alex Ferguson (Chương 11): Nhà vô địch Man City
2013-11-07 21:57:32
Nguồn: http://www.bongda.com.vn/Nhan-vat-Su-kien/303017_Tu_truyen_Alex_Ferguson_Chuong_14_The_he_1992.aspx