+ Bên ngoài: Bị trừng phạt kinh tế, bao vây cấm vận;+ Trong nước: Chính trị xã hội trong nước bất ổn, đảng NLD của Aung San Suu Kyi và các đảng phái đối lập chống đối chính phủ. Các nhóm ly khai có vũ trang không ngừng chống lại chính phủ trung ương.
+ Hòa giải dân tộc: Công nhận quyền hợp pháp của đảng NLD, mời NLD tham gia bầu cử và ứng cử Quốc hội và bầu bà Aung San Suu Kyi làm Chủ tịch Ủy ban Pháp chế của Quốc hội.+ Độc lập tự chủ:. Trung Quốc: Chính sách đối nội, đối ngoại của Myanmar ít bị ảnh hưởng của thứ gọi là “cái bóng lớn Trung Quốc” trong chính sách phát triển hiện tại và tương lai.. Anh Quốc: Trong thời gian dài đô hộ Myanmar, “mẫu quốc” Anh đã đào tạo cho Myanmar nhiều thế hệ nhân tài quản lý đất nước. Anh hiện là nước tích cực ủng hộ chính trị và viện trợ kinh tế cho Myanmar, khôi phục các mối quan hệ các mối quan hệ bị đóng băng trước đó.
LTS: Trong khi các diễn đàn quốc tế đang nóng cùng những biến động bất ổn tại Bắc Phi, vấn đề Sirya, Ai Cập… thì một quốc gia Châu Á khác cũng đang được nhắc đến từng ngày từng giờ theo chiều hướng ngược lại: một ví dụ cho sự thay đổi thể chế chính trị – xã hội diễn ra khá êm thấm, được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế; không chỉ trở thành điểm đến nóng nhất Châu Á hiện nay của các nhà đầu tư kinh tế, các học giả, quan sát viên… quốc tế; mà còn là đối tượng ‘giằng co’ ảnh hưởng của các nước lớn.
Bài 1: Sự kiện 8888 và ‘vết nhọ’ quốc gia
- Myanmar công khai nói về sự kiện 8888, điều này có thể hiện tinh thần mạnh mẽ, thẳng thắn và tự do ngôn luận; chân thành mong muốn thay đổi đất nước của người Myanmar hay đây là động thái dưới sức ép của phương Tây, theo ông?
Trước tiên cần giới thiệu cho các bạn đọc biết rõ về “sự kiện 8888″ (viết tắt ngày 8 tháng 8 năm 1988). Đó là ngày Chính phủ quân sự của Thủ tướng Ne Win huy động quân đội nổ súng đàn áp các cuộc biểu tình của sinh viên, dân chúng Thủ đô Yangon và các thành phố lớn khác ở Myanmar phản đối chính phủ Myanmar tham nhũng, bóp nghẹt dân chủ, bất lực trong quản lý, phát triển kinh tế khiến Liên Hợp Quốc phải xếp Myanmar thuộc nhóm nước kém phát triển nhất thế giới và cho hưởng quy chế “tha nợ”.
Cuộc trấn áp đẫm máu này khiến hàng ngàn sinh viên và người dân vô tội thiệt mạng, cũng là “giọt nước tràn ly” dẫn đến sự ra đời “Liên minh quốc gia đấu tranh vì dân chủ – NLD” (27/8/1988) do bà Aung San Suu Kyi (con gái cựu Thủ tướng Aung San) đứng đầu. Tiếp theo đó là cuộc đảo chính quân sự ngày 18/9/1988 của Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng Saw Maung lật đổ chính phủ của Thủ tướng Ne Win.
Ông Chu Công Phùng. Ảnh: Hoàng Hường |
“Sự kiện 8888″ thực sự là một “vết nhọ” đối với đất nước Myanmar và cũng là nguyên nhân quan trọng khiến Liên hợp quốc, Mỹ, phương Tây thực hiện chính sách bao vây cấm vận, trừng phạt kinh tế đối với Myanamr suốt hơn 20 năm qua.
Các bạn đọc Việt Nam đều đã biết, chính phủ dân sự Myanmar do Tổng thống Thein Sein đứng đầu ngay từ khi thành lập (30/3/2011) đã tiến hành đồng bộ nhiều chính sách đổi mới về đối nội và đối ngoại, trong đó thực hiện dân chủ hóa là một nội dung quan trọng được tất cả dân chúng trong và ngoài nước, các đảng phái đối lập hoan nghênh ủng hộ. Các điều luật cho phép xuất bản báo chí tư nhân, Luật biểu tình tự do trong hòa bình, thả tù chính trị, cho phép người Myanmar bất đồng chính kiến lưu vong trở về xây dựng đất nước… lần lượt được thực hiện.
Vì vậy, việc chính phủ Myanmar vừa công khai hóa “sự kiện 8888″ là nằm trong tiến trình thực hiện dân chủ hóa của họ, không có cơ sở cho rằng đó là “động thái dưới sức ép Phương Tây” như suy nghĩ của một số học giả nước ngoài.
- Với sự hậu thuẫn của Mỹ và EU cho đảng NLD bà Aung San Suu Kyi và tiến trình dân chủ, Myanmar có tránh khỏi sự ảnh hưởng của ‘cái bóng lớn’ Trung Quốc giống như những nước ASEAN khác để phát triển độc lập?
Quốc hội và Chính phủ mới Myanmar hiểu rất rõ, kể từ năm 1988 đến trước cuộc bầu cử Quốc hội tháng 11/2010, đất nước Myanmar đã nếm trải đủ mọi khó khăn gian khổ: bên ngoài bị trừng phạt kinh tế, bao vây cấm vận; chính trị xã hội trong nước không ổn định, đảng NLD của Aung San Suu Kyi và các đảng phái đối lập chống đối chính phủ, các nhóm ly khai có vũ trang không ngừng chống lại chính phủ trung ương.
Vì vậy, chính phủ mới ở Myanmar đã thực hiện hòa giải dân tộc bằng nhiều biện pháp, trong đó có viện công nhận quyền hợp pháp của đảng NLD, mời NLD tham gia bầu cử và ứng cử trong cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung ngày 1/4/2012 và bầu bà Aung San Suu Kyi làm Chủ tịch Ủy ban Pháp chế của Quốc hội. Những động thái trên diễn ra trong không khí dân chủ và độc lập tự chủ được các nhà quan sát quốc tế ghi nhận.
Một động thái đáng chú ý về chính sách độc lập tự chủ của Myanmar là, ngày 30/9/2011, trước yêu cầu của đông đảo dân chúng và nghị sĩ Quốc hội về vấn đề bảo vệ môi trường, Tổng thống Thein Sein đã trình Quốc hội thông qua và tuyên bố ngừng xây dựng Dự án thủy điện khổng lồ Myitnone trên sông Irrawaddy – Bang Kachin trị giá 3,6 tỉ USD do Trung Quốc là chủ đầu tư, bất chấp sức ép của các nhà đầu tư Trung Quốc.
Hành động này được tuyệt đại đa số dân chúng, các đảng phái đối lập, các lực lượng vũ trang ly khai hoan nghênh ủng hộ. Lẽ đương nhiên, Mỹ và các nước Phương Tây nhất là các Tổ chức bảo vệ môi trường thế giới đều hoan nghênh, khích lệ và “ghi điểm” cho Myanmar.
Từ hàng loạt động thái kể trên trong chính sách đối nội, đối ngoại của Myanmar, khó có cơ sở để nói rằng đang tồn tại “cái bóng lớn Trung Quốc” trong chính sách phát triển của Myanmar hiện tại và tương lai.
- Nếu Myanmar ‘thật sự muốn thay đổi’, họ có chấp nhận thay đổi những điều khoản trong Hiến pháp mở đường cho bà Aung San Suu Kyi ứng cử Tổng thống để có được ủng hộ từ phương Tây hơn không?
Trước hết cần nói về bản Hiến pháp năm 2008 của Myanmar.
Theo thông tin của Chính phủ Myanmar ngày 26/5/2008, bản Hiến pháp này đã được trưng cầu dân ý với 27.288.100 cử tri bỏ phiếu thông qua, đạt 92,48% tổng số cử tri toàn Liên bang. (Đảng NLD của bà Aung San Suu Ky đã tẩy chay không tham gia bỏ phiếu thông qua Hiến pháp này).
Trong Hiến pháp 2008 có 2 nội dung khiến NLD phản đối là: (1) Điều khoản quy định công dân Myanmar kết hôn với người nước ngoài sẽ mất quyền ứng cử Quốc hội. (2) Điều quản quy định quân đội được chiếm 25% tổng số ghế đại biểu Quốc hội.
Ai cũng biết rằng, điểm thứ nhất là nhằm vào bà Aung San Suu Ky vì chồng bà là người Anh. Điểm thứ hai là nhằm duy trì quyền lực của quân đội trong Quốc hội.
Tuy nhiên, kể từ tháng 4/2012 sau khi NLD tham gia Quốc hội và hợp tác với chính phủ mới, tình hình đã khác hẳn. Điểm thứ nhất đã hết tác dụng sau khi bà Aung San Suu Kyi ứng cử và trúng cử Quốc hội với số phiếu cao. Hiện chỉ còn tồn tại điểm thứ hai đang gây tranh cãi trong nội bộ Myanmar.
Đối với việc bà Aung San Suu Kyi có ứng cử Tổng thống trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2015 không, Tổng thống Thein Sein đã công khai trả lời dư luận: “điều này hoàn toàn do nhân dân quyết định“.
Đương nhiên, việc sửa đổi Hiến pháp của một quốc gia không phải là việc dễ dàng, phải được đa số nghị sĩ quốc hội tán thành hoặc qua trưng cầu dân ý cả nước. Trên cơ sở hòa hợp dân tộc như hiện nay, tôi tin rằng Chính phủ và Quốc hội Myanmar, các nghị sĩ quốc hội và cử tri Myanmar sẽ có mẫu số chung để tìm ra giải pháp tốt nhất đưa Myanmar tiếp tục ổn định, phát triển trước khi có sự can thiệp từ bên ngoài.
Di sản người Anh và thế mạnh người Miến
- Người Anh đóng vai trò như thế nào trong việc thay đổi ở Myanmar, từ thời Thủ tướng Aung San đến sau này là sự hậu thuẫn cho con gái ông: Aung San Suu Kyi?
Người Anh có nhiều ân oán nhất với Myanmar. Thực dân Anh đã xâm lược và thống trị Myanmar hơn một thế kỷ (1824-1947). Năm 1945, quân đội Anh cùng quân Đồng minh tham gia giải phóng Myanmar khỏi ách thống trị của Phát xít Nhật.
Trong thời gian dài đô hộ Myanmar, “mẫu quốc” Anh đã đào tạo cho Myanmar nhiều thế hệ nhân tài quản lý đất nước, có mối quan hệ hợp tác khá tốt đẹp với Thủ tướng Aung San (cha bà Aung San Suu Kyi) và nhiều lãnh đạo Myanmar; đồng thời “mẫu quốc” Anh cũng để lại nhiều hậu quả phức tạp về mâu thuẫn sắc tộc tại Myanmar sau khi họ trả lại độc lập cho Myanmar năm 1947.
Suốt thời gian dài Myanmar bị bao vây cấm vận, Anh là một trong những nước phương Tây đi đầu trong việc phản đối, trừng phạt Myanmar và ủng hộ đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi. Vì vậy, trong thời kỳ này, quan hệ giữa Anh với Myanmar khá lạnh nhạt. Tuy nhiên các doanh nghiệp tư nhân Anh vẫn duy trì các dự án đầu tư truyền thống tại Myanmar.
Từ khi Myanmar thực hiện chính sách hòa giải dân tộc, dân chủ hóa và cải cách kinh tế đến nay, Anh cũng là nước tích cực ủng hộ chính trị và viện trợ kinh tế cho Myanmar, khôi phục các mối quan hệ các mối quan hệ bị đóng băng trước đó. Năm 2012, Anh xếp thứ 5 trong tổng số 32 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đầu tư trực tiếp vào Myanmar với 51 dự án trị giá 2,7 tỉ USD, chiếm 7,4% tổng số vốn đầu tư nước ngoài tại Myanmar.
Myanmar tiếp thu nhiều ảnh hưởng văn hóa, khoa học kỹ thuật của Anh. Các Luật lệ kinh tế do Anh ban hành ở Myanmar trước đây hiện vẫn được Myanmar sử dụng rộng rãi.
- ‘Nguồn nhân lực không có rào cản ngôn ngữ’ có phải là một thế mạnh được còn lại từ thời thuộc địa Anh, dù cách đây đã hơn nửa thế kỷ? Hợp tác với bà Aung, người có gia đình ở Anh, đón nhận các nhà đầu tư phương Tây, có phải cách Myanmar chọn ‘đi theo’ sự phát triển kiểu dân chủ phương Tây?
Vốn là thuộc địa của Anh và kế thừa nền giáo dục tiên tiến của Anh vì vậy tiếng Anh là ngoại ngữ chính và được sử dụng phổ biến ở Myanmar. Nói cách khác, Myanmar hơn hẳn nhiều nước Đông Nam Á khác về phổ cập tiếng Anh. Lãnh đạo các cấp, tầng lớp trí thức, doanh nhân Myanmar đều sử dụng thành thạo tiếng Anh. Sinh viên tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng ở Myanmar đều có thể độc lập sử dụng tiếng Anh trong công việc. Người nước ngoài đến Myanmar giao tiếp hầu như không gặp phải cản trở về “hàng rào ngôn ngữ”.
Đây chính là một thế mạnh của Myanmar thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đang không ngừng kéo đến Myanmar. Dù là liên doanh hay đầu tư 100% vốn nước ngoài, họ đều gặp thuận lợi về giao tiếp ngôn ngữ tiếng Anh với chính quyền và người lao động.
Không có cơ sở nào để cho rằng, chính phủ Myanmar “hợp tác với bà Aung San Suu Ky, người có gia đình ở Anh, đón nhận các nhà đầu tư phương Tây, là cách Myanmar chọn ‘đi theo’ sự phát triển kiểu dân chủ phương Tây”.
(Còn nữa)
Theo Hoàng Hường
Tuần Việt Nam