Cụ thể, tháng 2/2014, Tổng công ty Viglacera sẽ chào bán lần đầu gần 77 triệu cổ phần, giá khởi điểm dự kiến ở mức 10.300 đồng/ cổ phiếu.
Ông Luyên Công Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Viglacera cho biết ngày 20/2/2014, đơn vị này sẽ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng với mức giá khởi điểm là 10.300 đồng một cổ phần. Khối lượng chào bán ra bên ngoài thông qua đấu giá là xấp xỉ 76,95 triệu cổ phần (tương đương 25,07% vốn điều lệ).
Theo tính toán, nếu nhà đầu tư mua hết số lượng cổ phần IPO lần này với giả sử giá đấu thành công tạm tính ở giá khởi điểm là 10.300 đồng/cp thì tổng giá trị thu được từ đợt chào bán cổ phần này dự kiến là gần 813 tỷ đồng.
Trước đó, theo phương án cổ phần hóa được Thủ tướng phê duyệt hồi đầu tháng 12, Viglacera có vốn điều lệ là 3.070 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu phát hành lần đầu là 307 triệu cổ phần với mệnh giá 10.000 đồng.
Viglacera là Tổng công ty nhà nước hoạt động kinh doanh chủ yếu là sản xuất vật liệu xây dựng, đầu tư kinh doanh bất động sản với các sản phẩm gồm khu công nghiệp, khu đô thị, nhà ở, khu thương mại – văn phòng cho thuê và Nhà ở xã hội. Đóng góp trên 23 triệu USD kim ngạch xuất khẩu/năm của ngành xây dựng.
Theo lộ trình cổ phần hóa, trong giai đoạn 2013-2014, Viglacera sẽ bán 25% cổ phần, Nhà nước giữ 75%. Tổng công ty cũng tái cấu trúc lại và rút vốn khỏi một số đơn vị hoạt động thiếu hiệu quả. Trong đó, Viglacera sẽ thoái toàn bộ tại Công ty cổ phần Giấy Tây Đô (3,77% vốn điều lệ), Công ty cổ phần Thủy tinh Gò Vấp (1,04% vốn), Công ty cổ phần nguyên liệu Miss Ao Dai Building (15% vốn).
Ngoài ra, Viglacera cũng dự định giảm tỷ lệ góp vốn tại Công ty cổ phần Tư vấn Viglacera, Viglacera Việt Trì, Viglacera Thanh Trì… Trong khi đó, tại Công ty Kính Đáp Cầu, Tổng công ty sẽ tăng vốn góp lên 300 tỷ đồng.
Ông Minh cũng cho hay, sau khi cổ phần hóa, Viglacera sẽ phấn đấu đưa lĩnh vực đầu tư khu công nghiệp, kinh doanh bất động sản đạt tỷ lệ 40-45% giá trị toàn tổng công ty, mức tăng trưởng kỳ vọng hàng năm đạt bình quân 10-15%.
Khi một ông lớn tiến hành cổ phần hóa ắt hẳn sẽ có những lí do xác đáng. Tăng trưởng hằng năm sẽ chứng mình cho quyết định này của Viglacera.