ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: phannguyenkhanhdan
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
NỖI SỢ THÂN MẬT – ‘SÁT THỦ THẦM LẶNG’ của CÁC MỐI QUAN HỆ ĐỔ VỠ
Thursday, December 26, 2013 19:03
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


NỖI SỢ THÂN MẬT – “SÁT THỦ THẦM LẶNG” CỦA CÁC MỐI QUAN HỆ ĐỔ VỠ

Sự Thật của nhiều cuộc chia tay oan uổng và tình yêu không được hồi đáp…

(Bài viết đăng trên báo Sức Khỏe & Đời Sống số cuối năm 2013. Do đây là bài viết cho báo, nên mình được yêu cầu phải trình bày theo một khuôn mẫu công thức. Tuy nhiên, lý do mình làm ra bài viết này hoàn toàn bắt nguồn từ cảm xúc thật và kinh nghiệm cá nhân của mình, đặc biệt gửi đến các bạn trẻ đã và đang yêu nhau và gặp trắc trở trong tình yêu. Hy vọng là qua bài viết này, không còn những cuộc chia tay oan uổng và những tình cảm không được hồi đáp; hy vọng tất cả mọi người sẽ luôn sống trong tình yêu thương đong đầy :))

Nỗi Sợ Thân Mật là gì?

Nỗi sợ thân mật được định nghĩa là cảm giác âu lo sợ hãi khi trở nên thân thiết hoặc gắn bó với một người nào đó. Nó cũng bao gồm nỗi sợ những mối quan hệ yêu đương tình cảm. Người mang nỗi sợ này thường không muốn mở lòng với đối phương vì sợ bản thân bị từ chối. Họ né tránh đau khổ và tổn thương bằng mọi giá. Nền tảng của cảm giác âu lo sợ hãi này thường là một trong hai – hoặc cả hai – nỗi sợ lớn hơn đằng sau đó: sợ chia tay hoặc mất đi người mình yêu thương, hoặc sợ bị ràng buộc và mất tự do một khi dấn thân vào mối quan hệ.

Biểu hiện của những người sợ sự thân mật:

  • Luôn có cảm giác mình không đáng được yêu;
  • Né tránh các mối quan hệ thân thiết vì cho rằng sớm muộn gì mình cũng bị từ chối hoặc đổ vỡ;
  • Hủy hoại mối quan hệ một khi bắt đầu có những dấu hiệu gắn bó thân mật. Người sợ thân mật thường kiếm chuyện gây sự hoặc châm ngòi cho các cuộc cãi vã vô cớ mỗi khi bạn có ý định muốn gần gũi họ hơn.
  • Những người sợ thân mật, một mặt họ không muốn mối quan hệ tiến xa hơn, một mặt họ lại sợ mất đi một người yêu thương mình, nên sinh ra biểu hiện tuyệt vọng, nước đôi hoặc níu kéo để duy trì mối quan hệ;
  • Không dám cam kết hoặc dấn thân vào mối quan hệ. Họ cố gắng duy trì mối quan hệ một cách ít tốn công sức nhất có thể;
  • Liên tục thử thách hoặc “kiểm tra” đối phương xem người đó có rời bỏ mình hay không. Kẻ cả khi đối phương hoàn thành xuất sắc các “bài kiểm tra”, họ vẫn sợ bạn sẽ bỏ rơi họ và không ngừng thử thách.
  • Thiếu sự tin tưởng. Thay vì cởi mở và cư xử đúng với bản chất của mình, người sợ thân mật thường chỉ cố gắng thể hiện những gì mà đối phương trông đợi ở họ.
  • Liên tục quan hệ với những đối tượng “không ra gì”. Người sợ thân mật cố tình làm như vậy, vì họ biết chắc rằng những mối quan hệ kiểu đó sẽ không tiến xa. Hành vi này cũng khiến họ thường xuyên có những sự qua lại dễ dãi, thậm chí là tình một đêm.
  • Cũng vì lý do trên, họ dễ đổ vỡ với người họ yêu thương thật lòng;
  • Thường có những hành vi khó gần và xa cách với mọi người xung quanh;
  • Những người mắc phải chứng sợ thân mật có nhiều nguy cơ mắc phải các vấn đề về tình dục. Nỗi sợ sự thân mật lâu dài có thể dẫn đến các rối loạn về cương dương hoặc bất lực ở nam giới. Còn những người phụ nữ bị chứng sợ thân mật thường gặp khó khăn trong việc tận hưởng khoái cảm tình dục hoặc những cảm giác hạnh phúc trong tình yêu.

Nguyên nhân của chứng sợ thân mật? 

Nỗi sợ thân mật ở một người có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân hay hoàn cảnh khác nhau. Một số người bắt đầu hình thành nỗi sợ này từ những đổ vỡ trong các mối quan hệ tình cảm. Với những người từng bị thất tình hay phụ bạc, họ cảm thấy sợ hãi mỗi khi phải mở lòng bắt đầu một mối quan hệ mới vì sợ những chuyện không vui lại tái diễn.

Chứng sợ giao tiếp xã hội cũng là một trong những nguyên nhân gây ra nỗi sợ thân mật. Những người từng có quá khứ bị bạo hành về mặt thể xác, tình cảm hoặc tình dục cũng có nhiều nguy cơ mắc phải nỗi sợ thân mật. Họ sợ phải tin tưởng vào người khác, và sợ bị trói buộc trong các mối quan hệ tình cảm thân thiết đến mức đánh mất bản thân.

Một cách giải thích phổ biến cho nỗi sợ thân mật chính là quá khứ tuổi thơ của mỗi người, là những ý niệm đầu tiên về mối quan hệ giữa người với người mà chúng ta nhìn thấy từ cha mẹ mình. Trong bài báo “Nỗi sợ sự thân mật” đăng trên Psychology Today vào năm 2009, tác giả Frances Cohen Praver – chuyên gia tâm lý và phân tâm học về quan hệ xã hội – đã lý giải cách thức mối quan hệ giữa cha và mẹ tác động đến ý niệm của con cái về sự thân mật như thế nào khi chúng lớn lên. Khi bạn chứng kiến cha mẹ mình thường xuyên cãi vã, ngoại tình, hoặc đâm đơn ly dị, bạn sẽ trở nên lo sợ và mất niềm tin vào các mối quan hệ. Bạn nhìn thấy bố mẹ mình chia rẽ trong đau khổ và oán hận, và bạn quyết tâm sẽ không lặp lại bi kịch đó, bằng cách né tránh càng xa càng tốt những ai có ý định gần gũi hoặc thân mật với bạn.

Khi còn là những đứa trẻ, chúng ta không ngừng học hỏi từ thế giới xung quanh, trong đó có cả quá trình học cách tin tưởng và hình thành mối quan hệ thân thiết với những người mà chúng ta yêu thương. Tiến sĩ Paula Bruce là chuyên gia tâm lý lâm sàng và pháp y. Trong một bài viết của mình với nhan đề “Trò chơi Mèo Vờn Chuột trong Các Mối Quan Hệ”, bà giải thích nỗi sợ thân mật bằng lý thuyết về sự gắn kết: mức độ gắn kết giữa chúng ta với cha mẹ sẽ quyết định mức độ sợ hãi sự thân mật của chính chúng ta khi lớn lên. Một đứa trẻ thích được thường xuyên gần gũi cha mẹ sẽ dễ có biểu hiện buồn bã hoặc trầm cảm khi bị tách khỏi cha mẹ. Tuy nhiên sau đó, kể cả khi cha mẹ có quay trở lại bên trẻ, bé cũng không còn thấy vui và an toàn như trước vì đã mất đi một phần niềm tin vào cha mẹ bởi hành động rời bỏ đó. Trong trường hợp này, một số trẻ tự ti hay cực đoan thậm chí sẽ có biểu hiện khước từ hoặc hung hãn với chính cha mẹ chúng. Thay vì hòa đồng với mọi người xung quanh, những đứa trẻ này có xu hướng gói gọn bản thân mình trong một hay một vài mối quan hệ nhất định – nơi mà chúng tìm thấy cảm giác thân thiết và an toàn tuyệt đối; và điều này có thể kéo dài cho đến khi trưởng thành.

Nỗi sợ thân mật - Phan Nguyễn Khánh Đan

Ngoài ra, nỗi sợ sự thân mật cũng dễ xảy ra ở những người có tuổi thơ ngột ngạt tù túng do được cha mẹ kiểm soát quá kỹ. Nhiều bậc cha mẹ không muốn con cái tách rời khỏi mình, không để cho chúng có cơ hội được hình thành những quan điểm hay suy nghĩ riêng. Những vị phu huynh này thường tưởng là họ đang bao bọc và bảo vệ con, nhưng thực chất kiểu quan hệ này chẳng thể đảm bảo cho con trẻ được phát triển đầy đủ và hình thành kỹ năng sống tự lập. Những cô cậu bé này khi lớn lên sẽ trở nên bạt nhược, không có khả năng tự mình lựa chọn hay dám quyết định bất kỳ điều gì nếu không có cha mẹ bên cạnh. Đến khi trưởng thành và có người yêu, những người này thường có xu hướng dễ bực tức trước bất kỳ hành động nào có tính chất kiểm soát của đối phương. Thậm chí, nỗi sợ sự thân mật, sợ bị kiểm soát hay mất tự do có thể trở thành nỗi ám ảnh thường trực với họ.

Do vậy, nếu bạn đang gặp trục trặc trong chuyện tình cảm do đối phương bỗng dưng không muốn phát triển mối quan hệ xa hơn nữa, nỗi sợ thân mật có thể là một nguyên nhân. Hãy dành hỏi han bạn trai hoặc bạn gái của mình về quá khứ, tuổi thơ của họ hoặc về cha mẹ họ, vì những điều đó có thể gợi ý cho bạn phần nào câu trả lời.

Tác hại của nỗi sợ thân mật trong các mối quan hệ

Nếu người trong cuộc không hành xử khéo léo, nỗi sợ này có thể hủy hoại gần như mọi mối quan hệ. Không ai dám tin tưởng và gần gũi với một người thiếu cởi mở, không trung thực và không nghiêm túc trong các mối quan hệ. Thậm chí, mối quan hệ giữa hai người chưa kịp chớm nở đã phải chết yểu khi người trong cuộc quyết định cắt đứt sớm do nỗi sợ thân mật.

Nhiều trường hợp người mắc chứng sợ thân mật chọn đại cho mình những người bạn trai hoặc bạn gái tốt nhưng không thực sự có tình yêu, cốt chỉ để không bị ràng buộc về mặt tình dục hay tình cảm; họ làm điều đó không xuất phát từ một ý định nghiêm túc hay lâu dài. Một lý do thứ hai cho hành vi này là nếu mối quan hệ có không suôn sẻ đi chăng nữa, họ cũng không phải đau đớn nhiều, vì vốn dĩ hai bên không thực sự yêu nhau ngay từ đầu.

Một dạng khác, một số người chọn cách sa vào một loạt các mối quan hệ dễ dãi hay các cuộc “tình một đêm” không đòi hỏi về mặt tình cảm như một cách để đối phó với nỗi sợ sự thân mật. Với những người này, việc có bạn tình mới không bao giờ là đủ, vì bản thân chúng vốn dĩ đã là những mối quan hệ không trọn vẹn; và thế là họ có xu hướng lặp đi lặp lại hành vi này trong thời gian dài.

Làm thế nào để nhận diện nỗi sợ sự thân mật?

Câu trả lời nằm trong các mối quan hệ trước đây của bạn. Nếu bạn thường xuyên hẹn hò hết người này đến người kia nhưng lại không bao giờ dành thời gian để phát triển một mối quan hệ, đó là một dấu hiệu cho thấy bạn sợ sự thân mật. Nếu những bạn bè hay người thân xung quanh bạn than phiền rằng bạn không cho họ cơ hội để thấu hiểu con người thật của bạn, đó cũng là một cơ sở để khẳng định chứng sợ thân mật.

Về mặt y học, có một số thử nghiệm hoặc bài kiểm tra tâm lý giúp xác định xem bạn có đang mắc phải chứng sợ thân mật hay không, điển hình là hệ thống Thang Đo Mức Độ Sợ Thân Mật (FIS) do hai nhà khoa học Descutner và Thelen phát triển năm 1991. Tuy nhiên, cũng cần nhớ rằng đây chỉ là một bài kiểm tra sơ lược. Nếu bạn muốn hiểu biết chi tiết hơn về nỗi sợ sự thân mật cũng như những biện pháp cụ thể để khắc phục, một bác sĩ tâm lý hoặc chuyên gia về sức khỏe tinh thần sẽ giúp bạn có câu trả lời.

Một số biện pháp giúp khắc phục nỗi sợ thân mật

Đối với các cặp đôi gặp khó khăn trong chuyện tình cảm do nỗi sợ sự thân mật gây ra, cách tốt nhất chính là, hãy mở lòng giao tiếp với nhau và tôn trọng những khác biệt của nhau.

Tiến sĩ Judith Sherven và tiến sĩ Jim Sniechowski là đôi vợ chồng nổi tiếng chuyên viết sách về những mối quan hệ thân mật cũng như nghệ thuật giúp cho các cặp đôi có thể gần gũi và gắn bó với nhau hơn.  Sau đây là một số bí kíp được hai tiến sĩ chia sẻ về việc làm thế nào để loại bỏ nỗi sợ sự thân mật và hàn gắn mối quan hệ:

  • Hãy nhớ, đối phương không phải là bạn: Việc đối phương có những suy nghĩ hoặc quan điểm khác biệt với bạn là chuyện khó tránh khỏi. Điều quan trọng là cách cư xử, thái độ và cảm nhận của họ cũng quan trọng không kém những gì bạn làm cho họ.
  • Quan tâm chân thành: Nếu người yêu của bạn sợ gắn bó, một trong những câu nói ấm áp và gần gũi nhất mà bạn có thể nói với họ là: “Hãy giúp em hiểu anh hơn!” hoặc “Hãy dạy anh cách làm thế nào để khiến em hạnh phúc!” Bạn luôn mong chờ đối phương mở lòng hơn với mình, vậy thì tội gì bạn không chủ động mở lời trước? Đây chính là một cách đơn giản giúp bạn hiểu đối phương hơn và tiến gần hơn đến trái tim của họ.
  • Mở lòng với tình yêu và những lời khen ngợi: Phần lớn những người sợ sự thân mật luôn cảm thấy họ không xứng đáng được yêu, không đáng được tôn trọng, rằng những đau khổ hoặc những câu nói khiến họ tổn thương trong quá khứ vẫn luôn ám ảnh họ. Nếu người yêu của bạn không dám tiến xa mối quan hệ cũng vì nỗi sợ sự thân mật, bạn đừng ngại chứng minh tình cảm chân thành của mình dành cho họ, cho họ thấy họ xứng đáng được như thế.

Còn nếu bạn chính là người sợ gắn bó trong mối quan hệ, đơn giản là hãy mở lòng đón nhận tình cảm của đối phương. Tiến sĩ Sniechowski nói rằng, “Một khi bạn có thể mở lòng trò chuyện và bày tỏ thẳng thắn với người yêu về những nỗi sợ, những sự lo lắng và khó chịu trong lòng mình, đó chính là sự thân mật.”

~PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN

 (tổng hợp từ Internet)

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.