ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Tang tóc ở làng biển Quỳnh Long
Tuesday, December 17, 2013 19:57
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.



Sáng 17.12, trời mưa ảm đạm, người dân xóm Minh Thành (xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đau xót đưa tiễn anh Bùi Văn Hoài (SN 1977) và anh Vũ Văn Biên (SN 1984) về nơi an nghỉ cuối cùng.

Họ là 2 trong 8 ngư dân của tàu cá NA 93240 TS gặp nạn do lốc biển hôm 10.12 (xem NTNN số 301/2013)…

Những chuyến tàu định mệnh

Chị Bùi Thị Mai – người nhà của anh Bùi Văn Hoài đau buồn kể: Anh Biên và anh Hoài đi đánh cá cùng 6 người khác (gồm 5 người cùng xóm và 1 người ở xã Quỳnh Thuận) trên tàu cá NA 93240 TS do Bùi Quang Hiệp (SN?1987, ở xóm Minh Thành) làm thuyền trưởng. Khoảng 4 giờ ngày 10.12 thì tàu mất liên lạc. Gia đình đã báo với cơ quan chức năng để tìm kiếm nạn nhân. Đến sáng 16.12, lực lượng tìm kiếm đã phát hiện được thi thể của 2 anh Hoài và Biên trôi dạt vào bờ biển xã Kỳ Phú, Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Đến chiều 17.12, 6 ngư dân còn lại và con thuyền trên vẫn không có thông tin hay liên lạc nào. Thân nhân của 6 người khóc cạn nước mắt và trông ngóng phép màu nào đó sẽ giúp thân nhân họ trở về. Nhưng theo các ngư dân đi biển thì 6 người đó mất tích đã 8 ngày, sự sống sót là vô cùng hi hữu…
 

Chị Bùi Thị Lý khóc ngất trong đám tang chồng.
Chị Bùi Thị Lý khóc ngất trong đám tang chồng.

Cái chết của anh Hoài, anh Biên (và có thể là cả 6 ngư dân khác đi cùng tàu) không phải là tai ương đến từ biển lần đầu tiên ở Quỳnh Long. Chúng tôi được người dân xã này kể về nhiều chuyến đi định mệnh của ngư phủ vùng duyên hải này. Chiều 9.11.1997, một trận lốc bất ngờ ập đến cuốn đi hàng chục tàu thuyền của ngư dân đang đánh bắt cá ngoài khơi. Trên đất liền ai cũng giật mình kinh hoàng khi nghe tiếng gầm rú man dại của cuồng phong. Từng cột xoáy đen ngòm cuồn cuộn bốc cao cả km ở ngoài khơi.

Cả thôn như chết lặng rồi cùng chạy ra bờ biển. Tiếng vợ khóc gọi chồng, con gọi cha, mẹ gọi con… vỡ hoà trong ánh hoàng hôn. Hàng trăm con người ngồi tựa vào nhau suốt đêm, chong mắt ra biển xa nhưng chỉ thấy sóng ầm ì nghe đến thê lương. Hai ngày sau, hàng chục xác người dạt về các biển Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Cửa Lò. Cả vùng biển Quỳnh Long rợp vành tang trắng.

Ông Nguyễn Hữu – người thoát chết trong trận lốc kinh hoàng ngày đó nhớ lại: “Lúc đó đoàn thuyền đang bủa lưới thì lốc ập đến. Trời tối thui, biển như lật nghiêng, sóng gió gầm rú hất những con thuyền lên không trung rồi xé tan từng mảnh. Tiếng kêu cứu hỗn loạn, nhưng chỉ ít phút đã bị nhấn chìm. Tui may mắn ôm được mảnh ván nên thoát. Đợt đó chết nhiều người lắm, riêng thôn Thành Công chết 7 người, trong đó 5 người không vớt được xác”. Trước đó, năm 1996, lốc làm chết 3 người; trận lốc năm 1983 cướp hơn chục mạng. Ở Minh Thành, nhiều gia đình có 2 – 3 người chết vì lốc và bão biển như gia đình bà Ngạn, bà Lòn, ông Do, chị Tám, chị Lê…

Kế bên xã Quỳnh Long, mới đây thôi, ngày 17.11, 8 ngư dân ở xã An Hòa cũng đã bị chìm tàu và mất tích trên biển, đến nay vẫn chưa tìm thấy…

Ngôi làng có nhiều “vọng phu”

Ở Minh?Thành có nhều phụ nữ mất chồng. Còn nỗi đau, nỗi vất vả nào hơn khi mất đi người đàn ông trụ cột trong gia đình. Với những người đàn bà bất hạnh ấy, cuộc sống còn mặn hơn cả muối. Trong đám tang anh Hoài, nghe tiếng khóc than của chị Lý – vợ anh, không ai cầm được nước mắt. Anh Hoài mồ côi bố sớm, một mình người mẹ tần tảo nuôi anh lớn lên. Gia cảnh nghèo khó nên anh bỏ học theo nghề đi biển mưu sinh. Năm 18 tuổi, anh lấy chị Bùi Thị Lý, họ có được 3 đứa con, đứa con trai đầu mới lên 6, đứa út mới 2 tuổi. Tưởng như anh có công việc ổn định trên con tàu lớn để có tiền trang trải nợ nần và sửa lại ngôi nhà dột nát. Nhưng rồi tai họa ập tới… Anh ra đi, để lại cho chị 3 đứa con còn thơ dại, người mẹ già nua ốm yếu và món nợ lớn mà anh cùng với mọi người vay để mua tàu.
 

Quỳnh Long có 170 tàu thuyền thì hơn một nửa là thuyền nan, thuyền nhựa không đảm bảo. Những thuyền có tải trọng lớn thì tuổi thọ đã 8 – 15 năm, tu sửa đã nhiều lần nên mức độ bền vững chống chọi với sóng to gió lớn không cao. Người dân nơi đây vẫn ý thức được nguy hiểm luôn rình rập nhưng vì mưu sinh và nghèo khó nên những thuyền nan, thuyền nhựa và những con thuyền cũ kỹ vẫn cứ lướt sóng ra khơi, để rồi lại có thêm những đám tang tập thể với nỗi đau khôn cùng.

Kế bên nhà anh Hoài là nhà anh Biên, tiếng gào khóc thê lương vang giữa chiều. Ông Nguyễn Nhất – cậu của anh Biên cho biết: Biên mới cưới vợ và có con được 2 tháng. Từ khi nhận được hung tin chồng tử nạn, chị Bùi Thị Vân đã ngất lên ngất xuống mấy lần, phải cấp cứu ở trạm y tế.

Chúng tôi cũng gặp bà Trần Thị Lòn, nhà ở cuối thôn Thành Công, xã Quỳnh Long. Bà kể, cha của bà cũng bỏ mạng trên biển vì dông tố. Bà nghĩ rằng không bao giờ lấy chồng đi biển nhưng tình yêu và duyên kiếp lại xui bà lấy chàng trai chuyên nghề ra khơi, vô lộng. Lấy nhau rồi nhưng tâm hồn bà không mấy khi được thảnh thơi.

Mỗi lần chồng đi biển là bà thấp thỏm ăn không ngon ngủ không yên, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Và điều lo sợ của bà đã đến. Chồng bà cũng tử nạn trên biển, bỏ lại cho bà đàn con nheo nhóc. Bà phải vật lộn làm đủ thứ nghề để nuôi con. Nhưng tai họa chưa hết, năm 1996, con trai đầu Trần Ngọc Hà mới cưới vợ 6 tháng cũng tử nạn trong một chuyến đi biển.

Cuộc sống nghèo khó, người con dâu phải đi xa kiếm sống, bỏ lại cho bà đứa cháu trai còn đỏ hỏn. Hàng ngày bà phải ra biển cào nghêu, bắt ốc, làm thuê làm mướn để nuôi cháu. Không thể kể hết nỗi bất hạnh và cơ cực của bà khi tai hoạ luôn giáng xuống đời bà như thế.

Trường hợp chị Đào Thị Lý (45 tuổi) nhà ở đầu xóm Thành Công cũng rất cám cảnh: Chồng chị là anh Nguyễn Bá Thận và em anh Thận là Nguyễn Bá Thành cùng tử nạn trên biển năm 1997. Anh Thận mất, để lại cho chị 2 đứa con thơ, chị cũng phải bươn chải làm đủ thứ nghề, làm thuê, cuốc mướn để nuôi con. Chiều chiều người dân nơi đây vẫn thấy chị ra bờ biển nhìn về phía khơi xa như trông đợi một điều gì… Phải chăng chị vẫn hy vọng một ngày kia anh Thận sẽ trở về?

Theo danviet

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.