Những sự kiện nổi bật của ngành ngân hàng, cũng như những chính sách hoạch định trong việc ổn định lại “mạch máu” của nền kinh tế… trong suốt năm 2013.
1. Không hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12%
Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ở mức 12% nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, hỗ trợ thị trường và góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.
Tính đến ngày 12/12/2013, tín dụng toàn hệ thống các TCTD đối với nền kinh tế chỉ tăng 8,83% so với cuối năm 2012. Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng tuy thấp hơn chỉ tiêu định hướng 12% nhưng nhiều khả năng tăng cao hơn mức tăng của năm 2012 và chất lượng tín dụng, hiệu quả tín dụng đối với nền kinh tế cũng được cải thiện rõ rệt.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2014 trên địa bàn TP.HCM, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết tính đến ngày 27/12, tín dụng đã tăng trên 11%.Cũng theo người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, Công ty VAMC đã mua được trên 36.000 tỷ đồng nợ xấu, tương đương hơn 1% tổng dư nợ hồi đầu năm. Nếu lấy quy mô tín dụng trừ đi con số này thì tăng trưởng tín dụng có thể đã trên 12%.
2. Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm 2-5%/năm
Trong năm 2013, NHNN giảm 2%/năm các mức lãi suất điều hành; giảm 3%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên; giảm 1%/năm lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi bằng VND, từ cuối tháng 6 cho phép các TCTD tự ấn định lãi suất tiền gửi VND có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Với các giải pháp trên kết hợp với điều hành linh hoạt cung ứng tiền, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm 2-5%/năm (trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006) nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định thị trường tiền tệ.
sự kiện, năm 2013″ />
3. Tái cấu trúc hệ thống Ngân hàng được đẩy mạnh, nhiều ngân hàng sáp nhập, VAMC được thành lập
Năm 2013 chứng kiến sự tăng tốc của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD đã và đang diễn ra khá mạnh mẽ, chủ yếu thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện. Đến nay, số lượng TCTD giảm đi 6 tổ chức thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể; NHNN đã thu hồi giấy phép 2 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, chuyển đổi hình thức 3 chi nhánh, chuyển đổi Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương thành Ngân hàng Hợp tác xã.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết, tính đến ngày 31/12/2013 đã mua tổng cộng 38.900 tỷ đồng nợ gốc (tương đương 32.400 tỷ đồng giá trị trái phiếu đặc biệt). Số nợ xấu này được mua từ 35 tổ chức tín dụng.
4. Nhiều Ngân hàng xin hoãn áp dụng Thông tư 02 để tránh đổ vỡ hệ thống
Thông tư 02 quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng đối với các tổ chức tín dụng được ban hành đầu năm 2013, thời điểm áp dụng ban đầu là 1/6/2013. Tuy nhiên, do điều kiện sức khỏe của nhiều ngân hàng và doanh nghiệp chưa đủ để “chịu được” sức nặng tác động của những quy định mới, NHNN đã xin ý kiến Chính phủ và hoãn áp dụng trong 1 năm, đến 1/6/2014.
Cuối năm 2013, nhiều lãnh đạo ngân hàng cùng lúc kiến nghị NHNN xem xét tiếp tục hoãn áp dụng Thông tư 02 thêm một thời gian, thậm chí đến 2015 và 2016. Tuy nhiên, đại diện NHNN cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng không thể trì hoãn thêm nữa.
5. Các ngân hàng hoàn thành việc tất toán vàng, NHNN lập lại “trật tự” trên thị trường vàng
Đầu tháng 7/2013, các TCTD đã thực hiện tất toán toàn bộ số dư huy động vốn bằng vàng đến hạn phải chi trả , giảm dần số dư cho vay vốn bằng vàng, qua đó đã loại bỏ toàn bộ rủi ro liên quan đến vàng.
NHNN đã can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua đấu thầu vàng, tổ chức sản xuất vàng miếng SJC nhằm đáp ứng nhu cầu vàng miếng cho thị trường, thiết lập một mạng lưới mua, bán vàng miếng mới, có tổ chức, quản lý chặt chẽ. Vai trò quản lý Nhà nước đối với thị trường vàng đã được nâng cao, từng bước đẩy lùi tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế; tình trạng đầu cơ, nhập lậu vàng đã được kiểm soát; vàng miếng không được sử dụng làm phương tiện thanh toán.
6. Tỷ giá năm 2013 tương đối ổn định, chỉ điều chỉnh tăng 1%
Ngay từ đầu năm, NHNN đã đề ra mục tiêu ổn định tỷ giá với biên độ tăng không quá 2-3% trong năm 2013 nhằm kiểm soát kỳ vọng về sự mất giá của đồng Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2013 NHNN chỉ quyết định nâng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% vào ngày 28/6/2013, đây là lần điều chỉnh đầu tiên kể từ 24/12/2011.
Thị trường ngoại hối về cơ bản ổn định, thanh khoản ngoại tệ của hệ thống cải thiện. Có thời điểm tỷ giá có áp lực tăng nhưng chủ yếu do yếu tố tâm lý, sau khi NHNN thực hiện đồng bộ các biện pháp thì tỷ giá đã ổn định trở lại. Tâm lý găm giữ ngoại tệ được đẩy lùi một bước, hoạt động của thị trường tự do bị thu hẹp, tình trạng đô la hóa giảm, lòng tin vào đồng Việt Nam được nâng cao. Tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán tiếp tục giảm, còn khoảng 12% (cuối năm 2011 là 15,8%, cuối năm 2012 là 12,36%), dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng gấp hơn hai lần so với cuối năm 2011.
7. NHTM dư thừa ngoại tệ, không cho vay được
Cuối 2013, nhiều NHTM đang dư thừa ngoại tệ khi các doanh nghiệp vẫn khá thờ ơ với việc vay vốn ngoại tệ. Tại TP.HCM, cho vay ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn giảm tới 20,57%. Dư nợ tín dụng ngoại tệ giảm nên nhu cầu mua ngoại tệ của doanh nghiệp khi đến hạn thanh toán cũng giảm khoảng 30%. Nhiều chuyên gia cho rằng lãi suất huy động USD có thể tiếp tục giảm về mức 0% từ mức 0,25% hiện tại.
8. NHTM chuyển hướng sang dịch vụ bán lẻ
Các NHTM hiện đã chú trọng hơn tới việc phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ, chú trọng vào những sản phẩm như: Phát hành thêm các loại thẻ, cho vay tiêu dùng, cho vay qua thẻ… Theo NHNN Việt Nam, đã có 33 triệu người Việt Nam sử dụng thương mại điện tử, tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ngày càng giảm, còn khoảng 12%.
9. Nhân sự ngành ngân hàng tiếp tục gặp khó khăn với tỷ lệ tăng lương thấp, nghỉ việc cao.
Năm nay, mức tăng lương của lĩnh vực dịch vụ tài chính nói chung và ngành ngân hàng nói riêng tăng thấp nhất so với các lĩnh vực khác, chỉ ở khoảng 9-10%. Tuy nhiên, tỷ lệ nghỉ việc của ngành này cao nhất vào khoảng 15%. Điều này cũng phần nào thể hiện được những khó khăn mà ngành ngân hàng đang phải đối diện. Thực tế, không chỉ tăng lương chậm, mà từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng buộc phải giảm lương để dự phòng rủi ro, bù đắp chi phí, giải quyết nợ xấu.
Đặc biệt, NHNN còn yêu cầu các TCTD không tăng lương, thưởng, thù lao của cán bộ. NHNN còn yêu cầu không chia cổ tức năm tài chính 2013, trong khi tăng cường việc trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu.
10. Từ 1/3, một các ngân hàng bắt đầu thu phí ATM
Từ 1/3/2013, Thông tư số 35 của Ngân hàng Nhà nước cho phép thu nhiều loại phí như phí rút tiền từ ATM nội mạng, phí vấn tin tài khoản, phí in sao kê, phí chuyển khoản bằng thẻ tại ATM… Nhiều ngân hàng cho rằng việc thu phí là để bù đắp chi phí bỏ ra, nhưng thực tế các ngân hàng đã âm thầm thu nhiều loại phí khác nhau từ trước đó. Mặc dù chịu nhiều ý kiến phản đối từ người dân, nhưng nhiều ngân hàng lớn đã đồng loạt thu phí ngay khi được phép. Một số ngân hàng nhỏ tiếp tục chính sách miễn thu phí cho đến hết năm 2013.
Theo Người đồng hành
2014-01-03 18:08:40
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/nganh-ngan-hang-va-10-su-kien-noi-bat-trong-nam-2013-a120598.html