Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Turku (Phần Lan) đã cho 700 người tình nguyện, cả nam và nữ, xem phim và đọc cho họ nghe những câu chuyện nhằm khơi gợi các cảm xúc nhất định. Những người tình nguyện sau đó được đưa cho các bản phác thảo mô tả chi tiết mọi bộ phận trên cơ thể người, và được yêu cầu đánh dấu các bộ phận họ cảm thấy tăng hoặc giảm hoạt động hơn ở mỗi trạng thái cảm xúc.
Sự tức giận khiến chúng ta cảm thấy cái đầu “nóng” và đôi tay “tăng động”. (Ảnh: Corbis)
Kết quả thu được tương tự nhau ở mọi nền văn hóa. Chẳng hạn như, khi tức giận, chúng ta thường cảm nhận nhiều hơn ở đầu và tay so với thông thường. Theo các chuyên gia, điều này có thể là vì, trong tiềm thức, chúng ta đang chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc đối đầu hoặc xung đột.
Trong khi đó, sự buồn chán lại có tác dụng ngược lại, khiến các tay, chân của chúng cảm thấy yếu ớt hơn. Tuy nhiên, chúng ta lại nhận biết nhiều hơn về hoạt động ở ngực và trái tim.
Sự phiền muộn cũng khiến chúng ta cảm thấy suy yếu, trong khi sự ghê tởm hay chán ghét lại được cảm nhận rõ hơn ở cổ họng và hệ tiêu hóa. Nhóm nghiên cứu còn phát hiện, tình yêu được “cảm” trực tiếp ở … các ngón chân của người, trong khi sự hạnh phúc làm ngập tràn cảm xúc ở mọi ngóc ngách cơ thể.
Viết trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, các nhà nghiên cứu tuyên bố, những cảm giác thể chất như vậy có thể củng cố cách chúng ta trải nghiệm các cảm xúc khác nhau. Theo họ, việc giải mã các cảm giác thể chất chủ quan gắn với cảm xúc của con người có thể giúp chúng ta hiểu hơn về các rối loạn tâm trạng, chẳng hạn như trầm cảm hoặc lo lắng.
2014-01-01 15:08:12