Cũng như năm 2013, thị trường chứng khoán chào đón năm 2014 bằng chuỗi ngày tăng liên tiếp. Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế đã khác, liệu chuỗi ngày tăng của Vn-Index trong thời gian qua có được xem là tín hiệu chắc chắn cho một thị trường “lạc quan” trong năm 2014? Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhanh với ông Trần Thanh Tân – Tổng giám đốc CTCP Quản lý Quỹ Đầu tư Việt Nam – VFM.
Mở đầu năm 2014, Chính phủ đã ban hành nghị định 01/2014 cho phép tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các TCTD, ông có cho rằng đây là yếu tố quan trọng để TTCK tăng trưởng trong những ngày qua và năm 2014 không?
Theo tôi, việc nới room có tác động đáng kể nhưng không phải là yếu tố duy nhất, lớn nhất trong năm 2014. Thị trường chứng khoán tăng trưởng bền vững có rất nhiều yếu tố, đặc biệt các yếu tố này phải được xác nhận, không tồn tại ở dạng tin đồn. Việc mở room chỉ là một yếu tố, bởi có nhiều cổ phiếu dù hở room nhà đầu tư nước ngoài cũng không “vào”.
Vậy theo ông năm 2014, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ lạc quan hơn năm qua không?
Năm 2014, tôi không quan tâm liệu thị trường tăng nhiều hay tăng ít, tôi chỉ quan tâm những gì khó khăn nhất của nền kinh tế đã qua rồi, nền kinh tế Việt Nam đã thoát đáy, những chỉ số vĩ mô xác nhận nền kinh tế thoát đáy đã hiện thực, không còn ở con số dự báo.
Cụ thể, nhìn ra thế giới, ta thấy rằng, Ngân hàng Thế giới – WB mới đây đánh giá rằng, nền kinh tế thế giới đã thoát đáy và bắt đầu tăng trưởng trở lại trong năm 2014. Nợ công châu Âu đang được giải quyết. Khu vực châu Á – khu vực tạo ra động lực, đầu tàu cho nền kinh tế thế giới. Nếu như năm 2013, chúng ta quan ngại về việc hạ cánh mềm của nền kinh tế Trung Quốc, bây giờ ta thấy rằng việc hạ cánh mềm của nền kinh tế Trung Quốc khá ổn định và an toàn.
Trở lại với kinh tế trong nước, năm 2013 chúng ta ghi nhận không phải doanh nghiệp nào cũng tốt nhưng doanh nghiệp nào “tiêu” cũng đã ra đi rồi. Giai đoạn 2012 – 2013 được xem là một phễu lọc rất tốt đối với các doanh nghiệp. Vì vậy doanh nghiệp nào vượt qua được giai đoạn này sẽ tốt hơn, bởi nó xác định thị phần lớn hơn, “sức khỏe” tốt hơn, vững vàng vượt qua khó khăn.
Thêm vào đó, thị trường bất động sản cũng đã qua giai đoạn “đáy” bao gồm cả thị trường Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Nhìn vào thị trường, rõ ràng để giá bất động sản giảm thêm 10 – 20% chắc là không có.
Theo ông động lực chính nào giúp cho thị trường chứng khoán tăng trưởng năm 2014?
Điều đầu tiên, cốt lõi là các thành phần tham gia thị trường – các công ty niêm yết. Các công ty này đã qua phểu lọc, năm 2014 chỉ có thể tốt hơn.
Về lãi suất VND, tôi không chắc, nhưng có thể xuống 1-2% nữa. Khi lãi suất xuống thêm 1-2% nữa, người dân và nhà đầu tư sẽ bắt đầu suy nghĩ, nên gửi tiền tiết kiệm, hay đầu tư vào chứng khoán, hoặc một kênh đầu tư khác? Nhìn vào kênh đầu tư khác ta thấy, vàng không thể đầu tư được, bất động sản sẽ ứ vốn do thanh khoản yếu, đầu tư chứng khoán là khả thi nhất. Tôi nghĩ rằng khi lãi suất giảm người ta sẽ bỏ tiền vào chứng khoán đó là chưa kể chứng khoán còn được kích thích bởi nhà đầu tư nước ngoài tăng đầu tư vào.
Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào TTCK, nó được xác nhận bởi rất nhiều yếu tố: TPP – điển hình cho sự thúc đẩy, FDI, mở room, lãi suất ngân hàng hạ, … những yếu tố căn bản của nền kinh tế vĩ mô đã được xác nhận.
Đối với luồng vốn đầu tư nước ngoài thông qua quỹ đầu tư cũng đã xuất hiện rồi, thể hiện trong thời gian qua nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng. Quỹ đầu tư trong nước sẽ cho ra hàng loạt sản phẩm mới trong năm 2014. Những điều này chắc chắn sẽ tạo động lực thêm nữa cho nguồn cầu trên thị trường giúp thị trường tăng trưởng.
Là người đồng hành hơn 10 năm trên thị trường chứng khoán, năm Giáp Ngọ ông kỳ vọng thị trường sẽ tăng trưởng theo hình gì?
Vĩ mô ổn định – doanh nghiệp phát triển ổn định tác động lên thị trường chứng khoán. Hiện dự trữ ngoại hối tăng, GDP theo kế hoạch giao theo tôi chắc chắn sẽ vượt, lãi suất xuống, NĐT nước ngoài đầu tư vào Việt Nam dưới dạng FDI, FII tăng, người dân sẽ có lại niềm tin. Chúng tôi tin rằng niềm tin đang trở lại. Đây là điều quan trọng đối với TTCK. TTCK tăng ngày một ngày hai không phải là điều các nhà quản lý mong muốn.
Cá nhân tôi, tôi không thích cũng không muốn thấy một thị trường cực kỳ nóng. Một thị trường nên phát triển đều đặn, bền vững, minh bạch là điều quan trọng của năm 2014, không cần phải “nhảy dựng đứng”.
Thị trường nên phát triển, tăng trưởng bền vững, lâu dài hơn là tăng nóng. “Nên để ngựa chạy đường dài hơn ngựa chướng – ngựa nhảy dựng lên là điều không nên cho năm con ngựa này”.
Cám ơn ông!
Theo Trí Thức Trẻ
2014-01-29 19:41:05
Nguồn: http://cafef.vn/thi-truong-chung-khoan/ceo-vfm-nen-de-ngua-chay-duong-dai-201401300138277705ca31.chn