Ngựa thần huyền bí trong văn hóa Á Đông
Thursday, January 30, 2014 20:27
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Ngựa hiện diện từ sớm trong văn hóa Đông-Tây và là một trong những loài vật được con người thuần hóa, sử dụng trong đời sống hàng ngày vào khoảng năm 4000 – 4500 TCN.
Chính vì thế, nó là chủ đề cho các môn nghệ thuật như hội họa, điêu khắc, thơ văn và đặc biệt là một biểu tượng không thể thay thế trong đời sống tâm linh thông qua nhiều câu chuyện thần kì hấp dẫn…
1. Thiên lý mã Chollima của Triều Tiên
Ngựa thần Chollima được ghi nhận trong nhiều văn bản lịch sử ở thế kỷ 3 TCN với biệt hiệu “Thiên lý thần mã” và được cho là linh vật của người dân Triều Tiên.
Với đôi cánh trên vai, Chollima có thể bay hơn 400km chỉ trong một ngày. Lúc bấy giờ, con người vì muốn thuần hóa ngựa thần đã bày ra rất nhiều cạm bẫy độc ác, nhưng Chollima đều dũng cảm vượt qua tất cả và bay lên trời trong sự bất lực của những kẻ tham lam.
Chính vì điều này, biểu tượng ngựa thần Chollima xuất hiện khắp nơi trên đất nước Triều Tiên. Nó tượng trưng cho chủ nghĩa anh hùng, tinh thần chiến đấu bất khuất của người dân nơi đây. Đặc biệt hơn, người dân tại thủ đô Bình Nhưỡng còn làm ra một bức tượng khổng lồ cao hơn 46m về loài ngựa thần đáng khâm phục này.
2. Ngựa thiên Burag ởTây Nam Á
Ngựa Burag là một chiến mã thần thoại, được ghi chép lại như một sinh vật thần kì sống trên trời cao và được người dân thuộc khu vực Tây Nam Á (bộ phận lục địa rộng lớn bao gồm vùng núi Caucasus, bán đảo Ả-rập và các sơn nguyên Tiểu Á, Armenia, Iran) rất sùng bái. Linh vật này là một con ngựa nhưng có cánh có thể bay hàng ngàn dặm một ngày.
Đầu của Burag không phải ngựa mà là một khuôn mặt thanh niên đẹp trai, tuấn tú, đặc biệt đôi tai của Burag rất to, có thể nghe được âm thanh cách đó rất xa.
Câu chuyện nổi tiếng nhất về ngựa Burag là cuộc hành trình với nhà tiên tri Đạo Hồi Muhammad. Khi ấy nhà tiên tri đang nằm nghỉ tại đền thờ Kappa trong thành phố quê nhà Mecca. Thiên thần Gabriel đột ngột xuất hiện và bên cạnh là ngựa thần Burag.
Thiên thần đề nghị Muhammad viếng thăm đền Jerusalem, ông liền đồng ý. Ngay lập tức, thần mã Burag đưa nhà tiên tri tới Jerusalem nơi cách Mecca cả ngàn dặm. Sau đó, thiên mã Burag lại đưa Muhammad lên các tầng trời, gặp các thánh đời trước như tổ Adam, Chúa Jesus, Thánh Moses và Thánh Abraham rồi được vào bái kiến Thiên Chúa.
Sau khi trở về Muhammad kể lại truyện thần kì này cho các giáo đồ. Nhiều người tỏ ý ngờ vực nhà tiên tri, cho rằng làm sao có thể đi được một quãng đường xa như vậy. Nhưng Muhammad bình tĩnh miêu tả đầy đủ một đoàn thương nhân ở Syria mà ông đã thấy khi cưỡi ngựa thần.
Ít lâu sau, một đoàn thương nhân tới thăm Thánh địa Mecca và điều bất ngờ là họ giống hệt những gì Muhammad miêu tả. Từ đây, mỗi năm, người dân Hồi giáo đều nghỉ lễ kỷ niệm chuyến đi lên thượng giới thần kì của Muhammad.
3. Long Mã của người Trung Quốc
Long Mã là linh vật xuất hiện phổ biến trong thần thoại Trung Quốc, thường là điềm báo cho những vị vua, anh hùng đất nước sắp xuất hiện. Long Mã có vẻ ngoài oai hùng, là sự kết hợp đặc biệt giữa rồng, lân và ngựa. Đó là một linh vật có sừng và bờm của rồng; mình, chân, móng của con ngựa; đuôi bò; trán sói; thân có vảy của kỳ lân.
Theo truyền thuyết, Long Mã xuất hiện lần đầu tiên là trên sông Hoàng Hà, dưới thời vua Phục Hy. Ông là một trong ba vị vua huyền thoại của người Trung Quốc, sống vào khoảng năm 2800 TCN.
Khi ấy, con người còn chưa có quy định về đạo đức xã hội. Khi đói, người ta tìm thức ăn, khi thỏa mãn, người ta vứt đồ còn lại. Họ ăn thịt cả lông, uống máu, và che thân bằng da thú, vỏ cây.
Khi ấy, Phục Hy đi đánh cá thì thấy một con vật hình ngựa, mình xanh, vằn đỏ, trên lưng có mang bức thư do trời ban cho vua để trị nước. Phục Hy theo thư của trời mà dạy cho con người đạo đức, nấu ăn, săn bắn, tiết kiệm, sắp đặt ngũ hành và đề ra luật lệ cho con người.
Sau này, ông gọi văn bản trên là Hà Đồ, tiền thân để cho ra đời cuốn sách Kinh Dịch vĩ đại của văn hóa Trung Hoa. Ngoài ra, theo đạo Phật, Long Mã còn cõng trên lưng Luật Tạng, một trong nhiều văn bản quan trọng của nhà Phật. Trong nghệ thuật Trung Hoa cổ điển, Long Mã thường được trang trí phối hợp với mây và sóng nước, hoặc trang trí kết hợp với các linh vật trong tứ linh.
4. Thần ngựa Hayagriva của Tây Tạng
Hayagriva là một vị thần được thờ cúng ở Tây Tạng. Phần đông người Tây Tạng sùng bái vị thần này bởi họ tin rằng, ông luôn dùng tiếng hí vang trời để đe dọa và xua đuổi ma quỷ.
Nhưng khi giáng lâm cứu người, Hayagriva cũng hí vang, báo hiệu cho mọi người biết mình giáng lâm. Đó là lý do vì sao mà ngài thường xuất hiện với hình người đầu ngựa.
Tiếng hí của Hayagriva có khả năng xuyên thủng màn không, đem lại ánh sáng của tự do. Một số tài liệu ghi lại rằng, thần chú của ngài Hayagriva gồm những câu thơ như sau: “Nguyện cầu ngài bảo vệ đàn ngựa. Tăng thêm số lượng ngựa cái. Từ những con ngựa này sẽ sinh thêm nhiều chú ngựa con siêu phàm. Xin ngài hãy dẹp hết những chướng ngại trên đường và hướng cho chúng con đi đúng hướng”.
Vì thế, những người nuôi ngựa ở Tây Tạng luôn thờ phụng Hayagriva với lòng tôn kính bởi họ tin rằng, ngài sẽ “độ” cho ngựa nhà mình sinh sôi nảy nở thật nhanh chóng.
5. Ngựa Kiền Trắc trung thành
Kiền Trắc là một con ngựa màu trắng yêu thích của thái tử Tất Đạt Đa, người sau này trở thành Đức Phật Thích Ca. Và chính con ngựa này đã giúp cho hoàng tử quyết tâm chân tu, dứt duyên với bụi trần.
Tương truyền kể lại rằng, Kiền Trắc được sinh ra trong nhà của Đề-Bà-Đạt-Đa ích kỷ, gian dối và tham lam. Để thể hiện quyền lực của mình, Đề-Bà-Đạt-Đa đánh đập, khổ sai những con vật, cho chúng ăn gạo đục, uống nước bẩn. Các con vật trong hoàng cung vì thế sợ Đề-Bà-Đạt-Đa vô cùng, chỉ cần thấy bóng dáng thì liền cúi đầu, im lặng.
Duy chỉ có chú ngựa Kiền Trắc thì vẫn hí vang, chạy nhảy mỗi khi thấy Đề-Bà-Đạt-Đa. Quá tức giận, ngài ra sức hành hạ chú ngựa tội nghiệp. Đòn roi không làm khuất phục chú ngựa thần, Kiền Trắc còn dữ dằn hơn, giơ chân đe dọa những kẻ dám đánh mình. Đề-Bà-Đạt-Đa cuối cùng phải nhốt chú ngựa tội nghiệp vào hầm không cho ăn uống.
Tình cờ, Thái tử Tất Đạt Đa nghe tin đồn về một chú ngựa bị hành hạ. Quá thương xót, thái tử liền tìm đến cầu xin Đề-Bà-Đạt-Đa giao cho mình chú ngựa này. Kiền Trắc được đưa về phủ của thái tử và nuôi dưỡng trong tình yêu, sự quý trọng. Điều này làm Kiền Trắc cảm động lắm, nên rất nghe lời Tất Đạt Đa và chỉ có thái tử mới có thể sai bảo được nó.
Khi Tất Đạt Đa rời bỏ cung điện để tu hành, ngựa Kiền Trắc cũng quyết theo tới cùng và phụng sự không ngừng nghỉ. Sau cùng khi chết đi, vì nhiều công đức, ngựa Kiền Trắc được tái sinh là một đạo sĩ, được ngộ đạo và nhập niết bàn.
* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Sri Lakshmi Hayagreeva, Wikipedia…
Theo Kênh 14/Pháp luật xã hội
2014-01-30 19:25:05
Nguồn: http://biz.cafef.vn/life-style/ngua-than-huyen-bi-trong-van-hoa-a-dong-2014013110190874013ca50.chn