Văn hóa thần truyền
Vào cuối triều đại nhà Tần, Trung Hoa rơi vào một thời kỳ xuống dốc. Các chư hầu tranh giành quyền bá chủ. Năm 209 trước Công Nguyên, khởi nghĩa nông dân xảy ra khắp đất nước đã khiến Trung Hoa lâm vào cảnh chiến loạn.
Sinh năm 232 trước Công Nguyên, Hạng Vũ thuộc dòng dõi đời đời làm tướng nước Sở. Khi còn trẻ, Hạng Vũ được dạy văn, võ, và binh pháp. Nhưng ông cũng chỉ học để biết qua ý nghĩa, chứ không chịu học đến nơi đến chốn. Hạng Vũ lớn lên mình cao hơn tám thước, có sức mạnh lực bạt thiên cân không ai địch nổi, tài năng, và chí khí hơn người.
Sở Hoài Vương phong cho Hạng Vũ làm thứ tướng. Tuy nhiên, vì sốt ruột giải vây cho Cự Lộc, lại gặp lúc thượng tướng Tống Nghĩa trù trừ không đánh, chế giễu Hạng Vũ hữu dũng vô mưu, Hạng đã lấy thủ cấp của Tống. Sợ uy của Hạng Vũ, không ai còn dám ngăn cản ông. Trận Cự Lộc, Hạng Vũ phá Vương Ly, bại Tần, tạo nên một bước ngoặt lịch sử.
Trong khi đó, Lưu Bang dẫn theo một cánh quân khác tiến vào Quan Trung – Trung tâm quyền lực của nhà Tần. Theo giao ước giữa chư hầu, ai vào Quan Trung trước thì người ấy được làm vua Quan Trung.
Sau trận Cự Lộc, Hạng Vũ tiến vào nước Tần, tới ải Hàm Cốc, nhưng ải đã bị phong tỏa. Lại nghe nói Lưu Bang đã bình định được Quan Trung, Hạng rất tức giận. Sau khi phá ải, tiến vào Quang Trung, Hạng Vũ nhất quyết chiếm lại danh hiệu vua Quang Trung. Ông đem binh về hướng tây làm cỏ thành Hàm Dương, giết vua Tần đã đầu hàng là Tử Anh, đốt cung thất nhà Tần, lửa cháy liền ba tháng không tắt. Quân của Hạng Vũ đã phá hủy hết thảy những nơi quét qua.
Sợ uy của Hạng Vũ, Lưu Bang không tranh giành, nhưng Sở Hoài Vương một mực y theo lời ước cũ.
Mối xung đột giữa Hạng Vũ và Lưu Bang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Oán giận Hoài Vương thiên vị Lưu Bang, dẫn đến việc Hạng vào Quang Trung bị chậm, Hạng Vũ ngoài mặt tôn Hoài vương làm Nghĩa Đế, nhưng lại bí mật sát hại. Tự xưng là Tây Sở Bá vương, Hạng Vũ làm chủ thiên hạ và phân phong cho các chư hầu.
Không lâu sau, cuộc chiến Hán Sở tranh hùng nổ ra, kéo dài 5 năm. Cuối cùng, nghe lời Trương Lương, Lưu Bang bội ước Hồng Câu, bất ngờ vây đánh Hạng Vũ ở Cai Hạ. Không may cho Hạng Vũ, vì cứu Ngu Cơ mà rơi vào trận “Thập diện mai phục”, làm quân lính rã rời. Dù vậy, thế quân Sở còn rất mạnh. Theo kế Hàn Tín, đêm đến quân Hán bốn mặt hát vang những bài ca nước Sở. Tưởng rằng quê hương đã bị đánh chiếm, tinh thần quân Sở sụp đổ. Thua trận, Hạng Vũ tháo chạy tới bờ Ô Giang, nhưng vì nhụt chí không còn mặt mũi về Giang Đông, bèn tự vẫn.
Lưu Bang thắng trận và lập nên vương triều nhà Hán, triều đại hoàng kim đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa. Sau này, “Tứ diện sở ca” đã trở thành một thành ngữ, ám chỉ việc bị cô lập hoàn toàn, bị bủa vây tứ phía.
Ngày nay, Hạng Vũ được nhắc tới là một vị Bá Vương cái thế, nhưng lại hữu dũng vô mưu.
Theo beforeitsnews
2014-01-08 02:39:14
Nguồn: http://tientri.net/van-hoa-than-truyen/tay-so-ba-vuong-hang-vu/