Nhà báo Nguyễn Hoàng, VNEconomy
Tuần này đã xuất hiện thông tin mở room, nhưng mới chỉ dành cho lĩnh vực ngân hàng. Về bản chất, mức room tổng thể không thay đổi, vẫn là 30%, nhưng đã có sự “tái cơ cấu” tỉ lệ sở hữu trong giới hạn đó. Các cổ phiếu ngân hàng phản ứng tích cực chỉ trong một phiên ngày 7/1. Theo anh chị, liệu đó có phải nguyên nhân khiến thị trường sớm thất vọng hay không? Nhìn nhận quy định mới về room ngân hàng có hấp dẫn hay không thì chỉ là cảm tính vì mong muốn của nhà đầu tư thường cao hơn nhiều những quy định của chính sách. Vậy ý nghĩa thực sự của việc “tái cơ cấu tỉ lệ sở hữu” này là gì?
Bà Hồ Huyền (Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán VNDS)
Nhìn ở góc độ ngày thì nhóm ngân hàng gây thất vọng cho nhà đầu tư khi chỉ tăng điểm 1 phiên, nhưng nhìn ở góc độ diễn biến thị trường trong 3 tháng qua thì việc này không lạ, đây vẫn chỉ là sự xoay vòng của dòng tiền và phân hóa ở các nhóm cổ phiếu qua mỗi phiên.
Về bản chất, tỷ lệ sở hữu nước ngoài của nhóm ngân hàng được giữ nguyên sẽ không làm tổng dòng tiền ngoại đầu tư vào ngân hàng thay đổi. Việc chỉ nới room cho nhà đầu tư chiến lược sẽ tạo ra sự hấp dẫn hơn để thu hút những đối tác nước ngoài thực sự muốn đầu tư vào ngân hàng, nắm giữ lâu dài, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng tốt hơn, đồng thời loại bỏ rủi ro đầu cơ.
Bên cạnh đó, nếu trao một lượng cổ phần lớn hơn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, từ phía lãnh đạo ngân hàng và cơ quan quản lý cũng có sự hiểu biết rõ hơn về đối tượng này, sẽ loại trừ bớt những rủi ro khác.
Ông Lê Đức Khánh (Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư tại Công ty Chứng khoán MSBS)
Thị trường hồi phục trở lại theo tôi chỉ một phần nhỏ do tác động từ tin tức nới room. Bản chất của vấn đề, đó là kinh tế vĩ mô đang được cải thiện dần, niềm tin nhà đầu tư được củng cố và chính dòng tiền thông minh đã tìm đến những cổ phiếu cơ bản vững, những cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2013 tốt.
Mọi nhà đầu tư đều nhắc đến thông tin mở room và việc mới chỉ dành cho lĩnh vực ngân hàng tạo kỳ vọng lớn đối với cổ phiếu ngân hàng, tuy nhiên theo tôi đây là suy nghĩ khá hẹp của đa số các nhà đầu tư, bởi cổ phiếu ngân hàng nói chung chưa bao giờ được coi là những cổ phiếu đáng đầu tư, chỉ trừ 1, 2 cổ phiếu đứng đầu ngành.
Lý do cho quan điểm này, thứ nhất, số lượng cổ phiếu ngân hàng trôi nổi trên thị trường quá lớn và việc tăng điểm cần phải có sức mua cổ phiếu rất lớn đến từ các tổ chức tài chính hoặc các quỹ nước ngoài. Thứ hai, đó là đa số nhà đầu tư theo quan điểm đầu cơ cổ phiếu và vì các cổ phiếu ngân hàng không phải là cổ phiếu đầu cơ bởi khả năng dẫn dắt thị trường cũng như khả năng tăng giá nhanh mỗi khi thị trường vào sóng.
Ý nghĩa thực sự của việc tái cơ cấu chỉ nằm ở chỗ minh bạch hóa tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hơn vào thị trường chứng khoán, và nhất là sở hữu nhiều hơn các cổ phiếu tài chính – ngân hàng.
Ông Trần Hữu Phúc (phụ trách Phòng môi giới tại Hội sở chính Công ty Chứng khoán VCBS):
Theo tôi ý nghĩa thực sự của việc ”tái cơ cấu tỷ lệ sở hữu” đặc biệt trong ngành ngân hàng là việc tăng cường vai trò của nhà đầu tư ngoại trong hệ thống tài chính ngân hàng ở Việt Nam.
Điều này một mặt giúp các định chế tài chính lớn trong nước tiếp cận được trình độ năng lực và nguồn vốn ngoại dồi dào của các nhà đầu tư chuyên nghiệp đến từ nước ngoài khi tham gia một phần vào điều hành doanh nghiệp, đồng thời giúp cho các định chế tài chính nhỏ có thể được chuyển giao quyền điều hành (có thể nắm giữ đến 100%) từ nhà quản lý nội địa sang nhà quản lý ngoại chuyên nghiệp hơn. Từ đó, hệ thống tài chính ngân hàng ở Việt Nam sẽ từng bước đươc lành mạnh hóa.
Ông Nguyễn Hữu Việt (Giám đốc nghiên cứu và Phân tích, Công ty Chứng khoán IRS):
Để hiểu thêm ý nghĩa của việc tái cơ cấu tỉ lệ sở hữu này, có thể nhìn lại dự thảo về nới room ngân hàng được đưa ra vào đầu năm 2013. Theo dự thảo này, việc nới room ngân hàng chỉ hướng tới “các tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém”.
Nghị định 01/2014/NĐ-CP về nới room ngân hàng tuy không nhấn mạnh vào ngân hàng yếu kém, nhưng trên thực tế ngoài những ngân hàng yếu kém, hầu hết các ngân hàng đã cạn room ngoại; nên có thể hiểu rằng chúng ta vẫn đang giữ một thái độ thận trọng nhất định (và được xem là cần thiết) với việc sở hữu của khối ngoại trong lĩnh vực ngân hàng-đặc biệt ở các ngân hàng lớn mạnh có sức ảnh hưởng lớn trên hệ thống, đồng thời kỳ vọng việc nới room này sẽ tạo điều kiện cho một số ngân hàng yếu kém hút được vốn ngoại – tìm được các đối tác chiến lược để có thêm nguồn lực đi qua giai đoạn khó khăn. Tôi cho rằng, việc nới room như vậy sẽ khó hấp dẫn khối ngoại.
Về ảnh hưởng của thông tin này tới thị trường chứng khoán, tôi cho rằng có – nhưng chỉ theo hướng là không tạo thêm những cú hích tích cực; chứ những ảnh hưởng tiêu cực thì không đáng kể, khi mà nhóm cổ phiếu ngân hàng không còn là các cổ phiếu vua có sức ảnh hưởng lớn như giai đoạn trước kia nữa.
Ông Phạm Tiến Dũng (Trưởng bộ phân nghiên cứu thị trường của Công ty Chứng khoán BVSC)
Những nội dung trong Nghị định 01/2014/NĐ-CP rất sát với dự thảo của nghị định được công bố từ đầu năm 2013, do vậy tôi cho rằng khó có chuyện nhà đầu tư thất vọng với việc giữ nguyên giới hạn sở hữu của khối ngoại ở mức 30%.
Mặc dù không thay đổi giới hạn sở hữu tối đa cho khối ngoại, nhưng nghị định mới sẽ có tác động tích cực đến quá trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Việc nâng tỷ lệ sở hữu cho cổ đông chiến lược lên 20%, sẽ giúp các ngân hàng trong nước tiếp cận được các nhà đầu tư chiến lược với thương hiệu và tiềm lực tài chính tốt hơn. Những tổ chức trước đây vẫn nhìn nhận tỷ lệ 15% là thấp, chưa đủ hấp dẫn. Bên cạnh đó, đây còn là cơ sở để đẩy nhanh quá trình xử lý, cấu trúc các ngân hàng yếu kém thông qua việc bán tỷ lệ lớn cho nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Nguyễn Hoàng
mso-para-margin:0in; mso-para-margin-bottom:.0001pt;
VnEconomy
2014-01-11 21:08:52