“Gương vỡ lại lành” mang nghĩa ẩn dụ nói về sự đoàn viên của vợ chồng sau khi buộc phải ly tán. Câu thành ngữ này bắt nguồn từ một câu chuyện có thật về một tình yêu chân thành.(Sherry Hsiao/Epoch Times)
Vào thời Nam Bắc Triều (420-581 SCN), triều nhà Trần có một nàng công chúa tên là Lạc Xương nổi tiếng về tài sắc vẹn toàn. Danh tiếng nàng thu hút văn sĩ xa gần, sau này nàng kết duyên với một triều thần tên là Từ Đức Ngôn.
Đôi vợ chồng trẻ yêu nhau thắm thiết, chung sống với nhau rất hạnh phúc. Tuy nhiên không lâu sau, nhà Tùy kéo quân sang xâm lược nước Trần. Đôi vợ chồng phải rời bỏ cung điện chịu sống cảnh lưu vong.
Trước khi rời đi, Đức Ngôn lấy một tấm gương đồng, đập vỡ thành 2 mảnh. Một mảnh ông giữ bên mình, còn mảnh kia ông trao cho nương tử và nói với nàng rằng: Mảnh gương sẽ làm dấu để hai người đoàn viên phòng trường hợp hai người bắt buộc phải phân ly.
Họ cùng hẹn ước nếu phải phân ly thì vào ngày rằm tháng Giêng, họ sẽ tìm kiếm nhau tại một ngôi chợ trong kinh thành, nơi diễn ra lễ hội đèn lồng. Sau khi giao hẹn, mỗi người mang theo một mảnh gương cùng nhau rời khỏi kinh thành.
Triều Trần suy tàn, tình trạng chính trị hỗn loạn khiến cặp vợ chồng trẻ quả thực phải chịu ly tán.
Một năm qua đi, Đức Ngôn mang nửa mảnh gương luôn cất bên mình tìm đến ngôi chợ như đã định, trong lòng mong tưởng có thể gặp lại người vợ thân yêu cũng đang tìm kiếm ở đó, hai mảnh gương vỡ có thể ghép lại thành một. Ông tìm kiếm khắp nơi, nhưng tìm mãi mà không thấy vợ.
Đột nhiên, ông nhìn thấy một người đàn ông đang bán một mảnh gương vỡ. Nhận ra đó chính là kỷ vật của nàng Lạc Xương, ông tìm cách tiếp cận người đàn ông để dò hỏi tung tích về vợ.
Người đàn ông cho hay, ông là nô bộc của công chúa, công chúa đã nhờ ông đem kỷ vật này đến chợ vì nàng đã không thể đến để gặp lại chồng của mình. Buồn thay, sau khi nhà Trần bị lật đổ, Lạc Xương bị bắt làm vợ lẻ cho Dương Tố, một vị Quốc công đầy quyền lực.
Nghe hung tin, nước mắt giàn giụa, Đức Ngôn lấy bút mà đề một bài thơ lên mảnh gương của Lạc Xương, rằng:
“Kính dữ nhân câu khứ,
Kính quy nhân bất quy.
Vô phục thường nga ảnh,
Không lưu minh nguyệt huy.”
Tạm dịch:
“Gương và người cùng đi,
Gương về người không về.
Trăng thiếu bóng Hằng nga,
Ánh sáng kia vô nghĩa.”
Đoạn, ông nhờ lão nô bộc chuyển mảnh gương đã viết kèm bài thơ lại cho công chúa.
Lạc Xương đọc bài thơ trên một nửa gương, nàng khóc than trong nhiều ngày liền, đau xót vì đã phụ chồng.
Chứng kiến tình yêu chân thành của hai người, Quốc công vô cùng cảm thông. Ông nhận ra rằng ông sẽ không bao giờ có được tình yêu đó ở nàng. Vì vậy ông đã gửi thư cho Đức Ngôn, đề nghị ông đến rước nàng về. Nhờ đó công chúa và chồng có thể đoàn viên.
Câu chuyện trên được tìm thấy trong cuốn Bản Sự Thi (本事詩) (1), cuốn sách tập hợp các truyện ngắn được biên soạn bởi Mạnh Khải (孟棨) (2) trong triều đại nhà Đường (618-907 SCN).
Câu chuyện chính là nguồn gốc của câu thành ngữ: “Gương vỡ lại lành.” Nghĩa ẩn dụ của câu thành ngữ là sự tái hợp của vợ chồng sau khi phải ly tán. Thành ngữ sau được dùng để chỉ sự tái hợp, hoà giải của những cặp đôi phải chịu cảnh chia ly hay tan vỡ.
Chú thích:
1. “Bản sự thi” (本事 诗), bao gồm nhiều câu chuyện lãng mạn được viết dưới dạng văn xuôi, gồm 7 đề mục: Tình cảm, Sự cảm, Ẩn dật, Uất hận, Dị thường, Thiên tai, Khôi Hài.
2. Mạnh Khải (孟棨) tự Sơ Trung, đậu tiến sĩ năm Càn Phù thứ 2 (875) đời Đường Hy Tông.
Theo The Epoch Times