Malala, cô bé Pakistan 15 tuổi được đề cử giải Nobel Hòa Bình
Friday, February 7, 2014 11:35
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Mấy hôm trước tôi phải ngồi soạn đề thi cho SV, đọc bản gợi ý của đồng nghiệp thấy có một case study về Malala, cô bé Pakistan 15 tuổi – nhà hoạt động chính trị bảo vệ quyền được đi học bị tổ chức Hồi giáo cực đoan Taliban ám sát hụt và bị thương nặng ở đầu. Malala đã nổi tiếng càng trở nên nổi tiếng với đề cử giải Nobel Hòa Bình. Từ cõi chết trở về, cô gái nhỏ đầu trùm chiếc khăn tôn giáo màu đen xuất hiện trước toàn thế giới, tiếng Anh không tỳ vết nói đĩnh đạc như một chính trị gia: “Với một cuốn sách và một cây viết, một bé gái sẽ làm đổi thay thế giới”.
Hệt như bao tỷ tỷ người khác, tôi tan chảy vì Malala bao nhiêu thì căm ghét bè lũ Taliban bấy nhiêu. Sự yêu ghét rõ ràng ấy chỉ bị đập tan tác cho đến khi chính bản thân mình đặt chân đến Pakistan và suốt mấy tuần qua đã kịp ngấm đến tận óc một bức tranh chính trị và tôn giáo vô cùng phức tạp của đất nước này.
Gia đình cưu mang tôi ở Islamabad là một tổ ấm 5 người với ông bố giảng dạy tại trường ĐH. Tối hôm ấy từ trong phòng mình, tôi nghe thấy cô con gái 20 tuổi vừa đi học về khóc nức nở. Cậu em trai đi đón chị từ bến xe trên đường về bị một nhóm cướp chặn đường dí súng vào đầu để trấn lột. Gia đình đã báo cảnh sát nhưng tất cả khẳng định rằng cảnh sát biết rất rõ tụi cướp là ai nhưng sẵn sàng làm ngơ. Bên bàn ăn, đôi mắt cậu bé mới 17 tuổi rực lên sự uất ức, căm phẫn và bất lực. Người bố thở dài: “Chính quyền tham nhũng, thối nát. Nếu phải chọn giữa Taliban và cái chính quyền tồi tệ này, tôi chọn Taliban. Ít nhất với Taliban, chúng tôi có thể đòi lại sự công bằng”.
Trong cuộc chiến chống Liên Xô tại Afghanistan, rất nhiều tổ chức chính trị và vũ trang của cả Afghan và láng giềng Pakistan được Mỹ hỗ trợ để chống lại kẻ thù chung. Khi Liên Xô và chính quyền bù nhìn thua trận và Mỹ buông tay, các nhóm quyền lực này tranh giành đẩy Afghan rơi vào cơn loạn lạc. Một trong những nhóm quyền lực này hình thành Taliban (Sinh Viên), bao gồm 50 SV người Afghan đang tị nạn tại Pakistan với tham vọng thiết lập lại trật tự dựa trên sự nghiêm khắc của tôn giáo. Hành động đầu tiên của họ là giải cứu 2 bé gái bị quan chức địa phương gọt đầu hãm hiếp và một bé trai bị đe dọa cưỡng bức. Taliban bắt kẻ có tội đền tội theo luật Hồi giáo và nhận được sự ủng hộ của nhiều dân thường.
Về sau khi đã lan rộng và được nhận dạng là một tổ chức Hồi giáo cực đoan, sự tàn khốc của chính quyền ngắn ngủi lãnh đạo bởi Taliban khiến cả thế giới rùng mình. Cách nhìn Hồi giáo của Taliban hạn hẹp, thiển cận và bạo lực đến mức đàn ông buộc phải để râu, phụ nữ ra đường buộc phải trùm khăn kín người và có đàn ông trong nhà đi theo (một cô gái bị bắt quả tang đi cùng đàn ông không phải người nhà bị đánh 100 roi), phụ nữ chỉ có quyền được làm việc trong bệnh viện, điều này khiến hàng trăm trường học phải đóng cửa, các cuộc tàn sát diễn, các lệnh cấm ngặt nghèo như không được nghe nhạc, không được vỗ tay trong các trận đấu thể thao trở thành cuộc sống thường nhật.
Tuy nhiên, sau khi bị lật đổ, Taliban đã dần dần thay đổi phương pháp, bất chấp mọi cố gắng của quân đội chính phủ và can thiệp phương Tây, Taliban đang trở thành một lực lượng chính trị không thể bị tiêu diệt mà buộc phải coi như một đối tác trên bàn đàm phán. Tại sao? Vì những câu chuyện như đã xảy ra với gia đình cưu mang tôi ở Pakistan: Khi tội ác đã rõ rành rành và quan chức địa phương đứng khoanh tay, Taliban dường như là kẻ cuối cùng có thể đòi lại chân lý, mặc dù việc chọn Taliban đồng nghĩa với lựa chọn một nhà tù. Cuối cùng, trong cơn uất ức, tức nước không vỡ được bờ, khát khao trả thù đã mạnh hơn sự đe dọa mất tự do.
Thêm một lần nữa tôi ngấm bài học: “Trên đời không có kẻ xấu và người tốt, chỉ có kẻ tốt nhiều và tốt ít hơn, hay kẻ xấu nhiều và xấu ít hơn”. Giữa hai kẻ xấu, gia đình Pakistan của tôi đang buộc phải chọn kẻ xấu ít hơn. Với cách nhìn này, thế giới không có trắng đen, nhất là khi một giáo sư Đại Học buộc phải cầu mong công lý từ một tổ chức tội ác như Taliban.
Ảnh: Một cô bé Afghanistan trong trại tị nạn tại Islamabad (Pakistan). Cũng trong một trại tị nạn khắc nghiệt như thế này ở biên giới Pakistan, Taliban đã thành hình.
Nguồn Phương Mai Nguyễn
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us