Trung Quốc đang phát triển tên lửa đạn đạo DF-26 có khả năng mang đầu đạn siêu thanh dùng để diệt tàu sân bay.
Hôm 9/1, Trung Quốc đã thử nghiệm phương tiện bay siêu thanh WU-14. Hải quân Mỹ cho rằng đó là sự chuẩn bị của Trung Quốc cho cuộc chiến tranh tương lai.
WU-14 đã tách khỏi một tên lửa đường đạn xuyên lục địa được phóng lên từ Trung Quốc và ở độ cao vũ trụ gần thì bắt đầu rơi xuống và ở tốc độ rất cao (hơn 10M) đã thực hành cơ động trên đường bay tới mục tiêu.
Nếu làm chủ được công nghệ này, Trung Quốc sẽ có loại vũ khí có thể chọc thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có và tăng tầm bắn cho các tên lửa đạn đạo.
Phương tiện bay siêu thanh có thể sẽ thúc đẩy các nghiên cứu tên lửa chống hạm của Trung Quốc. Theo chuyên gia Mỹ về quân đội Trung Quốc Richard Fisher, đó là tên lửa DF-26 mà có lẽ sẽ được trang bị đầu đạn siêu thanh và sẽ có tầm bắn xa hơn, lên đến 3.000 km so với 2.000 km của DF-21. Nếu Trung Quốc trang bị đầu đạn đó cho tên lửa xuyên lục địa DF-31 thì tầm bắn của tên lửa sẽ tăng từ 8.000 lên đến 12.000 km.
Tên lửa DF-26 của Trung Quốc.
Mỹ cần phải phát triển vũ khí năng lượng định hướng để đối phó với các tên lửa đó, bởi vì các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có không thể chặn đánh các tên lửa có tốc độ trên 5M.
Tờ Freebacon.com ngày 28/1 cho biết, Lầu Năm Góc đang rất lo ngại trước tốc độ phát triển nhanh chóng của vũ khí siêu thanh ở Trung Quốc. Vụ thử nghiệm phương tiện tiến công “siêu nhanh” mới của Trung Quốc đã khiến Lầu Năm Góc ngày càng lo ngại rằng, Trung Quốc trong 5 năm tới có thể đuổi kịp Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao quân sự này.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ về mua sắm, công nghệ và hậu cần Frank Kendall nói rằng, trong bối cảnh những thành công của Trung Quốc, ông lo ngại sự cắt giảm quy mô lớn ngân sách quốc phòng vì chúng phá vỡ những nỗ lực duy trì ưu thế quân sự của Mỹ.
Lầu Năm Góc đang đầu tư nguồn lực để chế tạo 2 loại vũ khí siêu thanh trên tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Các phương tiện này có thể cơ động ở tốc độ đến 10М (7.680 dặm/h).
Ông Frank Kendall bày tỏ lo ngại rằng, hoạt động của Trung Quốc trong lĩnh vực này trong tương lai có thể vượt trước sự phát triển công nghệ của Mỹ.
Ngày 9/1, Trung Quốc đã thử nghiệm phương tiện bay siêu vượt âm mà Lầu Năm góc đặt tên là WU-14. Vũ khí này có thể dùng để đột phá hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân hay thông thường chính xác cao, kể cả vào các tàu sân bay trên đại dương.
Vụ thử thành công của Trung Quốc đã cho thấy, Bắc Kinh đang tiến nhanh hơn nhiều so với dự đoán trước đây. Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear nói rằng, việc Trung Quốc thử vũ khí siêu vượt âm đã cho thấy khả năng tiến bộ nhanh của họ và điều đó gây phức tạp tình hình an ninh.
Giám đốc Các kế hoạch chiến lược và chính sách của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, phó đô đốc Frank Pandolfe nói, ông sẽ đưa ra ý kiến của mình về vũ khí siêu thanh Trung Quốc trong phòng “đóng kín cửa”.
Theo ông Kendall, Trung Quốc đang tập trung vào lĩnh vực chế tạo các hệ thống quan sát vũ trụ, chiến tranh mạng, tên lửa đường đạn và hành trình thông thường chính xác cao có khả năng tiêu diệt cả các mục tiêu tĩnh lẫn các mục tiêu động trên biển như tàu sân bay, tên lửa không đối không, tiêm kích thế hệ 5, các hệ thống tác chiến điện tử hiện đại. Trong vài năm tới, Trung Quốc sẽ nhận vào trang bị tiêm kích thế hệ 5 J-20, cũng như xuất khẩu máy bay quân sự.
Những năm gần đây, Obama đã cắt giảm hơn 500 tỷ USD chi phí quân sự, phá vỡ những nỗ lực chế tạo các loại vũ khí công nghệ cao của Mỹ. Năm ngoái, việc phát triển vũ khí siêu thanh trong khuôn khổ chế tạo các hệ thống tấn công nhanh toàn cầu được Lầu Năm Góc chi gần 65 triệu USD, thêm 46 triệu được chi cho các nghiên cứu về siêu thanh đang do Cục Các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến DARPA tiến hành.
Sau 2 chuyến bay, việc tiếp tục thử nghiệm mẫu trình diễn phương tiện siêu vượt âm HTV-2 của Lockheed Martin đã bị đình hoãn. HTV-2 dùng để bay với tốc độ 20М, hay 15.224 dặm/h. Công ty Boeing đang phát triển phương tiện bay liệng với động cơ phản lực-không khí siêu thanh Х-51 Waverider, quân đội Mỹ cũng đang nghiên cứu các tên lửa siêu thanh có thể dùng cho hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Ông Kendall nói rằng, đây là “thời điểm rất thuận tiện” để nói về tương lai của các loại vũ khí Mỹ. Quan hệ với Trung Quốc là “bất định” nên Mỹ cần sẵn sàng đáp trả những thách thức và có các loại vũ khí và công nghệ tương lai mà Mỹ cần chi nhiều tiền hơn so với đang làm hiện nay để phát triển.
Nam Xương
2014-02-07 00:08:34
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/my-lo-tq-se-trang-bi-dau-dan-sieu-thanh-cho-df-26-a123916.html