Thời gian gần đây Trung Quốc đã mở một chiến dịch phô trương nhằm càn quét tệ nạn mại dâm, với những bài xã luận lớn tiếng trên phương tiện truyền thông quốc gia và dồn ép hàng trăm cô gái bán hoa bẽ mặt trước ống kính máy quay. Theo rò rỉ trực tuyến về các chỉ đạo tuyên truyền gần đây thì không hề có cơ quan truyền thông nào tại Trung Quốc được phép nghi vấn về chiến dịch.
Mục đích của cuộc thanh trừng sấm giật này là để thể hiện rằng các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nghiêm túc với việc bài trừ nạn tham nhũng – và mại dâm là một ổ tham nhũng lớn.
Tuy nhiên, các nhà phân tích đồng thời cũng đang thắc mắc về việc liệu cuộc thanh trừng này có thực sự nghiêm chỉnh hay không. Trong vài thập kỷ qua, mại dâm đã bành trướng đến nỗi việc nhổ bỏ tệ nạn này đến tận gốc rễ đơn giản là phi thực tế. Bây giờ nó đã trở thành một nền công nghiệp trụ cột của quốc gia.
Hướng mục tiêu vào Đông Quản
Thành phố sản xuất Đông Quản, ở phía nam Trung Quốc, là mục tiêu bắt bớ và tuyên truyền đầu tiên. Truyền thông quốc gia chúc tụng nỗ lực của lực lượng cảnh sát, đã bắt giữ khoảng 1 000 cô gái bán hoa và khách hàng tại gần 200 địa điểm.
Đây chỉ là một phần nhỏ trong nền công nghiệp tình dục tại Đông Quản, tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với Đông Phương Tảo Báo (Oriental Morning Post), một tờ báo tại Thượng Hải, một nguồn tin vốn rất quen thuộc với nền công nghiệp này đã cho biết: công nghiệp tình dục tại đây có doanh thu 50 tỉ NDT (8.2 tỉ USD) hồi năm ngoái, khoảng 1/7 GDP toàn thành phố.
Báo cáo này cho biết sự tăng trưởng kinh tế của Đông Quản đã vượt mức trung bình quốc gia từ thập kỷ 1990, khi mà nền công nghiệp tình dục bắt đầu thành hình. Tuy nhiên Đông Quản cũng là một thành phố trung tâm sản xuất và lắp ráp.
Nguồn tin đã tiết lộ cho Đông Phương Tảo Báo rằng có 250 000 cô gái bán hoa tại Đông Quản, tràn ngập trong các địa điểm kinh doanh như tắm hơi, câu lạc bộ thư giãn, tiệm cắt tóc, các cửa hiệu massage, và trong các khách sạn. Hàng trăm nghìn cô gái khác hoạt động trong các ngành công nghiệp liên quan, như trang sức, mỹ phẩm và vận tải.
Mại dâm quốc gia
Đông Quản có lẽ là một ví dụ đặc biệt về những gì đang diễn ra trên khắp Trung Quốc.
Mặc dù công nghiệp tình dục không được đề cập đến trong những báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia, một số nhà nghiên cứu cả trong và ngoài Trung Quốc đều có nhìn nhận về vấn đề này.
Wu Hai, CEO một khách sạn tại Trung Quốc, đã công bố báo cáo “Phân Tích Nền Công Nghiệp Tình Dục tại Trung Quốc và sự Ảnh Hưởng đối với Quản Lý Khách Sạn” vào năm 2012, tiết lộ một số số liệu gây giật mình.
Báo cáo cho biết tổng giá trị của mại dâm hàng năm là khoảng 500 tỉ NDT (82 tỉ USD), và có khoảng 5 triệu công nhân tình dục. Cũng theo báo cáo này thì giá cả mua dâm dao động tùy theo mỗi nơi, nhưng trên mặt bằng chung toàn quốc thì khoảng 200 NDT (33 USD) cho mỗi lần mua dâm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết theo ước tính thì Trung Quốc có từ 4 đến 6 triệu công nhân tình dục vào năm 2008. Nền công nghiệp này đã bùng phát nhanh chóng từ những năm 1990.
‘Không được phép sụp đổ’
He Qinglian, một chuyên gia kinh tế Trung Quốc hiện đang sinh sống tại Mỹ, cho biết: nền công nghiệp tình dục có đóng góp khổng lồ đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Trên thực tế, nó “không được phép sụp đổ,” bà viết trong một phân tích gần đây cho dịch vụ Tiếng nói Hoa Kỳ cho người nói tiếng Trung Quốc (Voice of America’s Mandarin).
“Nếu kinh tế Trung Quốc không thể tạo ra việc làm mới cho những người thường dân này, thì một nền công nghiệp có liên quan đến sự nghiệp của từ 5-7 triệu người, và cuộc sống của 20-30 triệu người (bao gồm những thành viên trong gia đình mà các công nhân tình dục cần phải chu cấp) sẽ bền bỉ tái phát, ngay cả khi một số lãnh đạo muốn thanh trừng nó.”
Các nhà hoạt động chính trị tại Trung Quốc đã kêu gọi hợp pháp hóa nền công nghiệp tình dục, dựa vào tình hình cuộc thanh trừng gần đây cũng như thực tế về sự ăn sâu bám rễ của tệ nạn mại dâm.
He Qinglian cho biết việc hợp pháp hóa sẽ làm giảm nguy cơ về thế giới ngầm trong các công nhân tình dục, khuyến khích họ thực hiện kiểm tra định kỳ, và có thể giảm những trường hợp quan hệ tình dục theo bầy đàn mà cho đến nay vẫn thường được các quan chức tham ô của Trung Quốc báo cáo là đang được quản lý chặt chẽ.
‘Khu vực tranh tối tranh xám’
Quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa nhanh chóng tại Trung Quốc sau Đại Cách mạng Văn hóa là mầm mống phát sinh nền công nghiệp tình dục này, theo như Pan Suiming, hiệu trưởng và giáo sư Sở Nghiên cứu Giới tính thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc.
Những cuộc cải cách trong thập niên 1970 đã khiến một số lượng lớn những người Trung Quốc bước chân vào hoạt động buôn bán tình dục, sau khi bị mất ruộng đất nơi làng quê. Dòng người bán thân xác này đáp ứng nhu cầu từ một lượng lớn những người giàu lên nhanh chóng, theo như những gì Pan viết trong cuốn sách “Lịch Sử và Nền Công Nghiệp Tình Dục.”
Quan liêu cũng là một tác nhân chính góp phần vào sự bành trướng của nạn mại dâm tại Trung Quốc. Các quan chức Đảng Cộng sản ‘ăn vụng’ bằng của cải công cộng, và hối lộ bằng tình dục luôn là một phương thức giao dịch thường xuyên giữa các quan chức tại Trung Quốc.
Luật pháp Trung Quốc có ghi rằng mại dâm là bất hợp pháp, nhưng hiện nay nó tràn lan đến mức luật pháp hầu như trở nên vô nghĩa – trừ khi chính quyền thực sự muốn thực hiện một cuộc cải cách chính trị.
Zhang Tianliang, một nhà phân tích chính trị Trung Quốc độc lập, đã nói trong một cuộc phỏng vấn rằng “Nền công nghiệp tình dục tại Trung Quốc đã trở thành một khu vực tranh tối tranh sáng giữa luật pháp và thực tế.”
“Một mặt Đảng Cộng sản muốn tẩy sạch nó bằng việc không hợp pháp hóa công nghiệp tình dục. Mặt khác, tất cả các cấp bậc trong nội bộ Đảng đều dính líu đến những nơi ấy, khiến việc cấm đoán trở nên rất khó khăn.”
Sự bao che của các quan chức và cảnh sát là một lý do nữa khiến cho những cuộc thanh trừng luôn kết thúc sớm.
“Thanh trừng nạn mại dâm luôn trừng phạt những cô gái bán hoa, những người không hề có những quan hệ chính trị cũng như quyền lực,” Zhang nói. “Phần lớn tiền phạt trong những cuộc thanh trừng sẽ rơi vào túi của những ai đó. Và ở một số nơi thì buôn bán tình dục được kiểm soát bởi những người có móc ngoặc chính trị.”
[*] ‘Too big to fail’ (tạm dịch là ‘không được phép sụp đổ’): một công việc kinh doanh trở nên quá lớn và gắn sâu vào nền kinh tế, và sự thất bại của nó sẽ tạo nên thảm họa cho nền kinh tế, vì thế việc kinh doanh này phải được chính phủ hỗ trợ khi nó phải đương đầu với khó khăn.
http://vietdaikynguyen.com/v3/china/chinese-society/nen-cong-nghiep-tinh-duc-trung-quoc-khong-duoc-phep-sup-do/