Tuần tra bán quân sự Trung Hoa ở ga xe lửa chính ở Côn Minh, Tỉnh Vân Nam, vào ngày 3 tháng Ba năm 2014, sau vụ tấn công bằng dao làm 29 người tử nạn. (Mark Ralston/AFP/Getty Images)
Không lâu sau vụ một nhóm 8 người nam và nữ phục trang toàn màu đen, trang bị dao dài, giết chết ít nhất 29 người và 143 người khác bị thương ở ga xe lửa nam Trung Quốc, bộ phận kiểm duyệt thông tin ở Trung Quốc ngay lập tức chịu trách nhiệm bưng bít thông tin về vụ việc.
Các bài báo lẫn chùm ảnh đẫm máu lan tràn sau vụ thảm sát ngày 1 tháng Ba, nhưng dư luận ồn ào ngay lập tức bị dập tắt – không phải là công chúng không quan tâm, mà là mệnh lệnh từ Cục Tuyên Truyền Trung Ương của Đảng Cộng Sản.
Theo lệnh này, căn cứ trên tờ China Digital Times, “Cơ quan truyền thông đưa tin về vụ tấn công bằng dao xảy ra hôm mùng 1 tháng Ba ở Ga Xe Lửa Côn Minh phải nghiêm chỉnh tuân theo ấn bản đưa tin của tờ Tân Hoa Xã hay thông tin cung cấp từ phía chính quyền địa phương. Không được giật tít chữ lớn, cũng không được công bố những hình ảnh chém giết đẫm máu.”
Bản tin chính thức từ Tân Hoa Xã hôm mùng 3, cơ quan duy nhất được đưa tin, chỉ có vỏn vẹn hai đoạn thông báo ngắn ngủi.
Đoạn đầu tiên mô tả sự kiện Trùm An Ninh Đảng Cộng Sản, Mạnh Kiến Trụ, đến thăm các nạn nhân ở bệnh viện Nhân Dân Côn Minh. Đoạn thứ hai tóm tắt ngắn ngọn vụ việc, gọi đó là hành động của băng nhóm khủng bố do Abudurehim Kurban, người được xác định là kẻ cầm đầu.
Không một tờ báo lớn nào ở Trung Hoa bên ngoài tỉnh Vân Nam đưa tin lên trang nhất. Rất nhiều bài đăng trên internet cũng bị dỡ bỏ. Tạp chí Time còn lưu ý rằng thậm chí tờ Nhật Báo Côn Minh, tờ báo địa phương nơi xảy ra vụ việc, cũng chỉ có vỏn vẹn hai đoạn tin ngắn trích từ tờ Tân Hoa Xã ở trang nhất cùng với những tờ tin vắn khác được biên tập theo đường lối của Đảng.
Theo Tân Hoa Xã, bốn trong số những kẻ thủ ác bị bắn, một người nữ bị bắt tại chỗ, và ba người khác cũng bị tóm gọn sau đó.
Hiệu quả đáng sợ
Theo những trang microblogs của các nhân chứng, những kẻ tấn công bằng dao cực kì có tổ chức và kĩ năng sử dụng vũ khí rất thành thạo.
Một cư dân mạng, Zuo Ruxing, đăng trên Weibo rằng các nạn nhân đều bị xuống tay dứt khoát, hiệu quả tới mức đáng sợ. “Những kẻ sát nhân chỉ cần đâm đúng một nhát vào một nạn nhân, trước khi nhắm tới nạn nhân tiếp theo, không hề dừng lại, ngay lập tức tìm kiếm mục tiêu khác để hạ thủ.”
Một cư dân mạng tuyên bố đã nghe một cảnh sát nói rằng không hề có một vết đâm thứ hai trên người nạn nhân.
Kĩ thuật sát thương này cho thấy kẻ thủ ác được đào tạo rất bài bản. Nạn nhân có nguy cơ tử vong cao hơn nếu bị đâm thay vì bị chém, đó cũng là lí do các bài huấn luyện kiếm thuật trong quân đội chú trọng vào chiêu thức đâm mạnh.
Kĩ năng của những kẻ thủ ác, gần như ngay lập tức trở thành cái cớ để đổ vấy tội – chỉ trong vài giờ – cho nhóm người ly khai ở Tân Cương, cùng với địa điểm của vụ tấn công, đã làm dấy lên nghi ngờ trong cộng đồng mạng.
Dư Âm Bạc Hy Lai
Một số nhà quan sát cho rằng thảm sát Côn Minh rất gần với Quân Khu 14.
Địa điểm xảy ra sự việc ở Côn Minh rất gần với Quân Khu 14 đang làm dấy lên nhiều nghi ngờ từ cư dân mạng về một âm mưu chính trị. Căn cứ quân sự gần đó vốn có liên hệ với cựu uỷ viên Bộ chính trị, Bạc Hy Lai, người vốn là đối thủ cạnh tranh với lãnh đạo đương nhiệm Tập Cận Bình.
Theo tờ Wall Street Journal, mối liên kết của Bạc với căn cứ quân sự này đã “cảnh báo Bắc Kinh” khi ông đến thăm nơi này vào năm 2012, khẳng định rằng “đây là ngôi nhà của Đệ Thập Tứ Lộ Quân, hậu duệ trực tiếp của toán quân du kích mà cha của ông – Bạc Nhất Ba đã lãnh đạo những năm 1930.” (Cha của Bạc Hy Lai là Bạc Nhất Ba, có thể xem là lão thành cách mạng, hay khai quốc công thần của Mao Trạch Đông)
Sau khi Bạc Hy Lai thất thế, thị trưởng Trùng Khánh, Hoàng Kì Phàm cho biết rằng Bạc kiểm soát ít nhất 2 căn cứ lục quân Trung Hoa.
Cũng có lời đồn đoán rằng ngay giữa cơn hỗn loạn dẫn tới bản án chung thân của Bạc trong tù, Quân Khu 14 ở Côn Minh đã sát cánh với Bạc. Những lời đồn đoán được châm ngòi bằng các báo cáo của Quân Ủy Trung Ương của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã phái 5 nhóm người đến điều tra những liên hệ của Bạc với căn cứ quân sự ở Côn Minh, Quý Châu, Tứ Xuyên, và Trùng Khánh. Quân Khu 14 ở Côn Minh cũng nằm trong diện điều tra.
Thuyết âm mưu
Người dùng internet ở Trung Quốc – vốn bất bình với cách chính quyền xử lý vụ việc qua việc bóp nghẹt tự do thảo luận và điều tra, trong khi hung hăng khẳng định rằng những kẻ tấn công có liên hệ đồng minh với nhóm người ly khai ở Tân Cương – đã đưa ra một thuyết âm mưu đằng sau vụ tấn công. Cũng như các sự kiện khác của giới cầm quyền Trung Quốc, không có một bằng chứng cụ thể nào có thể khẳng định những âm mưu, nhận dạng và mục đích của những kẻ thủ ác.
Một cư dân mạng, Gulang Mosan, đăng ý kiến, “Bạn không nghĩ rằng những kẻ lưu manh trong đồng phục cảnh sát cũng có cách làm việc tương tự như vậy sao? Cũng cùng một kĩ năng được huấn luyện bài bản, vạm vỡ hệt như những đám đông phá hoại những chiếc xe hơi nhập khẩu từ Nhật Bản trong chiến dịch Bảo Vệ Đảo và chống Nhật Bản…” (đảo Điếu Ngư còn nằm trong tranh chấp Nhật-Trung)
Phong trào Bảo Vệ Đảo là một chuỗi những vụ biểu tình nhỏ lẻ năm 2012 nhắm tới chủ quyền của Trung Quốc ở quần đảo Sensaku, đang nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản. Các vụ biểu tình được chính quyền hậu thuẫn, thậm chí ngay cả sau khi vụ việc trở nên cực kì bạo lực.
Như đã thành luật, Đảng không cho tự do tụ họp đông người. Các nhà quan sát thấy dấu hiệu rất nhiều người hung hăng cầm đầu các vụ biểu tình lại có liên đới với các cơ quan an ninh của Đảng. Năm 2012 là năm đầy các toan tính sắp đặt chính trị ở Trung Quốc, sau vụ bắt giữ Bạc Hy Lai và vợ. Một số đã xâu chuỗi những vụ biểu tình với tàn dư phe phái của Bạc, cố gắng gây biến động lớn trong kỳ chuyển giao quyền lực cho Tập Cận Bình tháng 10 năm ngoái.
Một cư dân mạng khác đăng trên Weibo rằng những kẻ thủ ác mặc đồng phục – vốn cũng được công bố rộng rãi – và một vài chi tiết của vụ tấn công, bao gồm cả kĩ năng sử dụng kiếm của quân nhân, cho thấy rằng “việc này đã được lên kế hoạch từ rất lâu.”
Cư dân mạng trên cũng cho biết rằng vụ việc xảy ra ngay trước “hai kỳ họp” của Quốc Hội và Hội Nghị Hiệp Thương Chính Trị Nhân Dân Trung Hoa hôm mùng 5 tháng Ba.
Các nghiên cứu phụ thêm cung cấp bởi Ariel Tian và Lu Chen.
Joshua Philipp, Epoch Times và Zhang Dun, Epoch TImes
Theo Vietdaikynguyen.com