Người dân Trung Quốc chào đón luật sư Đường Cát Điền (đằng sau, thứ hai từ bên phải) và luật sư Vương Thành (đằng sau, thứ ba từ bên phải) tại Sân Bay Bắc Kinh vào ngày 6 tháng Tư. Ba luật sư nhân quyền đã được thả vào hôm chủ nhật sau hai tuần bị giam giữ tại một trại lao động ở phía Bắc tỉnh Hắc Long Giang. (Twitter)
Vào ngày 6 tháng Tư, sau 15 ngày bị giam giữ bởi lực lượng an ninh ở phía bắc Trung Quốc, ba luật sư nhân quyền đã được thả, và nhanh chóng kể lại những gì đã xảy ra khi bị bắt giam. Đó là những màn tra tấn, đánh đập, và lăng mạ bởi nỗ lực của họ nhằm đòi trả tự do các học viên Pháp Luân Công đang bị giam cầm. Pháp Luân Công là một môn tập tinh thần bị đàn áp ở Trung Quốc.
Bốn luật sư, Trương Tuấn Kiệt, Đường Cát Điền, Giang Thiên Dũng, và Vương Thành, đã đích thân đến sở cảnh sát Kiến Tam Giang ở phía Đông Bắc tỉnh Hắc Long Giang vào ngày 20 tháng Ba, và yêu cầu trả tự do cho các học viên đang bị giam giữ.
Họ đã biểu tình phản đối việc bắt giữ bất hợp pháp người dân Trung Quốc ở một “Căn Cứ Giáo Dục Cải Tạo Pháp Luật” gần đó, vốn được dùng để ép buộc các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin của mình, như một điều kiện để được thả. Pháp Luân Công là một môn khí công với năm bài tập nhẹ nhàng và truyền dạy các nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Môn tập đã bị đàn áp ở Trung Quốc từ năm 1999.
Nỗ lực nhằm kêu gọi tự do cho các học viên là nguyên nhân dẫn đến vụ bắt giữ bốn luật sư này vào ngày 21 tháng Ba.
Theo lời kể lại, cả ba đã bị tra tấn. Trương Tuấn Kiệt, được thả vào ngày 27 tháng Ba, phải chịu ba vết rạn xương sống do bị cảnh sát đánh đập. Giang Thiên Dũng đã bị treo lên, bàn chân không chạm đất và hai tay của ông bị còng ra phía sau, cùng lúc ông bị đánh đập bởi các vật thể cứng bọc trong mảnh vải.
Vương Thành cũng bị đối xử rất hung bạo. “Họ đánh và đá tôi vào ban ngày, và treo tôi lên không trung vào ban đêm trong khi tay bị còng và bị một tấm vải đen trùm kín đầu,” Vương nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. “Tôi không nhìn thấy họ dùng cái gì để đánh tôi, có thể là dùng dùi cui đánh vào các bộ phận ngực trái, xương sườn, và lưng của tôi.”
“Khi ngồi dậy hoặc đứng lên sẽ cực kỳ đau đớn, và thậm chí việc hít thở sâu và ho cũng khiến tôi đau đớn kinh khủng,” ông Vương nói.
Đường Cát Điền nói rằng ông cũng bị đối xử tương tự, và cũng bị ép phải ký một tờ khai giả tạo.
“Họ treo tôi lên và đánh tôi, ép buộc tôi phải thừa nhận rằng tôi đã vận động người dân đến Trung Tâm Giáo Dục Cải Tạo Pháp Luật, ép buộc tôi phải thừa nhận rằng Pháp Luân Công là một “tà giáo,” và ép buộc tôi phải đồng ý với các yêu cầu bất hợp pháp khác,” ông Đường nói
Cụm từ “tà giáo” là một cụm từ mang tính tuyên truyền được Đảng Cộng Sản dùng để bội nhọ Pháp Luân Công từ thời kỳ đầu của cuộc đàn áp.
“Họ cũng đe dọa sẽ chôn sống tôi, moi một quả thận, và tống tiền tôi. Họ cũng nói rằng họ sẽ gửi tôi đến Trung Tâm Giáo Dục Cải Tạo Pháp Luật, trung tâm tẩy não, để bắt tôi tham gia một phiên “chuyển hóa bắt buộc,”” ông Đường nói.
Ông nói ông bị rạn nứt xương và gãy răng..
Ba luật sư đã được các lính canh áp giải tới sân bay Cáp Nhĩ Tân.
Mặc dù bốn luật sư đã được thả, nhưng khoảng 15 công dân khác, từng cùng biểu tình phản đối trung tâm giáo dục cải tạo bắt buộc với họ hiện vẫn đang bị giam giữ, theo nguồn tin của tổ chức Người Bảo Vệ Nhân Quyền Trung Quốc.
Theo cảnh sát giải thích, bảy công dân cùng bốn luật sư bị bắt vì đã hô to “các khẩu hiệu tà giáo,”. Hàng trăm luật sư Trung Quốc và người dân đã biểu tình yêu cầu trả tự do cho các luật sư, cùng với rất nhiều người lặn lội đến vùng Kiến Tam Giang xa xôi, gần biên giới nước Nga để biểu tình bên ngoài trụ sở cảnh sát cả ngày lẫn đêm. Một trong số những người này cũng đã bị bắt.
Trần Nghiễn Lâm, một trong những nhà hoạt động xã hội, đã đăng một bài viết trên tổ chức Người Bảo Vệ Nhân Quyền Trung Quốc nhằm phơi bày các loại hình tra tấn mà cô đã phải chịu đựng và chứng kiến bên trong sở cảnh sát Kiến Tam Gia. Cô Trần nói rằng một cảnh sát đã đánh đập cô và ép cô phải ký vào bản khai nhận, trong đó ghi rằng cô đã hô to khẩu hiệu của Pháp Luân Công và giương biểu ngữ, trong khi cô không hề làm cả hai việc này.
“Tôi lên án mạnh mẽ những bạo hành kiểu phát xít bên trong sở cảnh sát Kiến Tam Gia!” cô viết. “Tôi lên án việc đánh đập tàn bạo các công dân vô tội!”
Với sự đóng góp đưa tin của Lạc Á.
Nguồn: Việt Đại Kỷ Nguyên