Hà Nội là địa phương “nóng” về DĐĐT với hàng loạt vụ khiếu kiện, phản đối DĐĐT. Một trong những lý do là tình trạng cán bộ thôn, xã tự ý lồng ghép lợi ích cá nhân, dòng họ.
LTS: Dồn điền đổi thửa (DĐĐT) là chủ trương đúng đắn để từ tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ chuyển sang sản xuất tập trung quy mô lớn, hiệu quả cao. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện DĐĐT, ở một số địa phương đã xảy ra khiếu kiện, thậm chí bùng nổ xung đột…
Một mảnh ruộng hai chủ
Tháng 9.2013, xã Tuyết Nghĩa đã được UBND huyện Quốc Oai phê duyệt phương án DĐĐT là sẽ dồn ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn. Song khi triển khai UBND xã Tuyết Nghĩa đã để xảy ra nhiều sai trái khiến người dân rất bất bình. Trước khi DĐĐT, xã có 2 hợp tác xã (HTX) là Liên Thôn và Muôn Ro, với diện tích đất khoảng 348ha. Không giống những địa phương khác, thôn sẽ đứng ra thành lập tiểu ban DĐĐT, thành viên sẽ gồm lãnh đạo thôn và người dân, thì ở Tuyết Nghĩa lại đưa thêm HTX làm trung gian ở các tiểu ban. Cũng chính từ điều này đã dẫn tới việc, HTX “lấn sân”, át quyền quyết định của tiểu ban để xảy ra hàng loạt những sai trái trong việc DĐĐT, đặc biệt tại thôn Liên Trì, Độ Lân, Cổ Hiền và Đại Đồng.
Ông Kiều Văn Hòa – người dân ở thôn Liên Trì cho biết, khi thành lập tiểu ban DĐĐT đã không được bình bầu công khai, minh bạch, thiếu dân chủ, thể hiện ở chỗ: Lãnh đạo thôn tự cử người vào tiểu ban chứ không phải do người dân bình bầu. “HTX đúng ra chỉ là trung gian giám sát, nhưng họ lại ép tiểu ban phải làm theo những phương án của họ. Một trong những phương án trái khoáy là đổi địa giới hành chính của thôn này cho thôn khác, hay tự ý móc đất ruộng để bán” – ông Hòa nói.
Theo đó, khi tiến hành quy hoạch, chia ruộng, HTX Liên Thôn và lãnh đạo thôn Liên Trì đã tự ý “cắt” một phần diện tích ruộng của thôn Cổ Hiền giao cho thôn Đại Đồng. Do đó trên một mảnh ruộng nhưng có 2 chủ và hậu quả là khi một số người dân thôn Cổ Hiền cấy trên ruộng cũ, bỗng bị một số người dân thôn Đại Đồng ra nhổ mạ (vì họ cho rằng HTX đã giao cho họ) dẫn đến xô xát, cãi vã.
Không chỉ vậy, HTX Liên Thôn còn tự ý cắt khoảng 1,8 mẫu ruộng của thôn Liên Trì ở xứ đồng Cành Quýt – Bờ De đổi cho thôn Đại Phu, xã Liệp Tuyết và lấy đất của thôn Đại Phu để giao cho thôn Đại Đồng, đảo lộn địa giới hành chính khiến người dân vô cùng bức xúc.
Cán bộ nhận hết ruộng đẹp
Một sai phạm nghiêm trọng ở Tuyết Nghĩa là các cán bộ trong tiểu ban, HTX và Ban DĐĐT xã đã cố tình nâng hệ số K lên cao, thậm chí còn đưa cả những vùng đất tốt vào loại đất xấu, rồi “tự nhận” những khu này để hưởng hệ số K chênh lệch về diện tích. Ông Nguyễn Văn Phái ở thôn Liên Trì dẫn chứng: “Trong số khu trũng Sau Gái (khoảng 4 mẫu); gò Lều (1,2 mẫu); gò Nhà Trương (1,2 mẫu) và đám mạ đội 6, trước đây chỉ có Sau Gái là khu khó khăn, nhưng họ cho tất cả vào khu khó khăn, rồi cán bộ, anh em của cán bộ thôn, HTX, UBND xã nhận hết. Điển hình như: Ông Kiều Văn Quang -Bí thư Chi bộ thôn Liên Trì; Nguyễn Đức Nhạc -Bí thư Chi bộ thôn Đại Đồng; Dương Như Khái -Thanh tra xã; Dương Như Ban (bố vợ ông Quang) và Dương Như Giáp (con ông Ban)…”.
HTX Liên Thôn còn tự ý cắt khoảng 1,8 mẫu ruộng của thôn Liên Trì ở xứ đồng Cành Quýt – Bờ De đổi cho thôn Đại Phu, xã Liệp Tuyết và lấy đất của thôn Đại Phu để giao cho thôn Đại Đồng. |
Tương tự, tại thôn Độ Lân người dân đang rất bức xúc vì những việc làm vụ lợi, thiếu khách quan của lãnh đạo thôn, HTX. Ông Trịnh Đình Thiệu – người dân ở đây nói: “Tại khu Chân Đay và vườn Dầu (khoảng 8,5 mẫu) là khu đất quỹ 1, nhưng nay tính vào đất xấu, với hệ số K x 2 (1 sào ăn 2 sào).
Nhưng thực tế, người dân có ai được nhận sào nào đâu, lãnh đạo thôn, HTX nhận hết cả rồi. Ông Nguyễn Văn Đạo – Bí thư Đảng ủy xã Tuyết Nghĩa cho rằng, việc có nhiều lãnh đạo thôn, HTX nhận khu ruộng xấu là vì “cán bộ phải gương mẫu đi đầu. Khu ruộng xấu người dân không nhận, nên cán bộ phải đứng ra, gương mẫu nhận, còn hệ số K bao nhiêu là do người dân thống nhất”. Tuy nhiên, theo tìm hiểu trên thực tế nhiều khu đất đẹp cũng được đưa vào hệ số K, rồi để “cán bộ gương mẫu” đi đầu nhận, nên hiếm có người dân nào được nhận khu “đặc biệt” này.
Tại xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, người dân cũng đang bức xúc vì sau DĐĐT, ruộng của nhiều gia đình cán bộ bỗng dưng… dôi ra. Bà Nguyễn Thị Vui – một trong những hộ dân bị hụt diện tích sau DĐĐT nói: “Khi DĐĐT, ông Nguyễn Duy Thái – Bí thư Chi bộ thôn Quếch đã tự ý lấy 240m2 ruộng nhà tôi đưa vào diện tích nhà mình. Khi người dân hỏi thì ông Thái bảo mua của nhà tôi, nhưng nhà tôi chưa hề bán mét ruộng nào cho ông Thái”. Bà Phạm Thị Hiền (thôn Chua) cho biết, khi kiểm tra diện tích ruộng của ông Nguyễn Đức Thông – Bí thư Chi bộ thôn Chua cũng đã dư 444m2. Về số đất thừa này, ông Thông cho rằng ông mua của nhà ông Nguyễn Đức Thắng. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên NTNN, ông Thắng khẳng định không bán ruộng cho ông Thông.
Người dân thôn Quếch, thôn Chua còn phản ánh về việc thôn, xã “rút” quá nhiều diện tích ruộng của dân để đắp bờ, kênh mương nội đồng. Cụ thể thôn Chua rút ra 27m2/sào, thôn Quếch 33m2/sào. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Minh – Bí thư Đảng bộ xã Bình Minh cho biết: “Khi đo lại ruộng, xã đã dư ra 14.700m2, trong khi đó diện tích đắp kênh mương chỉ khoảng 14.000m2, như vậy người dân không phải đóng góp mét đất ruộng nào”.
Theo Dân Việt