Câu hỏi đặt ra là các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đã có chiến lược gì để chuẩn bị hội nhập và đâu là tương lai của ngành bán lẻ Việt Nam?
Phát biểu tại hội thảo “Ngành bán lẻ Việt Nam: Tương lai đi về đâu” do CFVG và Trung tâm văn hoá Pháp phối hợp tổ chức ngày 18/4/2014, bà Mai Thị Tuyết Hoa, giám đốc bộ phận nghiên cứu định lượng của công ty Nielsen Việt Nam cho biết, thị trường người tiêu dùng nông thôn đang rất tiềm năng đối với ngành bán lẻ. Nhu cầu tiêu dùng của nhóm người dân ở nông thôn đang dần thay đổi theo hướng tiện ích, hiện đại và tiệm cận về gần với nhu cầu như người tiêu dùng ở thành thị.
Theo báo cáo nghiên cứu của Nielsen, người tiêu dùng nông thông với đặc điểm thu nhập hạn chế theo mùa vụ, trình độ học vấn thấp và cơ hội việc làm không cao cũng đang hướng tới cách thức mua sắm và chi tiêu như người tiêu dùng ở thành phố. Khi được hỏi về tiếp cận dịch vụ ngân hàng, người dân ở nông thôn đã bắt đầu quan tâm đến dịch vụ cho vay để mua sắm, mua nhà và đầu tư thay vì chỉ chú ý đến gửi tiết kiệm như trước đây.
Theo đó, Nielsen cũng chỉ ra rằng, để thâm nhập hiệu quả khu vực người tiêu dùng nông thôn, các doanh nghiệp bán lẻ trước hết cần am hiểu đối tượng khách hàng, nhu cầ và thói quen mua sắm của người tiêu dùng nông thôn để có chiến lược và kênh phân phối phù hợp.
Đối với người tiêu dùng nông thôn, điều cốt yếu là sản phẩm được cung cấp không chỉ đa dạng, mới lạ mà còn phải gắn liền với giá trị mà họ theo đuổi, trong đó minh bạch và trung thực là yếu tố quan trọng do hầu hết người tiêu dùng sẵn sàng mua những sản phẩm do nhà bán lẻ tư vấn.
Bên cạnh đó, báo cáo của Nielsen cũng nêu thêm chìa khoá để chiến thắng ở thị trường nông thôn bao gồm đảm bảo độ phủ sóng của các kênh phân phối thông qua những điểm tiếp xúc hiệu quả như phát huy sức mạnh của quảng truyền miệng, bán hàng qua tivi. Đặc biệt, với 28% người tiêu dùng nông thôn ở độ tuổi 18-24 hiện đang sở hữu điện thoại thông minh, bán hàng trực tuyến thông qua ứng dụng công nghệ cho nhóm khách hàng trẻ tuổi cũng cần được lưu ý để khai thác.
Cũng chia sẻ về kênh phân phối từ quan điểm của một nhà cung cấp, ông Vũ Đức Lợi, giám đốc phát triển hệ thống CTCP Kinh Đô cho biết, trong 5-7 năm qua, tỷ trọng chuyển dịch doanh thu từ kênh phân phối truyền thống sang hiện địa là 1-2%. Trong 5 năm tới, tỷ trọng doanh thu dự báo ở mức tối đa 40% kênh phân phối hiện đại và 60% kênh phân phối truyền thống. Con số này so với Thái Lan là 55%/45% tương ứng.
Đại diện của hai hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam hiện nay, Big C và Co.op Mart cũng chia sẻ hướng đầu tư đa dạng các sản phẩm thông qua tự sản xuất và kênh phân phối trong tương lai, bao gồm kênh phân phối trực tuyến và bán hàng qua tivi. Ông NguyễnTiến Dũng, giám đốc khu vực phía bắc hệ thống siêu thị Co.op Mart cho biết, Co.op Mart dự kiến trong năm nay sẽ tăng doanh thu lên 14% để đạt mục tiêu 25 nghìn tỷ đồng chỉ riêng với lĩnh vực bán lẻ gồm 3 thương hiệu chính là Co.op Mart, Co.op Food, Co.op Extra.